24.10.08

Vì sao đô la Mỹ mạnh lên?

Các nhà phân tích thị trường loay hoay tìm cách lý giải vì sao đô la Mỹ, đồng tiền của một nước đang chống chọi khủng hoảng, lại lên giá mạnh so với tiền của các nước.

Đồng won của Hàn Quốc mất giá khoảng 32%, đồng đô la Singapore sụt đến 47%, đô la Úc giảm chừng 33%, đồng rupee của Ấn Độ mất khoảng 20% so với đô la Mỹ chỉ trong vòng mấy tháng đổ lại. Danh sách các đồng tiền mất giá như thế kéo dài đến hàng mấy chục, từ đồng rand của Nam Phi đến đồng peso của Mexico và thậm chí đồng euro nữa…

Không thể giải thích hiện tượng này bằng các quy luật kinh tế thông thường vì các chỉ số cơ bản của các nước nói trên vẫn bình thường. Lẽ ra một khi nước Mỹ phải bơm hàng trăm tỉ đô la để giải cứu các ngân hàng và hàng trăm tỉ đô la khác để tạo tính thanh khoản cho nền kinh tế thì đồng tiền của họ phải yếu đi, lạm phát tăng cao.

Gói giải cứu 700 tỉ đô la chẳng hạn, sẽ từ đâu ra nếu không phải là do Chính phủ Mỹ tiếp tục phát hành giấy nợ, vay của thế giới về xài. Ai cũng vò đầu bứt tai, vì sao một con nợ đang gặp khó, vay với lãi suất thấp mà thiên hạ vẫn ào vào mua trái phiếu Chính phủ Mỹ như hiện nay.

Những lý do được các nhà phân tích đưa ra trong mấy ngày gần đây chỉ xoay quanh chuyện thị trường chứng khoán khắp nơi sụt giảm mạnh nên nhà đầu tư tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi. Đây là lý do không mấy thuyết phục vì thị trường chứng khoán Mỹ cũng có ngày sụt còn mạnh hơn nơi khác.

Một lý giải khác đáng chú ý hơn cho rằng đừng xem đồng đô la Mỹ là của riêng nước Mỹ mà hãy xem nó như đồng tiền của thương mại và đầu tư toàn thế giới.

Một khi kinh tế thế giới suy yếu, các tài sản khác như chứng khoán, địa ốc không còn hấp dẫn nữa thì người ta có xu hướng giữ tiền, trong trường hợp này là đô la Mỹ, để nắm thế chủ động trong mọi giao dịch sẽ rất khó khăn trong thời gian tới.

Trong cách nhìn này, khủng hoảng xuất phát từ Mỹ không liên quan gì đến đồng đô la Mỹ một khi thế giới vẫn còn chấp nhận đồng tiền này trong giao thương. Hơn thế nữa, nhận định theo hướng này còn cho rằng Mỹ là nước chao đảo đầu tiên nên cũng sẽ là nước ổn định đầu tiên. Giữ đô la Mỹ sẽ yên tâm hơn khi chưa biết số phận các nước khác sẽ ra sao.

Thế nhưng góc nhìn này chưa giải thích được vì sao đồng đô la Mỹ đã có một thời gian dài suy yếu từ năm ngoái, nhất là so với đồng euro hay đô la Úc, mãi cho đến mấy tháng gần đây mới đảo chiều. Rõ ràng lúc đó, người ta lo ngại tình hình kinh tế Mỹ suy thoái, thâm hụt mậu dịch tăng, những nỗi lo bây giờ đã thành hiện thực.

Cũng vì dự đoán theo hướng đó mà nhiều công ty trên khắp thế giới đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề do đặt cược vào sự mất giá của đô la Mỹ. Tập đoàn Citic Pacific của Hong Kong chẳng hạn, lỗ mất 2 tỉ đô la do "chơi tỷ giá" khi cứ tin chắc đồng đô la Úc sẽ lên giá.

Có lẽ mọi chuyện có thể giải thích bằng hai từ "đòn bẩy" (leveraging) và "tháo đòn bẩy" (deleveraging). Đô la tiền mặt chỉ có một nhưng tài sản định giá bằng đô la tăng đến cả mấy chục lần, khi đưa lên thị trường chứng khoán, nó còn tăng nhiều lần nữa.

Giới tài chính đã dùng đòn bẩy tài chính để khuếch đại lợi nhuận nhiều lần so với số vốn bỏ ra; nay khủng hoảng tài chính làm khuếch đại số lỗ cũng nhiều lần như thế. Hàng ngàn tỉ đô la bốc hơi trên các thị trường chứng khoán chỉ là hình ảnh các đòn bẩy này thi nhau gãy sụp.

Và bây giờ họ phải cuống cuồng tháo đòn bẩy trước khi nó gãy sụp. Tự nhiên đô la tiền mặt trở nên được giá vì nó là công cụ chính để tháo đòn bẩy nhanh nhất, ít thiệt hại nhất. Và tự nhiên, cả thế giới thiếu đô la để bôi trơn sự vận hành của nền kinh tế thật, kể cả trong xuất nhập khẩu, trả nợ nước ngoài.

Theo dõi tin tức, chúng ta sẽ thấy ở các nước mà đồng tiền sụt giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ đều có hiện tượng thiếu đô la cho nhiều nhu cầu khác nhau, kể cả việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trong quá trình "tháo đòn bẩy" tài chính.

Lúc trước gặp tình huống này chính phủ các nước bán dự trữ ngoại tệ ra, chủ yếu là trái phiếu chính phủ Mỹ để chống đỡ nhưng nay bán bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu nên đồng tiền các nước mất giá.

Tình hình này trước sau gì cũng chấm dứt một khi nhu cầu đô la tiền mặt giảm hoặc một khi nền tài chính toàn cầu không còn dựa vào đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch nữa.

Chưa ai biết thời điểm đó lúc nào sẽ đến – nhưng lúc đó đô la Mỹ sẽ khó lòng chận đà sụt giảm như năm ngoái. Trước mắt thế giới phải chịu cảnh nghịch lý: Mỹ rơi vào khủng hoảng nhưng đồng tiền mạnh lên, đẩy giá vàng, dầu hỏa và các loại hàng hoá khác xuống sâu.

Theo Quốc Học
SGTT

DOAN TUAN ANH

VIETNAM AIRCRAFT LEASING COMPANY

7th Floor, No. 9 Dao Duy Anh Str.,

Dong Da Dist., Hanoi

Tel : (+844) 5772224- Ext 49

Fax : (+844) 5772270

Mobile : (+84) 904.585.456

Email : anh.doan@valc.com.vn

: doantuananh@gmail.com

No comments:

Post a Comment