21.10.08

Chỉ tiêu kinh tế và 8 kiến nghị

Thủ tướng cho biết, để kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng cả năm 2009 dưới 15%, đưa lạm phát xuống một con số vào năm 2010 và ổn định vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng rất linh hoạt trong điều hành - Ảnh: TTXVN.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 trước Quốc hội trong ngày khai mạc (16/10) kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Kiềm chế lạm phát thực sự là công việc hệ trọng của đất nước”.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong năm 2009, kiềm chế lạm phát cũng được xác định là giải pháp hàng đầu trong số các giải pháp lớn của Chính phủ.

"GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD"

Chính phủ nhận định, trong năm 2008, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD.

Thu ngân sách năm 2008 vượt dự toán. Cán cân thanh toán quốc tế được bảo đảm; ước cả năm 2008 thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD. Từ tháng 6 năm 2008, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, tháng 9 tăng 0,18%, tính chung 9 tháng giá tiêu dùng tăng 21,87%, dự báo cả năm 2008 tăng khoảng 24%.

Xuất khẩu năm 2008 tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 48,6 tỷ USD tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ tăng 19,4%); ước cả năm đạt trên 65 tỷ USD, tăng 33,9% là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua (năm 2007 tăng 21,9%).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước cả năm có số vốn đăng ký trên 60 tỷ USD, gấp khoảng 3 lần so với năm 2007, vốn thực hiện khoảng 10 - 11 tỷ USD

Còn nhiều yếu kém

Lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối vĩ mô chưa vững chắc là hạn chế đầu tiên được chỉ ra. Thủ tướng nêu rõ, mặc dù đã được kiềm chế theo hướng giảm dần nhưng mức tăng giá tiêu dùng vẫn còn cao gấp gần 2 lần năm 2007 và là mức tăng cao nhất từ hơn 10 năm nay. Nhập siêu đã giảm mạnh nhưng vẫn còn lớn. Các cân đối kinh tế vĩ mô tuy đã ổn định hơn nhưng chưa vững chắc.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, lạm phát cao ở nước ta có nguyên nhân từ giá cả thế giới tăng cao, nhưng chủ yếu là do cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tiền tệ, tài khoá chưa thật phù hợp, kém hiệu quả; chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế thấp; công tác chỉ đạo điều hành, nhất là về kinh tế vĩ mô tuy đã có bước tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập.

Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% là yếu kém thứ hai được chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ. Hạn chế này có nguyên nhân từ cơ chế đầu tư và giải ngân còn nhiều bất cập, giá cả và lãi suất tăng cao. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng, nhất là của doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hạn chế.

Lạm phát hiện nay tuy không đến mức “phi mã” như những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng do kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng đang trong tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, do đó, việc xử lý cũng rất phức tạp, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém trong giải quyết các vấn đề xã hội, cải cách hành chính...

Trong số 5 bài học được đúc kết qua thực tiễn điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh: “Kiềm chế lạm phát thực sự là công việc hệ trọng của đất nước, đòi hỏi phải có sự nhất trí trong cả hệ thống chính trị, từ đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân đến xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện”.

Chính sách tiền tệ: Thắt chặt, nhưng linh hoạt

Về nhiệm vụ năm 2009, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu tăng DGP khoảng 7% so với năm 2008. Tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được xác định là giải pháp đầu tiên trong 8 giải pháp lớn của Chính phủ để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cho biết, để kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng cả năm 2009 dưới 15%, đưa lạm phát xuống một con số vào năm 2010 và ổn định vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng rất linh hoạt trong điều hành, nhằm bảo đảm vốn cho việc tăng trưởng hợp lý và ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu... cũng là những giải pháp cụ thể Chính phủ sẽ thực hiện.

Kết thúc phần trình bày báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt cho được những kết quả cơ bản trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt hơn những vấn đề an sinh xã hội; vừa chủ động hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế nước ta, phấn đấu giữ tăng trưởng ở mức hợp lý với yêu cầu chất lượng cao hơn.

* Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2009 được Chính phủ trình Quốc hội:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7% so với năm 2008;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 76,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2008.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 725 nghìn tỷ đồng, bằng 40% GDP.

- Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 418 nghìn tỷ đồng, tăng 4,76% so với ước thực hiện năm 2008; tổng chi ngân sách nhà nước 509,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với ước thực hiện năm 2008.

- Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%.

- Tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 9 vạn người.


Người viết xin có một số ý kiến lạm bàn về một số vấn đề chung và về hệ thống chỉ tiêu kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội.


Thứ nhất, về mục tiêu, nên đưa mục tiêu chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Đề xuất này xuất phát từ một số tình hình sau đây.

Một, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu là cuộc khủng hoảng hàng trăm năm mới có một lần; hiện chưa thấy "đáy"; hiện còn kéo dài chưa biết đến bao giờ (có chuyên gia dự đoán 18 tháng, cao hơn gấp đôi các cuộc khủng hoảng của Mỹ gần đây).

Hai, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực 1997- 1998, tuy về địa lý gần nước ta hơn (và lúc đó Việt Nam mới mở cửa tiến ra sân chơi khu vực) và Việt Nam không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng đó, nhưng tác động sau đó cũng không ít.

Xin dẫn ra một số con số. Tốc độ tăng GDP đang từ 8,15% năm 1997, năm 1998 chỉ còn 5,76%, năm 1999 chỉ còn 4,77%, trong đó công nghiệp - xây dựng tương ứng từ 12,63% xuống còn 8,33% và 7,68%; dịch vụ từ 7,14% xuống còn 5,08% và 2,25%.

GDP giá thực tế bị "co lại", nhưng tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP đang từ 34,6% GDP xuống còn 32,4% và 32,8%, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm cả về lượng vốn đăng ký và thực hiện (lượng vốn đăng ký năm 1996 là 10.164 triệu USD, nhưng năm 1997 còn 5.591 triệu USD, năm 1998 còn 5.100 triệu USD, năm 1999 còn 2.565 triệu USD; lượng vốn thực hiện năm 1997 là 3.115 triệu USD, nhưng năm 1998 chỉ còn 2.367 triệu USD, năm 1999 chỉ còn 2.414 triệu USD).

Xin dẫn thêm những con số năm nay để có thể tham khảo. Tăng trưởng GDP quý 2 và quý 3 thấp hơn quý 1 (quý 1 tăng 7,38%, quý 2 tăng 5,85%, quý 3 tăng 6,55%) và 9 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ các năm trước (9 tháng của năm nay tăng 6,52%, trong khi của năm 2007 là 8,16%, của năm 2006 là 7,84%,...).

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tuy tăng 39% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá và tái xuất thì thấp hơn nhiều. Xuất khẩu trong mấy tháng nay có xu hướng tháng sau giảm so với tháng trước và đang đứng trước tác động kép: vừa về lượng, vừa về giá, vừa về thị trường.

Nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng giảm, nhất là các thị trường lớn trực tiếp hoặc bị ảnh hưởng của khủng hoảng như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản,...

Giá xuất khẩu 9 tháng năm 2008 tăng rất cao, chỉ với 8 mặt hàng (dầu thô, gạo, than đá, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè) đã làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 6,7 tỷ USD (hay tăng 14%). Nếu giá hàng hóa xuất khẩu tiếp tục giảm thì sẽ kéo tốc độ tăng chung xuống.

Thứ hai, với tầm quan trọng của mục tiêu chủ động hạn chế khủng hoảng và ổn định kinh tế vĩ mô như trên, nên cần bổ sung thêm ba chỉ tiêu:

- Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu và mức nhập siêu (hay tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu);

- Dự trữ ngoại hối hay mức tăng dự trữ ngoại hối;

- Tốc độ tăng tỷ giá VND/USD.

Ba chỉ tiêu này có ý nghĩa lớn thể hiện việc ổn định kinh tế vĩ mô - lấy việc ổn định ở bên trong để ứng phó với bất ổn ở bên ngoài.

Thứ ba, giảm thiểu các chỉ tiêu số tuyệt đối trong mục tiêu, chẳng hạn như GDP theo giá thực tế hay tính theo USD (bởi phụ thuộc vào tốc độ tăng giá - còn gọi là giảm phát GDP - phụ thuộc vào tốc độ tăng tỷ giá VND/USD, trong khi giá USD có xu hướng giảm so với nhiều đồng tiền khác, ngay cả tính bình quân đầu người theo mục tiêu 1.200 USD tăng tới 20% so với năm trước).

Rồi kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội, tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách, bội chi ngân sách (ở trên bội chi là 87,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, nhưng nếu lấy tổng chi trừ đi tổng thu thì bội chi là 91,4 nghìn tỷ đồng và bằng 5% GDP, cao hơn tỷ lệ 4,95% của năm 2008 chứ không phải thấp hơn).

Thứ tư, trong điều kiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ứng phó khủng hoảng, ổn định kinh tế vĩ mô, lại phải chăm lo tốt hơn an sinh xã hội, thì tăng trưởng kinh tế nên "co bớt" - chỉ nên 6,5% hoặc để một khoảng 6,5 - 6,7%, chưa nên tăng cao về số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.

Thứ năm, so với năm trước theo chỉ tiêu thì nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng thấp hơn (3% so với 3,5 - 3,9%), còn công nghiệp - xây dựng tăng cao hơn (8% so với 7,3- 7,5%) và dịch vụ cũng tăng cao hơn (7,8% so với 7,2- 7,8%). Vấn đề này cần phải được xem lại, bởi trong điều kiện ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì nông, lâm nghiệp - thuỷ sản cần được đặc biệt quan tâm.

Hơn nữa, khi đầu vào còn gặp khó khăn - nhất là lượng vốn đầu tư không cao hơn trước khi so với GDP; đầu ra có thể còn gặp khó khăn hơn vì tiêu thụ trong nước so với cùng kỳ 9 tháng qua chỉ tăng với tốc độ bằng một phần hai, một phần ba các năm trước, trong đó những tháng gần đây tăng thấp, thậm chí còn tăng trưởng âm do đầu tư giảm, tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng"; xuất khẩu tăng chậm lại.

Thứ sáu, tốc độ tăng xuất khẩu đề ra 18% là quá cao khi bị tác động kép, khi dầu thô để lại chế biến trong nước...

Thứ bảy, tốc độ tăng của thu ngân sách quá thấp (thấp hơn cả so với tốc độ tăng GDP theo giá so sánh) và quan trọng hơn là thấp hơn cả tốc độ tăng chi (4,76% so với 7,4%) cũng là vấn đề cần xem lại.

Thứ tám, tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 15% là mức quá cao, đành rằng có một số mặt hàng (như điện, than) sẽ tăng giá khi thực hiện cơ chế giá thị trường,... nhưng giá thế giới giảm mạnh, nhu cầu trong nước giảm, xuất khẩu khó khăn. Đã có chuyên gia tính đến khả năng giảm phát trong một vài tháng nào đó.

No comments:

Post a Comment