11.10.08

Khủng hoảng tài chính: Những căng thẳng mới



Người dân Iceland phản đối cách đối phó khủng hoảng của Chính phủ nước này - Ảnh: AP.

Một hãng bảo hiểm Nhật phá sản, IMF tuyên bố kích hoạt chương trình cho vay khẩn cấp, Iceland bị cho là phá sản cấp quốc gia, nhiều thị trường chứng khoán đóng cửa hoặc tạm ngừng giao dịch, nhóm G7 nhóm họp bàn giải pháp giải quyết khủng hoảng… là những nổi bật trong diễn biến mới nhất của khủng hoảng tài chính.

Nhật Bản: Một công ty bảo hiểm phá sản

Hôm nay, Nhật Bản đã ghi nhận vụ phá sản đầu tiên trong ngành bảo hiểm của nước này trong 7 năm trở lại đây, sau khi hãng bảo hiểm nhân thọ Yamato Life đệ đơn lên tòa án nước này xin nhận được sự bảo vệ trước các chủ nợ.

Phá sản với lượng nợ là 269,5 tỷ Yên, trong đó, lượng nợ vượt quá tài sản là 11,5 tỷ Yên, tương đương 116 triệu USD,Yamato là hãng bảo hiểm nhân thọ thứ 8 của Nhật Bản phá sản kể từ Đại chiến Thế giới 2 tới nay. Sai lầm dẫn tới vụ phá sản của Yamato là việc công ty này dịch chuyển tài sản sang các khoản đầu tư thay thế chiếm khoảng 30% tổng danh mục đầu tư nhằm tăng lợi nhuận. Khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, những khoản đầu tư này khiến Yamato “chết” theo.

“Việc các hãng bảo hiểm bắt đầu gặp khó với các khoản đầu tư của họ là một dấu hiệu cho thấy thậm chí cả các quỹ lương hưu cũng có thể sắp sửa đương đầu với rắc rối xét trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tình hình thật khó khăn”, chiến lược gia trưởng Tetsuo Inoue của công ty quản lý tài sản Proud Asset Management Japan ở Tokyo nhận xét.

Vụ phá sản gần đây nhất trong ngành bảo hiểm nhật là vụ phá sản của công ty Tokyo Mutual Life Insurance vào năm 2001 với khoản nợ 980 tỷ Yên. Năm 2000, một hãng bảo hiểm nhân thọ khác của Nhật là Kyoei Life Insurance cũng phá sản với số nợ lên tới 4.500 tỷ Yên, đánh dấu vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh.

Số vụ doanh nghiệp phá sản tại Nhật đang tăng rất mạnh trong bối cảnh khủng hoảng leo thang và xuất khẩu sụt giảm. Từ tháng 9 năm ngoái tới tháng 9 năm nay, đã có 1.408 doanh nghiệp Nhật phá sản, tăng 34% - mức tăng cao nhất trong 8 năm qua.

Nhiều thị trường chứng khoán tạm ngừng giao dịch

Hôm nay, thị trường chứng khoán Thái Lan tạm ngừng giao dịch 30 phút sau khi chỉ số chính sụt giảm tới 10%. Tại Indonesia, thị trường chứng khoán đóng cửa ngày thứ hai liên tục, sau khi gián đoạn giao dịch trong ngày 8/10 vì mức giảm 10%.

Tại châu Âu, hôm nay có 3 thị trường chứng khoán đóng cửa hoặc tạm ngừng giao dịch. Thị trường Nga trì hoãn mở cửa theo yêu cầu của các nhà chức trách do lo ngại trước phiên giao dịch rơi tự do diễn ra trước đó tại thị trường châu Á. Thị trường Áo tạm ngừng giao dịch tới tận 12h trưa theo giờ địa phương. Thị trường Iceland đóng cửa ngày thứ hai liên tiếp và sẽ còn ngừng giao dịch tới tận ngày 13/10.

Tính tới thời điểm 4h35 tại Hồng Kông, chỉ số MSCI World của thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm 3,3%, nâng mức sụt giảm của chỉ số này trong tháng 10 lên tới 22%.

Iceland phá sản cấp quốc gia?

Theo các nhà kinh tế học, Iceland đã phá sản cấp quốc gia. Hôm qua, sau khi tiếp quản ngân hàng lớn nhất nước này, Chính phủ Iceland đóng cửa luôn thị trường chứng khoán. Những động thái này của Chính phủ Iceland đã khiến các ngân hàng trên thế giới ngừng giao dịch đồng Krona của Iceland, mặc dù đồng tiền này có giá rẻ như cho.

“Iceland đã phá sản. Đồng Krona của nước này đã trở thành dĩ vãng. IMF sẽ phải giải cứu Iceland”, Giáo sư Arsaell Valfells của Đại học Iceland nhận xét. Trước đó, chính Thủ tướng Iceland Geir Haarde đã cảnh báo nguy cơ phá sản cấp quốc gia của Iceland.

Đối với Chính phủ Iceland, lựa chọn cuối cùng dành cho họ lúc này chỉ còn là cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đáng chú ý, Anh và Iceland còn đang có cuộc tranh cãi rất gay gắt về việc nước nào sẽ chịu trách nhiệm về tài sản và tiền gửi của người dân và doanh nghiệp của một trong hai nước ở nước kia. Sau khi Iceland tiến hành quốc hữu hóa các ngân hàng hàng đầu của nước này, tài khoản tiền gửi của không ít người Anh đã bị mắc kẹt ở đó.

Hôm qua, Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố có thể sẽ đóng băng tài sản các công ty của Iceland ở Anh vì Iceland không bảo đảm tiền gửi cho các khách hàng nước ngoài trong các ngân hàng ở Iceland.

IMF vào cuộc

Về phần mình, Giám đốc Điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn hôm qua tuyên bố đã kích hoạt một hệ thống bơm vốn khẩn cấp nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng hoảng.

Theo đó, IMF sẽ cho vay hàng trăm tỷ USD đối với các thị trường đang nổi lên đương đầu với khủng hoảng. Quyết định này được đưa ra sau khi chi phí bảo hiểm trái phiếu do một số nước đang phát triển phát hành tăng vọt, đồng thời, một số quốc gia như Brazil, Mexico và Peru đã phải bán ra USD để ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ.

Giới quan sát nhận định, động thái trên của IMF có thể đưa tổ chức này trở lại với vị trí trung tâm trong nền kinh tế thế giới.

Chương trình cho vay đặc biệt này được IMF thành lập trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico vào năm 1994. Khi đó, Mexico buộc phải phá giá đồng tiền và IMF đã hỗ trợ nước này với khoản vay kỷ lục 17,8 tỷ USD. Sau đó, tới cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, IMF đã cấp hạn ngạch tín dụng hơn 80 tỷ USD đối với Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc.

Ấn Độ giảm mạnh dự trữ bắt buộc

Trước sức nóng của khủng hoảng tài chính đe dọa nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế, quốc gia với dân số lớn thứ hai thế giới Ấn Độ hôm nay đã có một bước tiến chống khủng hoảng khá mạnh.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 9% xuống còn 7%, đánh dấu lần cắt giảm mạnh nhất từ năm 2001 tới nay. Động thái này giúp tăng cường lượng thanh khoản trong hệ thống tài chính của Ấn Độ thêm 600 tỷ Ruppee, tương đương 12,2 tỷ USD.

Động thái này của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh đồng Rupee của Ấn Độ mất giá kỷ lục so với USD, còn 49,26 Rupee mới đổi được 1 USD và lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng ở nước này tăng gấp đôi từ mức 10% lên 23% chỉ trong vòng có 2 ngày. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Ấn Độ giảm gần 10% trước khi quyết định trên được công bố.

Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc được xem là một cách làm hưởng ứng đợt phối hợp cắt giảm lãi suất vừa qua của các ngân hàng trung ương lớn, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, Ấn Độ không thể cắt giảm lãi suất vì lạm phát ở nước này đang ở mức rất cao.

Nỗ lực chống khủng hoảng mới của các nước lớn

Hôm nay tại Washington, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển G7 sẽ nhóm họp nhằm thảo luận các biện pháp gỡ rối cuộc khủng hoảng đang khiến kinh tế thế giới đối mặt với viễn cảnh tồi tệ nhất trong vòng 1/4 thế kỷ qua.

Bất chấp những nỗ lực hành động của chính phủ các nước trong thời gian gần đây, thị trường tín dụng toàn cầu vẫn thắt chặt nghiêm trọng do các ngân hàng găm tiền và không muốn cho vay vì lo sợ khủng hoảng. Tuy nhiên, tới giờ phút này, ngoài đợt đồng loạt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn vừa qua, vẫn chưa có dấu hiệu nào về một biện pháp giải quyết khủng hoảng mang tính toàn cầu.

Một đề xuất đáng chú ý trong cuộc họp lần này sẽ là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling, theo đó, các quốc gia sẽ cùng đảm bảo cho các khoản vay giữa các ngân hàng với nhau để gỡ nút thắt trên thị trường tín dụng. Tuy nhiên, phía Pháp và Mỹ phản đối ý tưởng này vì cho rằng biện pháp này không công bằng với các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson đã lên kế hoạch mua lại cổ phần trong nhiều ngân hàng theo thẩm quyền được trao trong kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD dành cho ngành tài chính. Bên cạnh đó, cũng có nguồn tin cho hay, các nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc mọt đề xuất về việc đảm bảo tất cả các tài khoản tiền gửi của người Mỹ để tránh việc người dân rút vốn khỏi các tổ chức tài chính.

Do tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Mỹ Bush sẽ có cuộc gặp với đại diện các nước G7. Cuộc gặp này được đánh giá là tương tự cuộc gặp của cựu Tổng thống Bill Clinton với nhóm G7 trong cuộc khủng hoảng tài chính 1998. Trong ngày hôm nay, Tổng thống Bush cũng sẽ có một bài phát biểu nhằm trấn an nước Mỹ trong bối cảnh thị trường tài chính liên tục chao đảo mạnh.

Tại châu Âu, Chính phủ Hà Lan hôm nay quyết định sẽ bơm 20 tỷ Euro, tương đương 27,2 tỷ USD vào hệ thống tài chính để tăng cường thanh khoản cho các tổ chức tài chính.

(Theo Bloomberg, Reuters, AP)

No comments:

Post a Comment