29.1.09

Người Việt làm được những điều khiến thế giới kinh ngạc Ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế, một trong những Việt kiều đầu tiên về VN để lập nghi

Người Việt làm được những điều khiến thế giới kinh ngạc

Ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế, một trong những Việt kiều đầu tiên về VN để lập nghiệp - nhìn nhận: "Những khó khăn, thách thức hiện tại chỉ là nhất thời và người Việt sẽ vượt qua tất cả, sẽ làm được điều đáng ngạc nhiên, như cách đây hơn 20 năm họ đã làm được trong công cuộc đổi mới".

- Năm 2008 đã qua đi trong khó khăn, thách thức, trong nhiều cung bậc, diễn biến khác nhau của nền kinh tế. Để nhìn lại năm vừa rồi, thì theo ông đâu là điểm cần phải quan tâm nhất?

- Tình hình kinh tế của Việt Nam đến cuối năm 2008 đứng trước những thách thức rất lớn. Để mà nhìn lại, thì có lẽ trước tiên phải nhìn lại chính sách tiền tệ. Năm qua, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng chính vì thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất cho vay lên cao chót vót, có thời điểm lên tới 21%, khiến doanh nghiệp không hoạt động được. Sản xuất suy giảm, gây khó khăn cho xuất khẩu, lại cộng thêm tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên xuất khẩu càng giảm sút. Giờ muốn quay trở lại tình hình cũ, thì có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có việc quản lý tiền tệ. Có lẽ, cũng nên tính đến chuyện xem xét lại chính sách hối suất. Mình cố gắng giữ tiền đồng ở mức cao, nhưng như thế không tăng được khả năng cạnh tranh cho xuất khẩu. Ở các nước khác, Trung Quốc chẳng hạn, muốn phát triển xuất khẩu nên họ giữ hối suất thấp, giữ đồng tiền của họ rẻ. Bên cạnh đó, cũng phải coi lại chính sách thuế.
Ông Bùi Kiến Thành - Ảnh: Vietimes.

- Chính phủ Việt Nam mới đây đã quyết định miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính sách này có thể chỉ là "nước chảy chỗ trũng" không tới được các doanh nghiệp gặp khó. Quan điểm của ông thế nào?

- Đúng là đã có những chiều hướng tích cực khi Chính phủ Việt Nam quyết định miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, khi ta áp dụng chính sách gì tức là phải áp dụng cho toàn thể nhân dân để có sự công bằng trong xử lý. Phải tạo ra một sân chơi bình đẳng để những “anh” làm tốt rồi sẽ làm tốt hơn nữa, chưa làm tốt thì cố gắng làm tốt lên, chứ đừng nói làm tốt rồi thì thôi, tôi không nghĩ tới “anh” nữa. Chính cách nghĩ này, tâm lý này sẽ tạo ra cơ chế “xin - cho”, mà bao lâu nay chúng ta đã cố gắng để xóa bỏ nó.

- Còn liên quan đến chính sách tiền tệ, với tư cách là một chuyên gia về tài chính - ngân hàng, theo quan điểm của ông, Việt Nam sẽ phải làm thế nào?

- Tôi cho rằng, phải xác định rõ ràng vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng trung ương là một thể chế của nhà nước, có quyền phát hành tiền tệ. Ở các nước khác, ngân hàng trung ương không chịu sự khống chế của bất kỳ chính phủ nào, mà chỉ chịu trách nhiệm điều tiết tiền tệ, điều tiết lượng tiền lưu thông đủ cho thị trường để tránh lạm phát. Cái đó, ngân hàng trung ương của Việt Nam chưa làm được, chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết tiền tệ của mình.

Trong tình hình doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì Ngân hàng Nhà nước phải cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, giúp ngân hàng thương mại có vốn để cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất - kinh doanh. Chính sách tiền tệ phải “nuôi” nền kinh tế phát triển. Có nhiều vị phản biện rằng, làm như vậy sẽ gây ra lạm phát. Nhưng xin thưa rằng, hai cái đó không có liên hệ gì trực tiếp với nhau. Chuyện cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại để ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho doanh nghiệp phải dựa trên dự án, dựa trên sự khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án, chứ ta không cho vay tiền với lãi suất thấp để mọi người tiêu xài.

- Nhưng nếu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, thì lại gây khó cho ngân hàng, vì vừa qua, họ đã phải huy động với lãi suất rất cao...?

- Không phải cứ huy động cao như vậy thì bắt buộc phải cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao. Ta phải giải quyết bằng cách khác. Có những hoạt động ngân hàng chịu được lãi suất cao, đó là tín dụng tiêu dùng. Người ta có thể cho vay mua ôtô, tủ lạnh với lãi suất 17-18%. Ở bên Mỹ, thậm chí lãi suất lên đến 20%, người dân vẫn vay để tiêu dùng. Tiêu dùng không ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng phải tổ chức cho vay tiêu dùng hợp lý, đồng thời áp dụng một mức lãi suất hợp lý đối với sản xuất - kinh doanh, tốt nhất là nên áp dụng lãi suất thỏa thuận, tách riêng cho vay tiêu dùng và cho vay sản xuất - kinh doanh.

Tôi xin nhắc lại rằng, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, quan trọng nhất là chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết tốt vai trò của mình, bảo đảm được lưu lượng tiền cho nền kinh tế phát triển, không nhiều quá, cũng không ít quá, lãi suất phải xuống thấp nhất có thể. Về vấn đề thuế cũng vậy, giảm thuế là để doanh nghiệp có thêm được thế cạnh tranh tốt trong vấn đề chi phí đầu vào. Còn đối với nhân dân, giảm thuế là để họ có tiền tiêu dùng.

- Chúng ta có thể hy vọng ở một tương lai sáng sủa hơn trong năm 2009?

- Năm 2009, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có gì sáng sủa. Và điều này sẽ tác động, tuy là gián tiếp, nhưng cực kỳ mạnh đối với Việt Nam. Xuất khẩu của mình chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội, nên chỉ co lại một, hai chục phần trăm đã là rất khó khăn rồi. Chính vì thế, khi thị trường cũ suy giảm thì mình phải xoay đổi chiến lược phát triển sang các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời phát triển thị trường nội địa. Phải tổ chức thị trường nội địa thì mới phát triển bền vững được. Tuy vậy, vẫn phải tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu song song với một thị trường nội địa đủ mạnh. Trung Quốc hiện nay cũng rất quan tâm thị trường nội địa. 30 năm nay, Trung Quốc tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, bây giờ họ cũng tập trung vào thị trường nội địa, bởi chỉ có như vậy mới giải quyết được công suất của họ.

- Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã có định hướng đối với việc phát triển thị trường nội địa. Theo ông thì làm sao chúng ta có thể chuyển hướng một cách hiệu quả?

- Đúng là chúng ta đã có định hướng vào thị trường nội địa, nhưng chưa có chính sách cụ thể. Theo tôi, phải làm sao tạo điều kiện để 70% dân số (là nông dân) của chúng ta ăn nên làm ra. Phải tạo cho nông thôn có được lợi thế phát triển bằng những biện pháp tài chính, hỗ trợ giống tốt, thủy lợi tốt, hạ tầng cơ sở tốt. Tất cả những gì nông nghiệp cần, nông thôn cần, phải làm cho tới nơi tới chốn. Công suất lao động ở nông thôn hiện nay rất là thấp, phải làm sao nâng công suất lên. Nếu nông thôn phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm là, nhiều biện pháp mà chúng ta đang áp dụng sẽ phát huy tác dụng trong nhất thời. Nhưng cái chúng ta cần không phải chỉ là trong nhất thời mà thôi. Chúng ta cần “chữa lửa”, nhưng không có nghĩa là cả 365 ngày đều phải đi “chữa lửa”. Vì thế, cần phải có một chính sách ổn định và nhất quán.

Tôi cho là, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước phải làm cho đúng Nghị quyết của Đại hội X, huy động được mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để vượt qua thách thức. Làm được như vậy thì tình hình của mình sẽ sáng sủa vô cùng.

- Theo ông, làm thế nào để có thể huy động tinh hoa của người Việt, nhất là những kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài về đóng góp cho đất nước?

- Việt kiều là một nguồn lực lớn. Muốn thu hút tinh hoa của họ thì chúng ta phải có một chính sách toàn diện đối với Việt kiều, công nhận người Việt Nam bất kỳ ở đâu đều là công dân Việt Nam, đồng quyền lợi, đồng trách nhiệm và nghĩa vụ với người dân trong nước.

- Tổng lực sức mạnh của người dân Việt liệu có đủ để vực dậy nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Người Việt đã và luôn làm được những điều khiến cả thế giới kinh ngạc. Chẳng hạn như câu chuyện hồi những năm 1980-1981. Thời đó, kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Nhưng nhờ bố trí người đúng chỗ, chúng ta đã thực hiện được công cuộc đổi mới. Phải nói rằng, chính sách đổi mới là một cuộc cách mạng cực kỳ vĩ đại, nó thay đổi cả hệ thống, bỏ bao cấp, bỏ kinh tế tập trung, đi qua nền kinh tế thị trường. Đó là điều mà cả thế giới không ai tin được. Nhiều chuyên gia trên thế giới coi đó như là một phép lạ, bởi vì ngay cả các nước như Liên Xô, hay các nước Đông Âu đã có thời điểm sụp đổ, phải phá hết và làm lại. Nhưng Việt Nam thì vẫn xây dựng được cái mới trên nền cái cũ. Phải nói rằng, cái siêu việt của Việt Nam chính là có được trí tuệ đầy đủ để chuyển đổi những cái dường như không thể chuyển đổi được, giống như hình ảnh của con tằm, chuyển đổi thành con ngài, con bướm.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam đã chuyển đổi được 180 độ. Trong 180 độ đó, chúng ta mới chuyển đổi được 150 độ, còn 30 độ nữa thì hiện giờ chính là cơ hội để mình chuyển đổi. Trong nguy bao giờ cũng có cơ. Nguy cơ thấy mình tụt hậu, nguy cơ thấy mình yếu kém, nguy cơ đứng trước những bất ổn kinh tế - xã hội, thì chúng ta phải tiếp tục chuyển đổi, tiếp tục đổi mới. Mong rằng, khi bị đẩy vào chân tường, chúng ta sẽ có cách để đứng lên.

- Vậy thì rất có thể, chúng ta lại tiếp tục khiến cả thế giới kinh ngạc...?

- Tôi luôn tin tưởng ở tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam. Đó là vì sức lực của dân tộc Việt Nam, trí tuệ siêu việt của người Việt Nam. Chúng ta đã bao lần đứng trước khó khăn trong lịch sử, nhưng rồi mọi chuyện đều đã giải quyết được, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến những vấn đề năm 1980 - 1981. Nước Việt Nam đã trở thành một xã hội tiến bộ, vì thế, nên tin tưởng ở tương lai tươi sáng. Tôi cho là, những cái gì nhất thời còn khó khăn thì sẽ có cách giải quyết, những cái gì thực sự là căn bản khó khăn, chúng ta cũng sẽ giải quyết được. Không có gì phải ngại cả. Cái đó liên quan đến tinh hoa, trí tuệ của người Việt Nam. Chúng ta sẽ tìm được cách giải quyết những vấn đề tưởng chừng khó khăn nhất.

(Theo Đầu Tư)

No comments:

Post a Comment