30.11.08

Thử hình dung bức tranh tiền tệ cuối năm

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Các hoạt động tín dụng sẽ được chủ động nới lỏng trở lại. Nới lỏng tiền tệ sẽ làm thay đổi tỷ giá theo xu hướng tăng USD/VND.

Trước những diễn biến của kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ Việt Nam đang chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng linh hoạt.

Đây được dự báo là xu thế tất yếu, vì nếu chậm trễ, Việt Nam có thể sẽ phải trả một chi phí cao hơn khi nền kinh tế bước sâu hơn vào giảm phát.

Có vài yếu tố làm cơ sở cho nới lỏng tiền tệ. Đầu tiên là lạm phát. Có thể nói lạm phát về cơ bản đã được kiềm chế, và có thể không còn là mối lo ngại chính trong thời gian tới.

Lạm phát trong 4 tháng gần đây chỉ tăng trung bình 0,67%/tháng. Quan trọng hơn, lạm phát “lõi” (yếu tố loại bỏ ảnh hưởng của lương thực thực phẩm và năng lượng) đã giảm. Lạm phát “lõi” giảm là dấu hiệu cho thấy lạm phát đã giảm dưới tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ.


Biểu đồ diễn biến tình hình lạm phát từ năm 2000 đến nay - Nguồn: GSO, BVSC.

Đối với vấn đề bảo đảm lãi suất thực dương, nếu có thể đưa ra dự báo lạm phát trong năm 2009 dưới 10%, thì với lãi suất tiền gửi hiện nay các kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm từ 12% đến 14%, những người gửi tiền đã có mức lãi thực dương.

Việc duy trì mức lãi suất huy động cao như hiện nay sẽ chỉ lợi người gửi tiết kiệm. Xu thế hạ lãi suất sẽ được giảm nhanh dưới áp lực của thị trường.

Trước tình hình như vậy, người viết xin dự báo một số hệ quả sau có thể xảy ra đối với diễn biến tiền tệ từ nay về cuối năm:

- Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Lãi suất huy động dự báo hạ xuống còn khoảng 10% vào thời điểm cuối năm.

- Các hoạt động tín dụng sẽ được chủ động nới lỏng trở lại. Dự báo đến quý 1/2009 các kênh cho vay vốn sẽ được “khơi thông” mạnh mẽ hơn với mặt bằng lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng đạt trung bình 3%-5% tháng.

- Nới lỏng tiền tệ sẽ làm thay đổi tỷ giá theo xu hướng tăng USD/VND. Tuy nhiên có thể tỷ giá cũng sẽ được chủ động điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Dự báo tỷ giá có thể dao động trong mức 17.000-17.500 vào cuối năm.

Bài toán tăng trưởng tín dụng?

Mặc dù xu thế xác định được xu thế nới lỏng tín dụng, song nới lỏng như thế nào đang là bài toán khó ngay cả khi ngân hàng đang chủ động nguồn vốn. Theo trần dự kiến tăng trưởng tín dụng 30% trong năm nay, “room” còn lại khá nhiều.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa mạnh dạn cho vay. Có hai nguyên nhân cơ bản, đó là do độ tín nhiệm của doanh nghiệp thấp và xu thế sụt giảm sức cầu tín dụng của nền kinh tế.

Một nguồn tiêu thụ tín dụng lớn trước đây là các dự án đầu tư công. Với xu thế giảm phát, Chính phủ có lẽ sẽ phải là đầu tầu trong việc thúc đẩy trở lại nhu cầu tiêu dùng.

Các dự án bị cắt giảm trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ có thể sẽ là được đánh giá lại tính hiệu quả và tiếp thục thực hiện các dự án cần thiết để thúc đẩy tổng cầu. Như vậy chúng ta có thể mong chờ một “cú hích” đến từ Chính phủ trong việc sử dụng hiệu quả và linh hoạt hơn chính sách tài khóa.

Vai trò của đầu tư công trong giai đoạn tới rất quan trọng, không chỉ là phục vụ tạo ra các sản phẩm của việc đầu tư đó, mà còn thực hiện nhiệm vụ tạo thị trường và sức cầu cho các ngành khác (chẳng hạn khu vực đầu tư công là nguồn tiêu thụ sắt thép khổng lồ cho các doanh nghiệp thép).

Bằng việc nới lỏng tín dụng, các dự án đầu tư công cũng sẽ được cung cấp vốn với chi phí thấp hơn. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện khuyến khích thêm các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công này với mục đích thúc đẩy tổng cầu.

Đối với khối xuất nhập khẩu, trước viễn cảnh xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, và dự kiến tăng trưởng kim ngạch dự kiến khó vượt qua 10% trong năm 2009, nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm. Thị trường sụt giảm và sức cầu thế giới giảm sẽ là yếu tố khó khăn đối với tăng trưởng sản xuất và nhu cầu tín dụng đối với đối tượng này. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng sẽ đối diện với tình trạng tương tự khi hơn 80% giá trị hàng hóa nhập khẩu là dành cho sản xuất và xuất khẩu.

Xuất khẩu giảm sẽ kéo nhập khẩu giảm theo. Nhập khẩu tiêu dùng có thể tăng song hiện chỉ chiếm hơn 10% giá trị nhập khẩu.

Đối với lĩnh vực xây dựng bất động sản, tăng trưởng tín dụng sẽ khó khăn do 2 nguyên nhân: giải quyết vấn đề nợ xấu trong quý 4 đối với các khoản vay bất động sản trước đây và thị trường bất động sản tiếp tục suy thoái.

Hiện nay gần như ngân hàng vẫn nói “không” với cho vay bất động sản. Bất động sản đã từng là đối tượng tạo tăng trưởng tín dụng chủ lực của ngân hàng trong năm 2007. Rõ ràng ngân hàng đã mất đi một nguồn tiêu thụ tín dụng lớn. Người viết cho rằng bản thân ngành xây dựng bất động sản và cho vay bất động sản sẽ khó có thể triển khai ít nhất đến hết quý 1/2009.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năm 2008 là năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp do thắt chặt tiền tệ. Tình thế có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi chính sách tiền tệ chuyển sang dần nới lỏng. Việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tạo điều kiện hơn trong tiếp cận nguồn vốn nhằm nâng sức sản xuất trong nước là điều có thể được dự đoán trước.

Tiêu dùng cá nhân có thể được các ngân hàng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để kích thích tiêu dùng. Đây là nhóm khá dễ trong việc thúc đẩy dư nợ tín dụng nhất vì vấn đề lãi suất không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu vốn. Người viết cho rằng trong thời gian tới các ngân hàng sẽ chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm bán lẻ.

Trong khi chưa tìm được đầu ra khi lãi suất vẫn còn cao, rất nhiều ngân hàng trong thời gian qua đã dùng nguồn vốn đầu tư vào trái phiếu. Chỉ tính riêng trong tháng 10, khối nước ngoài đã bán ròng gần 1 tỷ USD, chủ yếu là trái phiếu, và đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại do dự đoán lãi suất sẽ giảm. Nếu thực sự lãi suất giảm nhanh trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ.

Tuy nhiên, một rủi ro có thể xuất hiện là một số ngân hàng sẽ có thể dùng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư trái phiếu khiến việc đầu tư trái phiếu mang tính đầu cơ cao. Về dài hạn, ngành kinh doanh chính của ngân hàng sẽ vẫn là tìm cách tăng trưởng tín dụng. Áp lực giải ngân vốn và bài toán tìm lợi nhuận sẽ buộc các ngân hàng phải tìm thị trường giải ngân cho mình. Nếu còn tiếp tục khó khăn, các ngân hàng sẽ buộc phải giảm nhu cầu huy động vốn.

Người viết cho rằng trước khi bài toán tăng trưởng tín dụng được giải, trước mắt mặt bằng lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.

Tăng/giảm giá của VND so với một số đồng tiền chủ chốt - Nguồn: Bloomberg.
Xu thế tỷ giá khi nới lỏng tiền tệ?

Diễn biến tỷ giá sau một thời gian ổn định đang có xu hướng tăng lên mặt bằng mới trước những động thái nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước trong việc nâng biên độ từ giá từ +/-2% lên +/-3% đã phần nào cho thấy xu thế tăng tỷ giá được khẳng định.

Hiện nay tỷ giá được giao dịch dao động ở mức xung quanh 17.000 VND/USD. Xu thế tăng này đến từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Kích thích xuất khẩu chống giảm phát: Lạm phát giảm và tỷ giá danh nghĩa tăng sẽ góp phần kích thích xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Dự báo về việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn và nguy cơ giảm phát kinh tế thế giới trong thời gian tới là nguyên nhân chính để chính sách tỷ giá có những bước đi thích hợp.

- VND đã lên giá nhiều so với các đồng tiền khác: VND neo vào USD với một tỷ giá khá ổn định trong thời gian qua, trong khi đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này dẫn tới việc VND lên giá so với các đồng tiền này, làm tăng khó khăn cho xuất khẩu Việt Nam.

- Xu thế cung cầu ngoại tệ: Nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu gặp khó khăn và dòng vốn đầu tư nước ngoài có khả năng sụt giảm dẫn tới cung cầu ngoại tệ đang dần nghiêng về phía cầu. Trong thời gian cuối năm nhu cầu nhập khẩu có thể tăng trở lại.

Sau một thời gian ổn định, tỷ giá trở lại xu thế tăng với giao dịch chạm biên giới hạn - Nguồn: SBV, Bloomberg.

Nhập siêu trong 3 tháng gần nhất vẫn ở mức dưới 1 tỷ USD nhưng doanh thu xuất khẩu đang sụt giảm ngay trong quý 4 đang gây nên những lo ngại tiềm ẩn về sự biến động của tỷ giá nếu không có những điều chỉnh kịp thời đón trước.

Trước tình hình như vậy, người viết cho rằng tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng nhẹ, nhiều khả năng dao động xung quanh mức 17.000 - 17.500 VND/USD. Ngoài ra, cũng không nên lo ngại về sức khỏe của đồng VND.

Mặc dù nhập siêu đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do xuất khẩu đang gặp khó khăn, song nhập khẩu có lẽ cũng sẽ không quá đột biến do sức cầu đã giảm mạnh, cả về đầu tư lẫn tiêu dùng bán lẻ. Ngoài ra, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ không có đột biến bất thường.

Theo Tống Minh Tuấn - CTCP Chứng khoán Bảo Việt
VnEconomy

No comments:

Post a Comment