27.5.09

IMF nhận định những rủi ro trên con đường phục hồi của kinh tế châu Á

Thứ nhất, nền kinh tế của hai nước đứng đầu thế giới (G2 – Mỹ và Trung Quốc) sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2009 của IMF nhận định kinh tế thế giới chỉ có thể hồi phục lại với điều kiện tình hình thị trường tài chính cải thiện, thương mại, sản xuất đi lên.

Tuy nhiên vẫn có khả năng áp lực trên thị trường tài chính sẽ ngày một trầm trọng hơn và chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô có thể bị ngưng lại quá sớm.

Trong trường hợp này, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ngày một trầm trọng. Kinh tế châu Á vì vậy sẽ khó hồi phục hơn.

Thua lỗ trong lĩnh vực doanh nghiệp sẽ vẫn trong tầm kiểm soát. Nhiều ngành tại châu Á như ngành ô tô và điện tử chịu tác động mạnh khi nhu cầu giảm, lợi nhuận đi xuống. Ngân hàng nội địa thắt chặt điều kiện cho vay.

Kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển gần đây cho thấy ngay cả những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt khi khủng hoảng bắt đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng yếu, điều kiện tài chính thắt chặt có thể đẩy tỷ lệ phá sản doanh nghiệp lên mức cao.

Nếu khả năng đó xảy ra, để ứng phó, các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt điều kiện tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tỷ lệ rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp có thể tăng thêm 4% lên mức đã từng thiết lập trong khủng hoảng tài chính châu Á - ảnh hưởng lên tình hình kinh tế nhìn chung sẽ không nhỏ.

Doanh nghiệp phá sản, ảnh hưởng lên tiêu dùng là không thể tránh khỏi. Tăng trưởng tiêu dùng tại một số nền kinh tế châu Á (không tính đến Trung Quốc và Ấn Độ) có thể giảm khoảng 1,75% trong năm 2009 và năm 2010. Tổng mức sụt giảm tăng trưởng tiêu dùng sẽ lên tới 6%, mức đỉnh của thời kỷ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Tiêu dùng giảm có thể lấy đi 1% tăng trưởng GDP của khu vực trong hai năm tới.

Doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận với nguồn vốn. Nền kinh tế với những ngân hàng và doanh nghiệp nợ nhiều những năm gần đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.

Ngân hàng châu Âu vốn có nhiều hoạt động tại châu Á, nếu ngân hàng châu Âu gặp nhiều khó khăn hơn, lượng tiền rút ra khỏi châu Á sẽ tăng cao hơn.

Tính toán của IMF cho thấy dựa trên các quan hệ đã được thiết lập, tăng trưởng GDP tại nhóm nước G7 giảm sẽ đi cùng với lượng vốn vào các nước châu Á giảm.

Trong dài hạn, kinh tế châu Á sẽ đương đầu với rủi ro nhu cầu hàng hóa từ nền kinh tế phát triển giảm. Nhiều năm nay, tiêu dùng tại các nước phương Tây tăng cao. Cho đến nay, người dân châu Âu đang cân nhắc lại về khả năng tài chính của họ, dòng chảy tín dụng dễ dàng để mua các mặt hàng tiêu dùng bền như ô tô hay hàng điện tử tiêu dùng đã chấm dứt.

Những lần khủng hoảng trước, tín dụng giảm mạnh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và đứng ở mức thấp đó trong khoảng thời gian dài, điều này hạn chế tiêu dùng ngay cả sau khi kinh tế hồi phục.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo định hướng xuất khẩu sẽ không mang lại nhiều “hoa thơm quả ngọt” cho châu Á như trước đây.

Cần làm gì để giải quyết khủng hoảng?

Nhiều nước châu Á vẫn còn có thể hạ lãi suất cơ bản, tuy nhiên khi lạm phát giảm dần trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của những đợt cắt giảm lãi suất đã giảm bớt. Điều kiện tài chính tại nhiều nước thắt chặt cũng gây áp lực lên tăng trưởng.

Ngân hàng Trung ương các nước châu Á nên “phá băng” trên thị trường tín dụng bằng cách mở rộng bảng cân đối kế toán giống như Ngân hàng Trung ương Nhật và Hàn Quốc.

Ngân hàng Trung ương các nước có thể hỗ trợ tín dụng thông qua các biện pháp nới lỏng tín dụng như mua trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ châu Á có thể đưa ra đảm bảo hoạt động cho vay của ngân hàng, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ.

Dù là biện pháp nào được đưa ra, nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á cũng nên công bố rõ ràng mục đích của từng biện pháp và khả năng can thiệp nếu cần.

Cần đảm bảo rằng các chính sách tài khóa đưa ra vào năm 2009 không bị rút ra quá sớm. Nhờ vào chính sách đúng đắn và quan điểm chính sách tài khóa cẩn trọng, nhiều nước châu Á bước vào khủng hoảng với khả năng can thiệp tài khóa mạnh tay. Chính phủ châu Á vì thế đã đưa ra chính sách tài khóa với quy mô lớn hơn những lần suy thoái trước đây rất nhiều.

Chính sách tài khóa nhiều nước châu Á thường tập trung chủ yếu vào chi tiêu với trọng tâm vào cơ sở hạ tầng và không nhiều vào phúc lợi xã hội.

Cho đến nay, không nhiều nước châu Á đưa ra gói kích thích kinh tế cho năm 2010, như vậy thị trường nhận định các kế hoạch kích thích sẽ bị rút ra ở thời điểm tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn.

Nhìn chung cho đến nay, nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Á đã đưa ra chính sách hiệu quả giúp ổn định tình hình tài chính, khôi phục lòng tin vào hệ thống tài chính và ngăn sự sụp đổ. Tỷ lệ tiền gửi vào các ngân hàng tăng lên, rủi ro hệ thống trong lĩnh vực ngân hàng giảm bớt.

Dù vậy, chất lượng tín dụng sẽ vẫn đi xuống bởi suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục và thị trường lo lắng về sức khỏe các ngân hàng.

Cần duy trì dòng chảy vốn và thương mại cởi mở. Các chuyên gia đang lo ngại về xu thế bảo hộ tại khu vực châu Á. Một số nước đã đặt ra rào cản đối với hàng nhập khẩu trong khi lại giảm thuế cho công ty xuất khẩu. Làn sóng bảo hộ dâng cao trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục nếu tình hình kinh tế vẫn khó khăn.

Câu chuyện thời Đại Khủng Hoảng những năm 1930 cho người ta thấy quá rõ về ảnh hưởng tệ hại của chính sách “làm nghèo hàng xóm”. Xét đến sự hội nhập của kinh tế châu Á với thế giới, kinh tế châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi chính sách kiểu như trên.

Cuối cùng, các nước châu Á nên chú ý đến các doanh nghiệp nội địa, đưa họ thành động lực tăng trưởng kinh tế. Như đã nói ở trên, châu Á đương đầu với thời kỳ tăng trưởng kinh tế đi xuống do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, người tiêu dùng tại các thị trường chính thắt chặt chi tiêu. Châu Á cần cân bằng tăng trưởng kinh tế khỏi định hướng xuất khẩu sang phát triển thị trường nội địa để có thể lấy lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng.

Trung Quốc đã cố gắng kích thích tiêu dùng sau khi tiêu dùng xét trong tương quan với GDP giảm liên tiếp trong 1 thập kỷ.

Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội tốt cũng sẽ giúp kích thích tiêu dùng. Nguyên nhân chính là khi hệ thống phúc lợi tốt, nhu cầu tiết kiệm tiền để đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu liên quan đến y tế, giáo dục và hưu trí giảm bớt. Sự thay đổi về tỷ giá hối đoái và nâng cao thu nhập thực cũng sẽ mang lại tác dụng tích cực cho tiêu dùng.

Ngọc Diệp

Theo IMF

No comments:

Post a Comment