2.6.08

Nghị quyết mở rộng Hà Nội được thông qua

Chiều 29/5, hơn 92% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Địa giới của Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên (phía Đông), giáp Hòa Bình và Phú Thọ (phía Tây), giáp tỉnh Hà Nam (phía Nam) và phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2008, chậm hơn một tháng so với tờ trình ban đầu của Chính phủ.

Trước đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo làm rõ thêm về một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn liên quan đến đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tập trung vào ba vấn đề chính: quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới thủ đô; tại sao lựa chọn phương án 1; lộ trình, điều kiện thực hiện việc mở rộng.

Quá trình chuẩn bị

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Thủ tướng khẳng định, từ năm 2000, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cùng UBND Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính để mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như trong phương án đề xuất, chỉ phải trình ra lấy ý kiến của hội đồng nhân dân các cấp có liên quan. Hơn nữa, đây là công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm nên không thể đưa ra tham khảo ý kiến công khai rộng rãi khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền", Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Chính phủ cũng nhận thấy rằng trong tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội chưa nói được hết quá trình chuẩn bị, việc phân tích về sự cần thiết và quy mô mở rộng địa giới chưa thật đầy đủ. Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và có báo cáo bổ sung về phương án lựa chọn mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Tại sao chọn phương án 1?

Báo cáo do Thủ tướng trình bày cho biết các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đề ra 6 yêu cầu và 9 tiêu chí tổng hợp để làm cơ sở xây dựng và lựa chọn các phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Có 5 phương án được các chuyên gia đề xuất mở rộng Thủ đô Hà Nội về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính của các tỉnh xung quanh Hà Nội. Theo hệ thống yêu cầu và tiêu chí, phương án 1 đã được lựa chọn với số điểm cao nhất, vì nó có những ưu điểm nổi bật.

Với phương án 1, Thủ đô Hà Nội mở rộng mới có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi, không chỉ trong thời gian 20 - 30 năm mà còn cả trong tương lai xa, quỹ đất để phát triển đô thị có nền địa chất thuận lợi cho việc xây dựng các công trình lớn và không ảnh hưởng nhiều đến đất nông nghiệp vì chủ yếu là đất gò, đồi chưa có nhiều công trình xây dựng.

Phương án này cũng có điều kiện thuận lợi về quốc phòng, an ninh cho Thủ đô Hà Nội và còn có ưu điểm là không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác; hơn nữa, tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc là những địa phương tiếp giáp có nhiều mối quan hệ gắn bó lâu đời với Hà Nội và trong lịch sử đã có thời kỳ huyện Mê Linh và phần lớn địa phận của Hà Tây thuộc về Hà Nội.

Với phương án này, khi nước ta đạt mức dân số ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, đạt mật độ từ 3.500 đến 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở thủ đô của một số nước phát triển hiện nay như Paris (Pháp) 3.500 người/km2, London (Anh) 5.100 người/km2, Berlin (Đức) 3.740 người/km2, Moskva (Nga) 3.629 người/km2, Tokyo (Nhật Bản) 4.400 người/km2, Bắc Kinh (Trung Quốc) 4.000 người/km2, Kuala Lumpur (Malaysia) 3.120 người/km2. Hà Nội sẽ nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới.

Thủ tướng nói, theo phương án mở rộng này, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế "rồng cuộn hổ ngồi" tiện hướng nhìn sông dựa núi.

Lộ trình và các điều kiện thực hiện

Thủ tướng cho biết sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng, cũng như tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các nhà khoa học và xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để bảo đảm đồ án có chất lượng cao.

Về kinh phí cho việc hợp nhất các cơ quan của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, Thủ tướng khẳng định sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không phải xây dựng thêm trụ sở, mua sắm ôtô, tài sản mới; còn cấp huyện, cấp xã sẽ được giữ nguyên.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 của thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Còn ngân sách năm 2009 của thành phố Hà Nội mới, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng và tổng hợp trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2008 theo đúng quy định của Luật Ngân sách.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng cho biết nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội sẽ không chỉ đến từ nguồn ngân sách nhà nước mà sẽ được khai thác từ nhiều nguồn khác nhau với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách đã được pháp luật quy định.

"Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch, tập trung sức chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết và hàng năm báo cáo kết quả với Quốc hội", người đứng đầu Chính phủ khẳng định trước các đại biểu Quốc hội.

No comments:

Post a Comment