8.7.08

Từ 2006 đến 2010, mỗi năm phải trả nợ 2 tỷ USD

02/04/2006 (GMT+7)

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2006-2010, VN phải trả nước ngoài 10-11 tỉ USD nợ quốc gia. Được biết, tổng nợ nước ngoài hiện vào khoảng 20 tỉ USD.

Tuy các món nợ trên không ngoài khả năng thanh toán, song cùng với những sự cố "bất minh" (không chỉ) ở PMU18 đang ầm ĩ, nhất định đã đến lúc nhìn lại vấn đề nợ nước ngoài một cách sòng phẳng hơn.

Các chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án "Tăng cường quản lý nợ nước ngoài hiệu quả và bền vững" cho VN đã than: "Số liệu sẵn có vào thời điểm biên soạn báo cáo này thiếu chính xác, không kịp thời, thiếu toàn diện và nhất quán về định nghĩa" (tr.1)! Điều đó có nghĩa là bằng vào sổ sách các cơ quan đang lưu giữ, chẳng ai nắm chắc được cơ quan nào đang nợ bao nhiêu, nợ tổ chức nào..., y hệt chuyện xe cộ đem cho mượn của PMU 18 chẳng ai biết.

 

Dự án VIE 01/010

Dự án này, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Chính phủ Úc, Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, vừa hoàn thành sau gần bốn năm thực hiện và mới được long trọng công bố vào tháng hai vừa qua, với sự tham gia của tiến sĩ Sanga Sangarabalan, chuyên gia tư vấn về số liệu nợ của UNCTAD Rula Katerg, nhóm công tác về đánh giá danh mục nợ...

Công việc ròng rã trong hơn hai năm trời của nhóm chuyên gia này là: 1/ Đánh giá tình trạng mắc nợ và chi phí chi trả nợ của VN trong thời gian gần đây. 2/ Phân tích và đề xuất các biện pháp cải thiện danh mục nợ trong khía cạnh giảm chi phí với mức rủi ro thích hợp. 3/ Rà soát và khuyến nghị nhằm cải thiện thể chế, các thủ tục báo cáo và trách nhiệm giải trình.

Ngay khi chưa hoàn tất, dự án này đã góp phần vào việc xây dựng, tư vấn và cho ra đời các văn bản pháp lý quan trọng như nghị định 134/2005/NĐ-CP; quyết định 135/2005/QĐ-TTg, về việc quản lý nợ nước ngoài, vào việc xây dựng lộ trình tổ chức công tác quản lý nợ trong tương lai. Bên cạnh đó, dự án còn giúp các cơ quan chính phủ và cán bộ quản lý nợ nước ngoài, từ trung ương tới địa phương, nhận thức, tiếp cận các phương pháp quản lý nợ hiện đại hiệu quả, đồng thời nâng cao các kỹ năng quản lý nợ rủi ro, tái cơ cấu nợ...

Các tác giả khuyến cáo:

* VN cần bảo đảm rằng số liệu nợ được kiểm chứng, thống nhất và cập nhật một cách nhất quán. Thông tin về từng khoản vay cần được hoàn chỉnh để có thể có được tất cả các đầu ra và báo cáo cần thiết.

* Cần xây dựng một bộ số liệu cập nhật về kinh tế vĩ mô nhất quán và đáng tin cậy. Điều này sẽ cho phép chuẩn bị được các dự báo thực tế hơn về nhu cầu tài chính.

* Khi đã chủ động thực hiện việc cơ cấu lại nợ, VN cần tìm kiếm khả năng giảm được nợ hơn nữa thông qua việc chủ động cơ cấu lại nợ, đó là việc đi vay mới để trả các khoản nợ cũ, chuyển đổi nợ...

Bất kỳ khi nào có thể, nên tìm kiếm các luồng tài chính không mang tính chất nợ, như đầu tư trực tiếp nước ngoài không mang tính chất nợ...

Vay trả, trả vay

Trong thời gian từ năm 1997-2001, số giải ngân về nợ nước ngoài đạt mức trung bình là 1,199 tỉ USD/năm, trong khi đó số tiền chi trả nợ đáo hạn cả gốc và lãi là 1,120 tỉ USD/năm. Cũng thế, nếu so sánh số ODA được giải ngân và số nợ trả hằng năm, nhất là từ 2006-2010 mỗi năm sẽ trả nợ hơn 2 tỉ USD, thì sẽ thấy "nợ vay về không tầy nợ phải trả". Vay trả, trả vay là trong ý nghĩa đó.

Các "con nợ" là ai? Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nợ Chính phủ ở đây là của Chính phủ nói chung và liên quan đến nợ của các cơ quan chính phủ đi vay trực tiếp rồi cho các DNNN vay lại. Nợ của các DNNN là các khoản nợ đi vay trực tiếp hay được Chính phủ bảo lãnh.

"Con nợ" còn lại là các FDI. Không phải công ty nước ngoài nào cũng trường vốn, có sẵn vốn mà đem đầu tư. Biểu đồ dưới đây cho thấy Chính phủ là "con nợ" lớn nhất với tỉ trọng trung bình là 65,4%, kế đến là các DNNN và cuối cùng là các doanh nghiệp FDI (xem biểu đồ).

Các tác giả của "Tăng cường năng lực quản lý nợ nước ngoài hiệu quả và bền vững" đưa ra một nhận xét đáng lưu ý: "Trong những năm 2000-2001, tỉ trọng này (nợ của Chính phủ) đã tăng đều đặn lên hơn 75%. Nợ của các DNNN có xu hướng giảm với tỉ trọng trung bình là 7,4%. Nợ của các doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng giảm với tỉ trọng trung bình là 27,2%".

Trong thực tế, vụ bán trái phiếu quốc tế vay 750 triệu USD cho Vinashin vào năm ngoái có thể vừa được xem như là một cách huy động vốn vay mới, vừa được xem như là một khởi đầu cho xu hướng Chính phủ vay ngày càng tăng.

Có nhiều thái độ khác nhau trước sự kiện này. "Lạc quan", do xa lạ với các thị trường tài chính thì hào hứng: kinh tế ta khá, tăng trưởng ta khá, uy tín ta khá, nên thiên hạ sẵn sàng cho vay. Quen thuộc với các diễn biến thị trường tài chính thì "bình thản" hơn: chuyện vay và được vay là bình thường khi anh chưa có tên trong danh sách "nợ xấu", nhất là khi anh có cả một nhà nước bảo lãnh trả nợ.

"Thận trọng" thì đặt câu hỏi: liệu đã kiểm toán đủ dự án xin vay đó hay chưa (tỉ như báo giá như thế có chính xác hay không), liệu đã lượng giá đủ năng lực doanh nghiệp đó hay chưa, kể cả năng lực liêm chính cần kiệm? Công việc lượng giá đó có độc lập và khách quan đủ hay không?

Trong góc độ người dân thường, không dính dáng gì đến Vinashin, không cùng lợi ích, không thể không đặt câu hỏi: lãi suất 7,15%/năm, vay 750 triệu USD trong 10 năm, trả lãi bao nhiêu? Thời gian như tên bắn. Cuối tháng ba này, các chủ nợ ở New York đã lãi khoảng... trên 26 triệu USD sau sáu tháng, nếu tính hết thời hạn cho vay 10 năm, số lãi phải trả sẽ là 536 triệu USD (lãi đơn). Bất cứ ai mua nhà trả góp chỉ với 1%/năm, đều có thể kiểm nghiệm bằng thực tế trả lãi của mình.

Trong quá trình vay nợ, cần phải biết vay nợ như thế nào cho lợi nhất và đừng để ngập đầu vì nợ. Có rất nhiều điều cần cân nhắc. Đơn cử vài thí dụ từ dự án VIE 01/010 nêu trên: cần xác định chính xác một danh mục các khoản vay đắt đỏ hiện có cùng với các thông tin về thời gian đáo hạn còn lại, lãi suất, số lượng và chủ nợ. Cần xem xét cẩn thận các hiệp định về các khoản vay đó, về các điều khoản khi hoàn trả trước, các khoản phạt khi trả trước thời hạn...; cần tìm hiểu về khả năng huy động các khoản vay rẻ hơn thay thế hay các trái phiếu... (tr.24). Ắt hẳn khuyến cáo sau cùng này không phải là thừa.

Tất nhiên, tình hình nợ của VN hiện đang ở mức độ có thể quản lý được nhờ vào nền kinh tế VN đã đạt được các kết quả tốt trong một vài năm qua, với việc đạt được mức tăng trưởng GDP cao, tỉ lệ lạm phát thấp, xuất khẩu tăng... Thế nhưng, cũng cần nhắc đến một lý do khác, rất quan trọng, không thể xem nhẹ. Đó là vận hội mà VN đã được hưởng để nay có thể ung dung vay nợ qua ba đợt miễn giảm nợ của nước ngoài trước đây.

- Xử lý nợ chính thức qua Câu lạc bộ Paris. Trong thời gian bốn năm từ 1993 -1997, VN đã đàm phán song biên với các chủ nợ thành viên Câu lạc bộ Paris. Tổng số nợ được giảm là 745 triệu USD, tương đương 60% số nợ.

- Xử lý nợ các ngân hàng thương mại thông qua Câu lạc bộ London. Kết quả giảm được 53% nghĩa vụ nợ của VN, tương đương 445 triệu USD. VN đã thay thế 542 triệu USD của khoản nợ thuộc Câu lạc bộ London bằng trái phiếu Brady với thời hạn đáo hạn từ 15-30 năm. Vào ngày 30-9-2002, VN đã mua lại số trái phiếu Brady trị giá 160 triệu USD.

- Xử lý nợ với Liên bang Nga. Đây là khoản nợ cũ lớn nhất của VN. Sau tám vòng đàm phán kể từ 1994-2000, hai bên đã thỏa thuận và ký kết hiệp định xử lý nợ tổng thể của VN với Liên Xô (cũ), giảm nợ ngay 85% tổng nợ cũ, tương đương 9,3 tỉ USD. Số nợ còn lại phải trả trong 23 năm với 10% trả bằng tiền mặt và 90% bằng hàng hóa xuất khẩu.

Tất nhiên, không ai nhìn lại quá khứ mà đặt giả thiết "Nếu không có mấy vụ đàm phán đó... giờ này chắc đổ nợ!". Song, nếu không nhìn lại và ghi khắc vận hội có một không hai đó của giai đoạn bắt đầu chuyển đổi thì sẽ dễ "mặc áo gấm, che lọng đi đêm".

Gần đây nảy sinh mâu thuẫn giữa các quan chức của ta và các chủ nợ. Các quan chức than miết là các thủ tục của các chủ nợ rườm rà quá nên chậm giải ngân, song vẫn nhìn nhận rằng có không ít dự án của ta "cân đong đo đếm" chưa chính xác nên chưa đủ thuyết phục. Các nhà tài trợ thì đòi hỏi các dự án phải được tính toán nghiêm ngặt hơn để tránh những "vung tay quá trán".

Bởi thế mới đòi hỏi điều gọi là "kế hoạch hành động hài hòa". Qua năm nay, các chủ nợ đưa các khoản tài trợ vào trong ngân sách và tài trợ theo lĩnh vực hay mục tiêu chứ không dàn trải kiểu "hoa thơm, tất cả cùng hưởng". Song song, các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo công khai ngân sách. Một khi ngân sách được công khai đúng các chuẩn mực quốc tế sẽ dễ lượng giá, kiểm tra hơn.

Công khai ngân sách đã bắt đầu nghe nói đến. Thế còn công khai nợ nước ngoài? Nhất định đã đến lúc công khai nợ nước ngoài. Trả mỗi năm 2 tỉ USD nợ nước ngoài là nhiều hay ít? Có nhiều cách giải đáp. Có ý kiến cho rằng khi nợ ở khoảng 25-30% GDP thì không sao, thậm chí ở mức 35% GDP như hiện nay vẫn chưa vào "vùng dông bão".

Thế nhưng, nếu chia bình quân cho 44 triệu người trong tuổi lao động, bài toán sẽ là khác, từ góc độ người lao động: họ phải lao động năng suất ra sao để mỗi năm bình quân dôi ra được 45 USD/người đặng đóng thuế trả nợ nước ngoài, chưa kể đóng các khoản thuế chi cho các việc khác. Trong góc độ đó sẽ là một bài toán lớn, nhất là khi vẫn còn trên 20 triệu người trong chuẩn nghèo.

Ở mọi nước con nợ, con đường vay nợ trong những năm đầu lúc nào cũng thênh thang, có điều càng dài lâu càng "mỏi gối", thậm chí có khi "lật ngửa".

(Theo Tuổi Trẻ)

 

No comments:

Post a Comment