23.10.08

Lãi suất cho vay gần chạm đáy 16%

Ngày 22/10 có thêm nhiều ngân hàng công bố hạ lãi suất sau động thái mới của Ngân hàng Nhà nước, với mức điều chỉnh phổ biến trên một điểm phần trăm. Cá biệt có nơi lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 16,2%, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 21% trước đây.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mãi cuối chiều qua mới công bố biểu lãi suất mới. Không nhanh nhẹn như 4 lần điều chỉnh trước, song mức cắt giảm lần này vẫn rất ấn tượng. 16,2% là lãi suất tối đa mà BIDV áp dụng kể từ 23/10 với doanh nghiệp xuất khẩu, các đơn vị thu mua lúa gạo khu vực ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ, thấp hơn biểu đang áp dụng 1,3 điểm phần trăm và hạ 4,8 điểm phần trăm so với thời điểm đầu quý III.

Tin liên quan:

Lãi suất cơ bản còn 13%

Tỷ giá đôla leo cao

Ngân hàng sốt sắng hạ lãi suất

Ngân hàng cầu cạnh doanh nghiệp

Càng cho vay càng lỗ

Khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vai trò tạo lập và bình ổn thị trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lãi suất 16,5%, thấp hơn lãi suất đang áp dụng một điểm phần trăm. Lãi suất phổ thông Những đối tượng khách hàng còn lại hưởng lãi suất phổ thông 17,2% một năm. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất lần thứ 5 liên tiếp của BIDV trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Một số ngân hàng cổ phần hào phóng không kém khối quốc doanh. Lính mới LienVietBank quyết định đưa lãi suất cho vay về mức 17%, áp dụng từ 21/10, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất huy động của nhà băng này cũng được điều chỉnh xuống dưới 16% một năm. Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) áp dụng biểu lãi suất cho vay mới từ hôm nay, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với thời điểm cao nhất (khi đó lãi suất cho vay là 21%) và cách lãi suất huy động chừng 1,4-3 điểm phần trăm.

Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm dè dặt hơn. Lãi suất phổ thông ở ngân hàng là 18,5% trong khi lãi ưu đãi vào khoảng 17,2%. SeaBank, ngân hàng từng chơi trội khi đưa lãi suất huy động lên đỉnh 19,2%, kéo lãi suất cho vay về 19,5%, đúng bằng ngưỡng trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất huy động cao nhất ở nhà băng này là 16,44% một năm.

Động thái của các ngân hàng được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam từ mức 14% xuống còn 13% kể từ 21/10, đưa trần lãi suất thương mại của các ngân hàng xuống còn 19,5% thay vì mức 21% trước đó. Một loạt lãi suất khác cũng được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố thanh toán trước hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, một công cụ nợ mà cơ quan quản lý buộc ngân hàng thương mại phải mua để hạn chế cung tiền trong lưu thông trước đây.

Ngân hàng vào cuộc đua giảm lãi suất.

Trên thực tế, các ngân hàng không quá khó khăn hay cảm thấy miễn cưỡng khi phải giảm lãi suất cho vay. Hầu hết vốn huy động với lãi suất cao (trên 17-18%) đều có kỳ hạn ngắn, dưới 6 tháng và cũng đã sắp tới hạn. Phần huy động dài hạn từ một năm trở lên đều dưới 16%, đủ thấp để ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay vào thời điểm này.

"Không hề vô lý khi vào thời điểm khủng hoảng thanh khoản, thiếu vốn, các ngân hàng theo nhau để lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài. Họ quả là khéo dự đoán, vì đến lúc này, diễn biến thị trường đang đi theo đúng kỳ vọng. Lạm phát tăng chậm lại, lãi suất cơ bản giảm xuống. Họ không quá khó khăn để thay ỏổi biểu lãi suất", một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Đây được xem là cơ hội vàng để ngân hàng tranh thủ hút khách sau thời gian dài ít người đến vay vốn hoặc không dám vay vì lãi suất cao. Khi lãi suất ở mức 21%, thậm chí cao hơn khi ngân hàng cộng thêm các loại phí, doanh nghiệp không dám vay vốn. Nhân viên tín dụng của một ngân hàng cổ phần suốt ngày than phiền vì chẳng có việc mà làm. Công việc hằng ngày của anh trở nên đơn điệu khi mỗi sáng đến chỉ phải nhấc điện thoại nhắc nhở khách hàng trả các món nợ đến hạn vay từ hồi lãi suất thấp.

Giờ đây, sau thời gian làm kiêu, thậm chí bắt chẹt bằng các khoản phí khác nhau, các ngân hàng ra sức cầu cạnh khách hàng đến vay vốn. 16% đang được xem là mức lãi suất cao nhất mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank, bình luận việc Ngân hàng Nhà nước đồng thời thực hiện 3 biện pháp mạnh cho thấy chính sách vĩ mô bắt đầu ưu tiên hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế. Trong ngắn hạn, nới lỏng hơn chính sách tiền tệ sẽ có tác dụng tích cực và là tín hiệu tốt đối với thị trường. Tuy nhiên, theo ông, cần cẩn trọng trong dài hạn vì có thể dẫn đến trường hợp phát triển nóng như thời điểm cuối năm ngoái, từ đó ảnh hưởng tới nợ xấu và giá cả thị trường năm sau. Ông Hưởng cho rằng, loạt chính sách mới sẽ không chỉ khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn vốn, mà thậm chí có thể gây dư vốn tạm thời.

Song Linh

No comments:

Post a Comment