7.5.08

Giá trị bất động sản thế chấp bằng GDP Việt Nam


Gánh nặng chống lạm phát đang đè lên vai các ngân hàng. Một gánh nặng khác, là bất động sản thế chấp lên tới 50% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản đang “xì hơi”

Ông Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước trao đổi với báo giới xung quanh những vấn đề trên.

Ông nhận xét thế nào về áp lực chống lạm phát đang đè lên hệ thống ngân hàng hiện nay?

Không nên quá nôn nóng về chống lạm phát mà xiết chặt tiền tệ quá mức làm tính thanh khoản ngân hàng thương mại yếu đi và rủi ro tăng lên. Chúng ta phải chấp nhận chống lạm phát từ từ trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới có thể xảy ra.

Vì vậy, vừa chống lạm phát vừa chống khủng hoảng, vì thế phải có nhiệm vụ vừa chống lạm phát vừa bảo vệ bằng được tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại.

Chính phủ và ngân hàng Nhà nước có quan điểm như thế thì có thể qua được, còn nếu sốt ruột muốn làm nhanh, muốn đưa lạm phát về dưới mức năm ngoái, hoặc giảm tín dụng năm ngoái ở mức 54% về bằng được 30% trong năm nay, thì tính thanh khoản của ngân hàng thương mại sẽ khó khăn rất nhiều. Điều này là do dư chấn tăng trưởng tín dụng năm ngoái bây giờ mới vào cuộc sống.

Thưa ông, hiệp hội Ngân hàng vẫn muốn áp dụng trần lãi suất. Ông nhận xét như thế nào về việc này?

Hiệp hội Ngân hàng có ý tốt là muốn lãi suất thấp hơn một chút. Nhưng không thể cùng lúc làm hai mục tiêu là vừa thắt chặt tiền tệ vừa để lãi suất thấp. Mặt khác, không thể bắt các ngân hàng lớn bé với mức độ rủi ro khác nhau có cùng mức lãi suất huy động. Trong khi đó, tương tự như vậy, hai doanh nghiệp khác nhau sẽ vay với lãi suất cao thấp khác nhau.

Vì vậy, chủ trương bỏ trần lãi suất là đúng. Nhưng có điều phải cân nhắc. Ngân hàng Nhà nước nên duy trì trần lãi suất tiền vay đến tháng 6. Như thế ổn nhất vì các ngân hàng nhỏ không thể huy động vốn với lãi suất thấp, trong khi các ngân hàng lớn vẫn có tiền gửi và đủ vốn.

Nếu ngân hàng nhỏ thiếu vốn, và được Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền đảm bảo thanh khoản cho họ thì cung ứng tiền tăng lên. Rút cuộc lạm phát tăng lên.

Nhưng rốt cuộc, theo tôi, nhà nước phải mở lối thoát cho các ngân hàng thương mại, bằng các biện pháp thị trường, không thể dùng các biện pháp hành chính vừa chặn đầu, vừa chặn đuôi, họ sống sao nổi.

Ông thấy là kinh tế Mỹ và châu Âu đang trả giá cho thị trường bất động sản bong bóng. Bất động sản ở Việt Nam đang xì hơi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Xét về định tính, cho vay kinh doanh bất động sản chỉ bằng 10% tổng tài sản ngân hàng. Tuy nhiên, bất động sản thế chấp lên tới khoảng 50% tổng tài sản ngân hàng, nghĩa là bằng GDP Việt Nam. Vì vậy, nếu thị trường bất động sản sụp đổ là nguy hại ngay toàn bộ hệ thống tài chính. Vì vậy, chính phủ đã đưa ra một gói giải pháp cương quyết không để thị trường bất động sản tiếp tục bong bóng, mà cũng không để cho nó sụp đổ. Nó phải xì hơi từ từ.

Nhưng có ngân hàng cho vay tới 250% vốn huy động. Ông có nghĩ đã xuất hiện nguy cơ ngân hàng thương mại bị khủng hoảng chưa?

Con số này không đáng lo. Vì sao có ngân hàng huy động được 1 mà cho vay 2,5 lần? Đó là do họ vay lại từ các ngân hàng lớn. Tiền đó thường là khoản vay có kỳ hạn giữa ngân hàng với nhau. Không ngân hàng nào dám vác tiền huy động qua đêm cho vay cả.

Điều này ngay cả quan chức ngân hàng trung ương cũng không am hiểu nên mới có ý kiến lo ngại vừa qua.

Tình hình thực tế từ tính thanh khoản thấp, thị trường bất động sản… có thể là dấu hiệu cho khủng hoảng hệ thống ngân hàng?

Theo tôi, khó khăn thanh khoản là tạm thời nên khó mà gây sụp đổ. Tình hình khó khăn, nhưng không đáng lo, và vẫn trong tầm kiểm soát. Trường hợp có ngân hàng thương mại bị khủng hoảng, thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ cứu bằng mọi giá để tránh tác động tâm lý lan truyền đến cả nền kinh tế.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)

No comments:

Post a Comment