14.10.08

IMF hành động để xử lý khủng hoảng

Lãnh đạo IMF, Dominique Strauss-Kahn
IMF cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính là tồi tệ nhất kể từ những năm 1930
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã kích hoạt một cơ chế tài chính khẩn cấp nhằm giúp các nước đang bị thiệt hại vì cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Lãnh đạo IMF, Dominique Strauss-Kahn, nói cơ chế cho vay tiền sẽ cho phép IMF phản ứng nhanh chóng nhằm hỗ trợ cho các nước đang đối mặt với các vấn đề về tài chính.

Chương trình này, vốn được sử dụng trong thời gian có cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sẽ giúp gia tăng tốc độ phê duyệt các khoản cho vay.

Tin này được đưa ra trong lúc các thị trường chứng khoán của Mỹ có mức sụt giảm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Chỉ số Dow Jones ở phố Wall lần đầu tiên sụt xuống mức dưới 9000 điểm kể từ tháng 8/2003 và sụt giảm tới lần thứ bảy liên tục.

‘Suy thoái đỉnh điểm’

Ông Strauss-Kahn nói thế giới đang ở mức ‘suy thoái đỉnh điểm’, nhưng vẫn có thể phục hồi.

IMF đã gửi một phái đoàn tới Iceland, nơi chính phủ đã ra tay kiểm soát ba ngân hàng lớn nhất.

Nói chuyện từ trước cuộc hội nghị của IMF và Ngân hàng Thế giới, WB, ông Strauss-Kahn hối thúc các nước phải hành động “nhanh chóng, mạnh mẽ và có phối hợp” nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Các nước sẽ có các hành động khác nhau, tùy thuộc vào các hoàn cảnh của họ, tuy nhiên, các hành động này cần phải hướng tới việc xử lý cùng các vấn đề cơ bản
Robert Zoellick

Sau khi bảy ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt cắt giảm lãi suất nhằm bình ổn các thị trường tài chính, lãnh đạo IMF nói cần phải có thêm các hành động có phối hợp khác.

Ông nói: “Chúng tôi khuyến nghị tất cả các chính sách phối hợp”.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo nghiêm trọng tới các nước muốn đơn phương xử lý với cuộc khủng hoảng hiện nay, ý nói tới một số hành động đơn lẻ của một số nước trong Liên hiệp châu Âu gần đây.

Ông nói: “Hiện không có một giải pháp nội địa nào có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng như hiện nay”.

Các bộ trưởng tài chính từ khối các nước giàu có G7 cuối tuần này cũng sẽ nhóm họp tại Washington.

Một tuần biến động

Tuần vừa rồi là một tuần nhiều biến động nữa trên các thị trường tài chính thế giới. Những diễn biến đáng chú ý bao gồm:

  • Chính phủ Hà Lan chuẩn bị một khoản ngân sách trị giá 20 tỉ euro nhằm hỗ trợ cho các thể chế tài chính tại Hà Lan trong cuộc khủng hoảng tín dụng.
  • Một phát ngôn nhân Nhà Trắng nói bộ trưởng Ngân khố Mỹ, Henry Paulson cân nhắc việc bơm thêm vốn vào các ngân hàng đang gặp khó khăn tại Mỹ.
  • Anh lên án Iceland về cách xử lý vụ các ngân hàng sụp đổ và không đảm bảo các khoản tiền tiết kiệm của Anh tại đây.
  • Khối các nước xuất khẩu dầu lửa, Opec, sẽ có cuộc gặp khẩn cấp tại Vienna vào ngày 18/11 nhằm thảo luận tác động của cuộc khủng hoảng tài chính lên giá dầu, vốn rớt giá xuống dưới mức 87 dollar/thùng.

Khủng hoảng cho con người’

Ông Strauss-Kahn nói các diễn biến trong những tuần gần đây bắt đầu có tác động tới các nền kinh tế đang lên, do các dòng tín dụng bị cắt và mậu dịch bị thiệt hại vì nhu cầu từ các nước phương Tây đã giảm.

Ông nói IMF sẵn sàng giúp đỡ bất cứ nước nào cần vốn qua cơ chế hỗ trợ khẩn cấp của họ, vốn được thành lập vào năm 1995 nhằm giúp Mexico bình ổn hệ thống tài chính của nước này sau cuộc khủng hoảng lòng tin dẫn đến việc giá trị tiền tệ của nước này bị sụt giảm mạnh.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick
Ông Robert Zoellick nói hiện không có giải pháp 'hoàn hảo'

Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia cũng phải dùng tới cơ chế tiếp cận các khoản cho vay trị giá nhiều tỉ dollar sau khi cuộc khủng hoảng tài chính Á châu bùng phát vào năm 1997.

Trong một động thái khác, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo không được để “cuộc khủng hoảng tài chính trở thành khủng hoảng con người”.

Ông nói xuất khẩu sụt giảm cộng với chi phí tín dụng gia tăng sẽ tạo ra thất bại cho các doanh nghiệp tại các nước nghèo nhất, và trong một số trường hợp, có thể khiến các nước “phá sản”.

Thừa nhận rằng hiện không có một giải pháp hoàn hảo để có thể xử lý mọi khó khăn tài chính toàn cầu, ông Zoellick nói mọi chuyện còn tuỳ thuộc vào nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 có hợp tác và đưa ra một kế hoạch giải quyết khủng hoảng hiện nay hay không.

Ông nói: “Các nước sẽ có các hành động khác nhau, tùy thuộc vào các hoàn cảnh của họ, tuy nhiên, các hành động này cần phải hướng tới việc xử lý cùng các vấn đề cơ bản”.

No comments:

Post a Comment