17.10.08

Dòng vốn “đổ” vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi

Thứ sáu, 17/10/2008, 16:22 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ đang lan rộng ra toàn thế giới, hệ thống tài chính Việt Nam chưa hội nhập nhiều nên nằm ngoài “tâm bão”. Nhưng nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm của dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính: Được và mất" do VnEconomy tổ chức chiều 16/10, các chuyên gia chỉ ra rằng: Tác động tiêu cực đến Việt Nam là điều khó tránh khỏi nhưng ảnh hưởng này chỉ giới hạn ở mức độ hạn chế của quan hệ giữa các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng nước ngoài, trước hết là các ngân hàng Mỹ.

Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: Hệ thống tài chính Việt Nam chưa hội nhập nhiều hay nói cách khác là chưa nằm trong mắt xích của hệ thống tài chính toàn cầu, nên nếu chỉ xét riêng về lĩnh vực tài chính thì Việt Nam không phải nằm xa mà là nằm ngoài “tâm bão”.

"Những tác động chính từ cuộc khủng hoảng hiện tại đối với hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu là yếu tố tâm lý. Thấy Dow Jones sụp thì Vn-Index cũng xuống theo, trong khi hai thứ dường như không liên quan nhiều với nhau”, ông Du nhấn mạnh.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta có thể có những cơ hội trong thu hút vốn đầu tư. “Dòng vốn trên thế giới sẽ tập trung vào những nơi có môi trường chính trị và kinh doanh ổn định, Việt Nam đang có những lợi thế trong hai yếu tố này”.

Đối lập với ý kiến trên, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho hay: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc chắn có những tác động quan trọng đối với sự lưu chuyển các dòng vốn ở Việt Nam.

Đối với dòng vốn vào, nguồn tín dụng đang dần trở nên cạn kiệt của thế giới sẽ làm cho hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp suy giảm trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

vonnhogiot.jpg

Nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Thêm vào đó, với tình trạng lạm phát và bất ổn vĩ mô như hiện nay, Việt Nam đang bị coi là một điểm đầu tư có mức độ rủi ro cao và do vậy sẽ càng trở nên bất lợi trong điều kiện khan hiếm tín dụng. Nhiều khả năng là chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm của dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

“Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng có nguy cơ giảm sút vì trong điều kiện rủi ro như hiện nay, tâm lý chung của các nhà đầu tư là hướng đến những thị trường ít rủi ro, trong khi đó mức độ rủi ro của Việt Nam trong năm qua lại tăng lên do lạm phát cao và bất ổn vĩ mô.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà lắm với thị trường chứng khoán, đồng thời liên tục bán ra trái phiếu Chính phủ trong những ngày gần đây cũng cho thấy khả năng rút vốn khỏi Việt Nam là hoàn toàn hiện thực”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Ngoài ra, dòng kiều hối xưa nay vẫn là một dòng ngoại tệ tương đối ổn định, ngay cả trong thời kỳ kinh tế toàn cầu có khó khăn. Trong một vài năm trở lại đây, dòng kiều hối về Việt Nam tăng mạnh.

Đáng lưu ý ngoài mục đích hỗ trợ thân nhân và đầu tư vào kinh doanh trong nền kinh tế thực (real economy), thì một phần không nhỏ của dòng kiều hối này có mục đích đầu tư chứng khoán và bất động sản - những lĩnh vực hiện nay không còn nóng như trước.

Điều này cũng có nghĩa là dòng kiều hối trong năm tới có thể cũng sẽ suy giảm. Cũng phải nói thêm là sự suy giảm này không nhất thiết do sự khủng hoảng tài chính thế giới gây ra, mà có lẽ chủ yếu là do các nguyên nhân nội tại trong nền kinh tế Việt Nam.

Đối với các dòng vốn ra, vì Việt Nam chưa tự do hóa tài khoản vốn hoàn toàn nên việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài hay việc đầu tư ra nước ngoài của cá nhân và tổ chức Việt Nam không hoàn toàn dễ dàng. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài muốn rút vốn khỏi Việt Nam nhưng theo đánh giá của ông Vũ Thành Tự Anh, mức độ và tốc độ dòng vốn chảy ra khỏi Việt Nam là không quá lớn.

Để vẫn là “điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, theo ông Vũ Thành Tự Anh: “Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng Chính phủ cần kiên trì với những định hướng chính sách lớn trong năm 2008, mà cụ thể là tiếp tục đặt ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ chống lạm phát và bình ổn kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong một vài năm để bình ổn vĩ mô và đảm bảo cho tăng trưởng dài hạn”.

Báo cáo về Triển vọng Thế giới của Deutsche Bank (3/10/2008) cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2008 là 6,3% và dự báo cho năm 2009 là 4,1%. Tương tự như vậy, The Economists dự báo rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020 là khoảng 5,1%.

Tất nhiên, những dự báo này dựa trên một giả định là quỹ đạo chính sách của Việt Nam vẫn giữ nguyên như hiện nay. Còn nếu như Chính phủ thực sự quyết tâm trong việc sửa chữa những vấn đề cơ bản, có tính cơ cấu của nền kinh tế, trên cơ sở đó bình ổn kinh tế vĩ mô thì với tiềm năng của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng như mức của các con rồng, con hổ trong khu vực.

“Nhưng dù sao, chúng ta cũng rút ra được những bài học về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này. Đặc biệt là về điều hành chính sách tiền tệ, nhất là khối lượng tín dụng tung ra quá dễ dãi và lãi suất thấp “dưới chuẩn”.

Bên cạnh đó là việc tập trung quá nhiều vào cho vay bất động sản và khả năng kiểm soát, quản lý cũng như tính hiệu quả của các khoản tín dụng này”, ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.

Quan điểm của ông Huỳnh Thế Du thì, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng lại là “cơ hội tốt để củng cố lại hệ thống tài chính trong nước vốn đang có rất nhiều vấn đề và trục trặc. Đây có lẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể làm được điều này.

Khi có một hệ thống tài chính đúng nghĩa, phân bổ vốn một cách hiệu quả thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng lành mạnh và phát triển bền vững. Có lẽ đây là điểm có lợi nhất cho Việt Nam ở cuộc khủng hoảng này”.

Theo An Hạ

No comments:

Post a Comment