13.8.08

Thép, gas, phân bón bắt đầu giảm giá Thứ hai, 11/8/2008

Sau một thời gian tăng giá mạnh thì nay nhiều mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu giảm. Nguyên nhân là do giá thế giới giảm mạnh và sức tiêu thụ trong nước đang rất thấp

Dù chưa giảm đồng loạt và mức giảm còn nhẹ, tuy nhiên trong tuần qua nhiều mặt hàng quan trọng, thường tác động mạnh đến sản xuất cũng như tiêu dùng (như sắt thép, gas, phân bón...) đã bắt đầu giảm giá. Theo dự báo từ giới chuyên môn, nhiều khả năng những mặt hàng này sẽ còn tiếp tục giảm.

Giá phôi thép thế giới giảm mạnh

Tại thị trường TPHCM, một số hãng sản xuất thép đã điều chỉnh giá thép xây dựng giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn. Một số hãng sản xuất thép cho biết giá phôi thép thế giới hiện đang giảm mạnh, từ 1.100 USD/tấn - 1.200 USD/tấn nay chỉ còn 960 USD/tấn. Với mức giá này thì các hãng thép chỉ cần bán 18 triệu đồng/tấn là đã có lãi.

Do giá thép từ các hãng sản xuất giảm nên giá bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng cũng bắt đầu giảm nhưng mức giảm ít hơn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do nhiều đại lý trước đó "ôm" hàng với số lượng lớn vì có thông tin giá thép sẽ lên 24 triệu đồng/tấn - 25 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, ngoài việc giá phôi thép giảm mạnh, giá thép tại thị trường phía Bắc cũng đang giảm đáng kể (hiện thấp hơn thị trường phía Nam gần cả triệu đồng/tấn). Do đó sớm muộn gì hàng từ thị trường phía Bắc cũng sẽ được đưa vào phía Nam nếu các đơn vị sản xuất thép không tiếp tục giảm giá.

Gas, xăng... đều ế

Một mặt hàng quan trọng khác là gas cũng đang có nhiều cơ hội giảm giá. Đầu tháng 8 vừa qua, các công ty kinh doanh gas tại TPHCM đã giảm giá gas gần chục ngàn đồng/bình (còn khoảng 266.000 đồng/bình 12 kg) nhưng sức tiêu thụ vẫn giảm từ 30%- 35% so với lúc bình thường. Giá gas thế giới vừa giảm tiếp 32 USD/tấn, còn 843 USD/tấn nên một số hãng gas trong nước cho biết đang tính toán để có thể điều chỉnh giảm giá bán lẻ thêm 5.000 đồng - 6.000 đồng/bình 12 kg vào cuối tháng 8 này.

Ông Lại Đức Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Petronas VN, cho biết với mức giá gas thế giới giảm mạnh như hiện nay, việc các hãng gas trong nước phải giảm giá là đương nhiên. Tuy nhiên, do giá gas thế giới giảm quá nhanh nên các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, lỗ lã do hàng tồn. Bình quân mỗi doanh nghiệp tiêu thụ 2.000 tấn gas/tháng với mức tồn kho 30% thì họ phải chịu lỗ khoảng 500 triệu đồng/tháng...

Theo phản ánh của các công ty xăng dầu, sau khi giá xăng A92 tăng lên 19.000 đồng/lít vào ngày 21-7, sức tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường cũng giảm mạnh (hiện nay còn giảm khoảng 20% so với trước thời điểm tăng giá). Nay giá xăng dầu thế giới giảm mạnh (cuối tuần qua, giá dầu thô chỉ còn khoảng 115 USD/thùng), dù chưa giảm giá xăng nhưng các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng vừa điều chỉnh tăng mức hoa hồng lên 380 đồng- 400 đồng/lít xăng (tăng trên dưới 100 đồng/lít) cho các tổng đại lý phân phối để kích thích việc tiêu thụ hàng.

Phân bón: Giới kinh doanh đẩy hàng

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, thông tin giá nhiều loại phân bón trên thị trường thế giới cũng đang có xu hướng giảm trở lại. Giá phân urê hiện chỉ còn 790 USD- 830 USD/tấn (giảm 20 USD/tấn so với tháng trước), phân DAP còn 1.170 USD/tấn (giảm 30 USD/tấn), kali cũng giảm còn 1.050 USD/tấn... Đây là cơ hội cho giá phân bón trong nước giảm trong thời gian tới.

Thực tế thị trường những ngày gần đây cũng cho thấy, dù giảm chưa nhiều nhưng giá một số loại phân bón tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã giảm nhẹ. Phân urê Trung Quốc còn 9.400 đồng/kg (giảm 200 đồng), kali 14.500 đồng/kg (giảm 500 đồng), DAP Hàn Quốc 20.100 đồng/kg (giảm 1.000 đồng), DAP Trung Quốc 18.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng)...

Theo giới kinh doanh phân bón, nhiều khả năng những ngày tới giá sẽ giảm mạnh hơn do hiện nay đã hết mùa vụ, trong khi giá lúa đang giảm nên nông dân chưa mua phân bón để trữ cho mùa vụ sau như những năm trước. Trong khi đó, nhiều vựa phân bón trước đây trữ hàng với số lượng lớn nay phải bung hàng ra bán để đề phòng giá phân bón thế giới còn giảm tiếp.(Nguồn: NLĐ, 11/8)

 

No comments:

Post a Comment