20.3.10

Báo cáo triển vọng Ngành của CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

Báo cáo triển vọng Ngành của CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI vừa công bố vào ngày 8/03/2010. Theo đó, trong năm 2010, Bộ phận phân tích SSI vẫn tỏ ra thận trọng về tình hình kinh tế thời hậu khủng hoảng năm 2010, khi Chính phủ một mặt phải bảo đảm tăng trưởng GDP ở mức 6,5% song mặt khác phải cân đối để giữ lạm phát ở mức 7% và điều này có thể dẫn tới những thay đổi trong chính sách vĩ mô.

Thị trường tín dụng sẽ ổn định vào quý 2 và 3 song đến cuối quý 3 có thể trở về trạng thái căng thẳng khi việc phát hành nợ công quy mô lớn có thể làm giảm đáng kể thanh khoản của hệ thống ngân hàng, lãi suất cơ bản có khả năng lên cao nhất ở mức 10% vào cuối năm 2010 và lãi suất cơ bản chỉ còn vai trò là trần lãi suất huy động.

Thị trường chứng khoán có thể bắt đầu một chu kỳ tăng bền vững khi các ngân hàng thu hút đủ nguồn vốn huy động một cách bền vững và lạm phát có dấu hiệu ổn định.

Trong danh sách cổ phiếu thuộc phạm vi nhiên cứu của SSI, ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các công ty này lần lượt là 17% và 12%, tăng trưởng EPS sau khi pha loãng trong năm 2010 là -7% và P/E 2010 là 11x. Mức P/E này khá hấp dẫn nếu nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Trong năm 2010, theo SSI, những ngành như ngân hàng, hàng tiêu dùng cơ bản, hàng tiêu dùng không cơ bản và dịch vụ tiêu dùng, thuỷ sản, cao su tự nhiên, công nghệ thông tin, bất động sản là những ngành đáng được cân nhắc đầu tư.

Về triển vọng các ngành năm 2010 có thể được tóm tắt như sau:

Ngành ngân hàng: Với việc được NHNN cho phép cho vay thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, doanh thu từ lãi vay có thể tăng nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định và sự cải thiện trong lợi nhuận lãi biên. Tuy nhiên việc lãi suất cho vay tăng cao có thể dẫn tới việc giảm nhu cầu đi vay và Chính phủ có thể đưa ra các chính sách tiền tệ thắt chặt khi mức tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm 2010 là 25% và khống chế lạm phát 7%. Cổ phiếu ngân hàng là lựa chọn tốt cho đầu tư dài hạn. Các cổ phiếu SSI khuyến nghị là VCB và STB.

Ngành vật liệu xây dựng: Chính phủ vẫn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để hu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn nên cầu về vật liệu xây dựng trong năm tới vẫn là rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp sẽ phải tính đến việc bị cạnh tranh gay gắt và chi phí cố định lớn.

Gạch ngói: Các yếu tố có khả năng hỗ trợ trong năm 2010 là Chính phủ đang nỗ lực loại bỏ các lò sản xuất thủ công và lạc hậu, dẫn tới thiếu hụt cung gạch đất sét nung; gạch granite có tiềm năng lớn cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong năm 2010 sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao, và đầu tư của Chính phủ còn hạn chế. Các cổ phiếu được SSI khuyến nghị là VHL, DTC, VIT.

Xi măng: Nhu cầu vẫn lớn do Chính phủ vẫn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc chi phí tăng và rủi ro tỷ giá. Cổ phiếu được khuyến nghị: HOM.

Thép xây dựng: Giá thép có thể thay đổi nhưng vẫn có xu hướng tăng trong khi đó xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là yếu tố mang tính chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn nên nhu cầu về thép xây dựng trong các năm tới vẫn rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Cổ phiếu khuyến nghị: HPG.

Ống nhựa xây dựng: Ngoài tiềm năng tăng trưởng về nhu cầu đối với ngành xây dựng, ngành ống nhựa có thể tăng giá bán song cùng với đó là chi phí đầu vào tăng (hạt nhựa, điện, chi phí vận chuyển, chi phí vốn..). Cổ phiếu khuyến nghị: NTP.

Than: Giá than quốc tế đang trong xu hướng tăng, giá than trong nước cũng tăng. Tuy nhiên khả năng tăng giá bán than cho ngành điện có thể bị hạn chế; ảnh hưởng bởi chính sách của TKV về định mức lợi nhuận. Các cổ phiếu khuyến nghị: NBC, THT.

Cao su tự nhiên: Thị trường tiêu thụ tốt nhờ có tăng trưởng về nhu cầu cộng với nguồn cung hạn chế; Mức giá rất cao hiện tại và xu hướng giá cao được kỳ vọng là sẽ tiếp tục; Khả năng xuất hiệu yếu tố lợi nhuận bất ngờ.

Các yếu tố bất lợi là VND mất giá; Giảm sản lượng khai thác đối với các công ty niêm yết; Sự phụ thuộc lớn vào giá cao su quốc tế có thể dẫn đến những rủi ro khi có những cú sốc bất ngờ tác động đến thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến giá bán. Cổ phiếu khuyến nghị: DPR, PHR.

Thực phẩm và Đồ uống: Vẫn có thể tăng doanh thu tốt: ngành sữa (15-20%), bánh kẹo (10-15%), dầu thực vật (ít nhất 10%) nhờ việc tăng giá bán lẻ và tăng sản lượng tiêu thụ một cách thuận lợi; Sản phẩm nhập khẩu tiếp tục mất vị thế so với các nhãn hiệu trong nước trong ngành sữa và bánh kẹo; Nỗ lực của Chính phủ để quảng bá các nhãn hiệu nội điạ trong ngành tiêu dùng nhanh.

Bất lợi: Cạnh tranh gay gắt; Biến động của giá nguyên liệu và tỷ giá; Rủi ro về quản lý chất lượng; Nhu cầu về sản phẩm ngọt và hàm lượng chất béo cao đang giảm. Cổ phiếu khuyến nghị: VNM, BBC.

Điện: Không có nhiều yếu tố tích cực trong ngắn hạn trong khi đó các nhà máy hiện tại có ít khả năng tăng công suất; thời gian đầu tư lớn, sản lượng điện phụ thuộc vào sự huy động của EVN hơn là cung-cầu thực sự của thị trường, và EVN vẫn đang giữ vai trò chi phối khi các công ty đàm phán giá bán điện. Cổ phiếu khuyến nghị: VSH.

Thủy sản: Nhu cầu về thuỷ sản trong năm 2010 sẽ tăng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sự mất giá của đồng VND sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thu được khoản lợi; tuy nhiên các doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với tình hình thiếu nguyên liệu chế biến và các quy định về truy xuất nguồn gốc thuỷ sản của EU (IUU), xếp cá tra vào chủng loại catfish tại thị trường Mỹ... Cổ phiếu khuyến nghị: HVG, MPC, ABT.

Ngành vận tải dầu khí: Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận các công ty trong ngành thấp, ROE thấp, không hấp dẫn dưới góc độ tài chính.

Dược: Nhu cầu duy trì tốt, các công ty tích cực trong việc cấu trúc lại sản phẩm theo hướng tăng cường những sản phẩm đem lại tỷ suất lợi nhuận cao. Lạm phát và giá dầu tăng sẽ dẫn đến tăng giá đầu vào trong khi giá bán chịu sự quản lý của nhà nước. Khuyến nghị: DMC, IMP.

Bất động sản: Xu hướng tăng FDI do sự phục hổi ở các nước đầu tư vào Việt Nam; Hà Nội kỷ niệm 1000 năm trong năm 2010: một yếu tố tích cực cho tăng trưởng ngành BĐS; Các “công ty săn đất” đang dư tiền có thể tham gia tich cực hơn khi giá BĐS rơi xuống vùng giá thấp hấp dẫn; Có nhiều tổ chức quan tâm tới thị trường Việt Nam; Rào cản pháp lý cao hơn làm giảm cạnh tranh trong ngành; Lĩnh vực đầu tư truyền thống vào vàng có thể kém hấp dẫn hơn sẽ kéo lại nhà đầu tư về với thị trường BĐS.

Hạn chế: Chính sách tiền tệ chặt chẽ hạn chế hoạt động của nhà đầu cơ, đóng băng giao dịch và đẩy giá BĐS xuống ở nhiều phân khúc; Cạnh tranh gia tăng do có nhiều sản phẩm BĐS được tung ra thị trường ở nhiều phân khúc khác nhau, đẩy giá giảm xuống; Nhiều BĐS đã bị đẩy lên mức giá cao làm nhu cầu bị giảm bớt; Giá BĐS ở VN cao hơn tương đối so với các nước khác làm giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài; Việc đền bù đất mất thời gian và đắt đỏ làm trì hoãn các dự án được phê duyệt; Chi phí tăng. Khuyến nghị: SJS, DIG, BCI, ITC

Vận tải hàng rời: Giá cước và nhu cầu đang tăng trở lại. Tuy nhiên các công ty vẫn phải đối mặt với các khoản nợ lớn bằng USD.

Vận hành cảng: Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại. Đầu tư vào trang thiết bị, tinh giản thủ tục hải quan, giảm thời gian xếp dỡ hàng hoá và tăng công suất thực tế của các cảng. Việc giảm giá đồng VND so với USD, do doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ USD quy đổi ra VNĐ. Một số cảng hiện tại bị giới hạn bởi công suất. Khuyến nghị: GMD, VSC.

Công nghệ: Ước tính mức tăng trưởng trong năm 2010 là 30%. Viễn thông: những công ty lớn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài: doanh thu từ internet băng thông rộng sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn; công nghệ 3G sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển dịch vụ dữ liệu và nội dung số trong dài hạn. Gia công phần mềm: nhu cầu được cải thiện nhờ hồi phục kinh tế.

Hạn chế: Nhu cầu về 3G trong năm 2010 và 2011 vẫn còn khá yếu do phí dịch vụ cao, độ phủ sóng thấp và các dịch vụ gia tăng hạn chế, khiến cho việc đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng cho 3G của các công ty viễn thông gặp rủi ro; mở rộng kinh doanh ra nước ngoài làm tăng rủi ro kinh doanh và tăng cạnh tranh. Cạnh tranh trong nước cao hơn trong mảng internet băng thông rộng. Khuyến nghị: FPT.

(Báo cáo chỉ mang tính chất tham khảo)
Download báo cáo tại đây

Phương Mai
Theo SSI

Gian lận kế toán trong vụ phá sản của Lehman Brothers

Một bản báo cáo hơn 2.200 trang điều tra chi tiết về nguyên nhân sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers mới được công bố đã gây chấn động giới tài chính thế giới.


Hơn một năm sau sự kiện phá sản của một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall, Lehman Brothers, bản báo cáo gồm 9 phần với hơn 2.200 trang về điều tra chi tiết về nguyên nhân sụp đổ của ngân hàng ngày đã được ban hành, ngày 11/03/2010. Báo cáo được lập bởi Anton R, Valukas, Chủ tịch của Công ty luật Jenner & Block, đồng thời là Thanh tra do toà án chỉ định, được tờ The Economist đánh giá là xác thực, rõ ràng và gây tác động lớn.

Ông Valukas và các đồng nghiệp Công ty luật Jenner & Block đã thực hiện hơn 250 cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên cao cấp của Lehman Brothers, và thực hiện lọc trong hơn 2.600 dự liệu và e-mail trong hệ thống thông tin của ngân hàng này để có thể hoàn thành bản báo cáo.

Trong báo cáo này, một trong những phát hiện quan trọng nhất liên quan đến việc Lehman đã sử dụng “thủ thuật” kế toán có tên gọi trong nội bộ của ngân hàng là Repo 105 và Repo 108 để tạm thời che dấu hệ số nợ quá cao cuối mỗi quý kể từ năm 2001 cho đến thời điểm phá sản.

Theo báo cáo này, các giao dịch Repo 105 được sử dụng rất nhiều trong giai đoạn cuối năm tài chính 2007 và 2008 nhằm cố tình tạo ra sự sai lệch trọng yếu trong bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của Lehman. Trong giai đoạn này, Lehman, với sự “trợ giúp” của Repo 105, đã “hô biến” tạm thời gần 50 tỷ đô la giá trị tài sản tại thời điểm cuối quý I và quý II năm 2008, thời điểm mà thị trường tài chính đang lo lắng trước tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao của các ngân hàng.

Giao dịch Repo

Repo 105 thực chất là nghiệp vụ thoả thuận bán tái mua tài sản (Repurchase Agreement) của Lehman. Trong một thoả thuận bán tái mua, một bên chuyển giao tài sản hoặc chứng khoán cho bên còn lại trong thoả thuận như một khoản ký quỹ để vay tiền ngắn hạn, đồng thời cam kết trả lại tiền và nhận lại tài sản hoặc chứng khoán ký quỹ tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Khi giao dịch Repo đến hạn, bên vay thanh toán tiền gốc cộng với một khoản lãi và nhận lại tài sản hoặc chứng khoán ký quỹ. Repo 105 được thực hiện tương tự như giao dịch Repo truyền thống, một dạng nghiệp vụ tài trợ nhằm giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn, và kỳ hạn của Repo 105 trung bình khoảng từ 7 đến 10 ngày.

Khi sử dụng các giao dịch Repo, theo đúng bản chất, Lehman sẽ nhận được một khoản tiền mặt tương ứng với khoản nợ ngắn hạn tăng lên. Sau đó, khi Lehman sử dụng toàn bộ khoản tiền này để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn khác, hệ số nợ của Lehman sẽ không thay đổi so với trước khi thực hiện giao dịch Repo.

Repo 105 hoạt động như thế nào?

Báo cáo của Valukas chỉ ra rằng Lehman đã lợi dụng kẽ hở trong quy định chuẩn mực kế toán số 140 (“SFAS 140”) để thực hiện hành vi gian lận kế toán nhằm giảm bớt hệ số nợ của mình. SFAS 140 cho phép ghi nhận giao dịch bán tài mua là một nghiệp vụ tài trợ hoặc, trong trường hợp thoả mãn một số tiêu thức nhất định, giao dịch bán tái mua được ghi nhận như một khoản doanh thu.

Cho dù trong báo cáo tài chính phát hành ra công chúng của Lehman nêu rằng giao dịch bán tái mua được ghi nhận như một nghiệp vụ tài trợ, nhưng thực tế Lehman đã ghi nhận giao dịch Repo 105 là một khoản doanh thu của ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các giao dịch Repo 105 lên đến gần 50 tỷ đô la Mỹ đã không thoả mãn các điều kiện của SFAS 140 để được ghi nhận như một khoản doanh thu.

Các minh hoạ dưới đây, được trích từ bản báo cáo điều tra của Valukas, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn làm thế nào Repo 105 có thể giúp Lehman giảm được hệ số nợ.

Minh hoạ 1: Bảng cân đối kế toán của Lehman trước khi thực hiện Repo 105

Khi Lehman thực hiện 50 tỷ USD giao dịch Repo 105 bán tái mua tài sản là công cụ tài chính, và thay vì ghi nhận như một nghiệp vụ tài trợ ngắn hạn Lehman đã ghi nhận như một khoản doanh thu, số dư tiền sẽ tăng lên 50 tỷ USD đồng thời số dư công cụ tài chính giảm đi cùng một con số. Lúc này, tổng tài sản và các hệ số đòn bẩy tài chính của Lehman không đổi, được trình bày tại Minh hoạ 2 dưới đây.

Minh hoạ 2: Bảng cân đối kế toán của Lehman sau khi thực hiện Repo 105

Ngay sau đó, Lehman sử dụng tiền thu được từ Repo 105 để thanh toán cho các khoản vay ngắn hạn ký quỹ khiến cho tổng tài sản và hệ số đòn bẩy tài chính giảm xuống.

Minh hoạ 3: Bảng cân đối kế toán của Lehman sau khi thực hiện dùng tiền thu được từ Repo 105 thanh toán vay ngắn hạn ký quỹ.

Khi giao dịch Repo 105 đến hạn, Lehman vay ngắn hạn ký quỹ để thanh toán cho đối tác trong giao dịch Repo 105 và nhận về tài sản ký quỹ. Thời gian đáo hạn của giao dịch Repo 105 kéo dài từ cuối quý trước sau đầu quý sau. Do đó, tại thời điểm báo cáo quý, thị trường tài chính sẽ thấy hệ số đòn bẩy tài chính của Lehman trên báo cáo tài chính quý phát hành của Lehman thấp hơn so với thực tế.

Lehman được lợi gì?

Theo báo cáo điều tra, từ thời điểm giữa năm 2007 đến quí I năm 2008, Lehman đã tăng cường sử dụng giao dịch Repo 105 trên hệ thống toàn cầu. Có thời điểm giá trị tài sản mà Lehman đã “hô biến” khỏi bảng cân đối kế toán nhằm giảm hệ số nợ lên đến gần 50 tỷ USD.

Số liệu 1: Số liệu sử dụng và tác động của Repo 105 của Lehman Brothers

(Nguồn: Báo cáo điều tra của Valukas)

Đây chính là giai đoạn thị trường tài chính phố Wall tăng cường mối quan ngại về tình trạng áp dụng thái quá đòn bẩy tài chính của các ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng lớn, bao gồm cả Lehman Brothers, đang đứng trước sức ép phải giảm bớt quy mô tài sản. Tuy nhiên, một thực tế lúc đó tài sản do Lehman nắm giữ đang dần mất tính thanh khoản do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cho vay mua nhà dưới chuẩn. Do đó, Repo 105 có thể là một cứu cánh cho lãnh đạo của Lehman khi việc bán bớt tài sản là rất khó khăn.

Ngoài ra, theo báo cáo điều tra, một trong những nguyên nhân chính Lehman sử dụng Repo 105 để giảm hệ số nợ là nhắm tới phương pháp đánh giá của Hãng đánh giá định mức tín nhiệm S&P nhằm duy trì hệ số tín nhiệm. Lehman cho rằng phương pháp của S&P tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của hệ số nợ của các ngân hàng.

Trách nhiệm của kiểm toán viên

Báo cáo cũng dành một phần để đề cập tới trách nhiệm của kiểm toán viên của Lehman lúc đó là Công ty kiểm toán Ernst & Young (E&Y) tại Mỹ. Báo cáo mô tả các thủ tục kiểm toán của E&Y là “cẩu thả” và các kiểm toán viên của E&Y đã rất “sơ suất” khi thực hiện kiểm toán.

Theo báo cáo, giám đốc của E&Y lãnh đạo cuộc kiểm toán tại Lehman, William Schlich đã cho biết E&Y đã biết và thảo luận nhiều lần chính sách kế toán của Lehman đối với Repo 105 và đã đồng thuận với chính sách kế toán này.

Tờ DailyMail của Anh cho rằng E&Y đã thiếu sự cẩn trọng trong xét đoán nghề nghiệp. Tờ báo cũng cho rằng cho dù báo cáo của Valukas không có cáo buộc nghiêm trọng nào, E&Y có thể phải chịu các hình phạt nhất định. Scandal này có thể ảnh hưởng tới uy tín toàn cầu của E&Y.

Kết luận

Thủ thuật của Lehman được chính các cựu nhân viên của họ gọi với các mỹ từ như “Xảo thuật kế toán” hay “một cách lười nhác để làm đẹp bảng cân đối kế toán”. Một phản hồi của độc giả của tờ The Economist còn châm biếm “hỡi các kế toán, hãy tập trung vào các phép tính và dành sự sáng tạo cho Apple!”.

Phan Lê Thành Long
Phó TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán Quốc gia Việt Nam