27.12.08

Tổng hợp tuần 22 - 26/12/2008

Tổng hợp tuần 22 - 26/12/2008

A. Thông tin và biến động vĩ mô

Tình hình kinh tế tài chính thế giới

Tuần này chúng ta lại chứng kiến nỗ lực của nhiều quốc gia để đối phó với tình trạng khủng hoảng hiện nay.

Tiếp theo gói cứu trợ trị giá 17.4 tỷ USD được chính phủ Mỹ chính thức thông qua để cứu ngành ô tô, tuần này Chính phủ Mỹ cũng chấp nhận cho bộ phận dịch vụ tài chính của GM chuyển đổi thành ngân hàng. Đây là một giải pháp giúp GM có thể tiếp cận được nguồn tài chính dồi dào từ FED để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã chấp thuận bước đầu về việc dành 3.39 tỷ USD cứu tập đoàn ngân hàng American Express – Công ty thẻ tín dụng lớn thứ 4 của Mỹ.

Nền kinh tế thứ 3 thế giới là Đức đã công bố gói kích thích trị giá 31 tỷ USD nhằm ngăn chặn đà suy thoái của kinh tế trong nước. Sau khi hạ lãi suất xuống còn 0.1%, tuần này Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua ngân sách tài khóa năm 2009 đạt đến mức kỷ lục lên đến 980 tỷ USD, tăng 6.6% so với năm 2008. ECB sẽ cho các ngân hàng thuộc khối Eurozone vay trên 223 tỷ euro (312 tỷ USD) với lãi suất là 2.5%. Đây là khoản tiền nhằm đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay liên ngân hàng để duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng thêm cung tiền trong nền kinh tế. Tại Trung Quốc lãi suất cho vay được cắt giảm 0.27% còn 5.31% và lãi suất tiền gửi còn 2.25%, đồng thời giảm 0.5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều này có thể giải phóng khoảng 44 tỷ USD để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Suy thoái kinh tế thế giới như một “cỗ xe” đang trên đà lao dốc, những nỗ lực này cũng chỉ làm “cỗ xe” chạy chậm hơn mà thôi. Điều này càng được minh chứng khi con số thống kê gần đấy cho thấy nhiều tín hiệu không mấy lạc quan. Tỷ lệ thất nghiệp ở khắp nơi ngày càng tăng cao và tình trạng giảm phát đang diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế, doanh số tiêu thụ hầu hết các mặt hàng sụt giảm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm và ở mức 36 USD/thùng so với mức 39 USD/thùng vào cuối tuần trước. Như vậy bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, nhu cầu dầu thô giảm làm cho giá dầu không thể phục hồi.

Giá vàng đã có sự phục hồi nhẹ dù USD đã lên giá so với nhiều đồng tiền khác vào tuần này. Lo ngại về rủi ro trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đã có xu hướng chuyển sang nắm giữ vàng.

Diễn biến một ở một số thị trường chứng khoán tiêu biểu trong tuần

Quốc gia

Chỉ số

% thay đổi

22/12/08

23/12/08

24/12/08

25/12/08

26/12/08

Mỹ

Dow Jones

(0.69)

(1.18)

0.58

N/A

Nasdaq

(2.04)

(0.71)

0.22

N/A

S&P 500

(1.83)

(0.97)

0.22

N/A

Anh

FTSE 100

(0.88)

0.16

(0.93)

N/A

Đức

DAX

(1.23)

(0.21)

N/A

N/A

Pháp

CAC 40

(2.31)

(0.73)

(0.39)

N/A

Đài Loan

Taiwan Weighted

(3.39)

(2.86)

0.39

(0.20)

-

Nhật

Nikkei 225

1.57

N/A

(2.37)

0.97

1.63

Hồng Kông

Hang Seng

(3.34)

(3.27)

(0.26)

(0.26)

(0.26)

Hàn Quốc

KOSPI Composite

(0.12)

(2.99)

(1.38)

N/A

(0.94)

Singapore

Straits Times

(1.85)

(1.36)

0.72

0.53

(0.66)

Trung Quốc

Shanghai Composite

(1.52)

(4.55)

(1.76)

(0.60)

(0.05)

Việt Nam

VN-Index

0.91

(1.97)

0.04

(0.61)

0.75

Ha-index

0.12

(2.41)

(1.28)

0.59

0.62

Nguồn: Bloomberg và CNN

Hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều giảm trong tuần nhưng mức giảm không nhiều. Tuy nhiên xét về khối lượng giao dịch thì đã sụt giảm đáng kể. Như vậy những thông tin từ việc giải cứu ngành ô tô ở Mỹ, gói giải cứu ngân hàng ở Châu Âu, lãi suất giảm ở hầu hết các nước và các gói kích thích kinh tế cũng không làm cho thị trường chứng khoán tăng trở lại.

Kinh tế và tài chính trong nước

Có nhiều thông tin vĩ mô quan trọng được quan tâm trong tuần. Đầu tiên, phải nhắc đến mức lãi suất cơ bản xuống còn 8.5% từ thứ 6 tuần trước. Điều này được xem là một bước đi cần thiết trong lúc này mặc dù có thể gây ra một vài khó khăn cho các NHTM trước áp lực tiếp tục phải giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, hầu hết NHTW các nước trên thế giới đã hạ xuống mức rất thấp. Tình hình lạm phát trong nước và trên thế giới liên tục giảm. Trên cơ sở đó, lãi suất cơ bản có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng kể từ ngày 25/12 tăng thêm 3%, đạt 16,988 VND/USD làm cho giá trần USD của các ngân hàng thương mại là 17,497 VND/ USD. Giá USD niêm yết tại các NHTM hiện vẫn chưa tăng đến mức trần. Trong khi đó, giá USD trên thị trường chợ đen đã xoay quanh mức 17,600 VND/USD.

Những con số thống kê tháng 12 và cả năm 2008 đã nói lên nhiều điều. Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 là 4.9 tỷ USD, tăng 2.1% so với tháng 11. Kim ngạch xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm được xem là một điều bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu và giá của đa số các mặt hàng đều giảm, giá trị xuất khẩu tăng cũng là một điều đáng khích lệ. Kim ngạch nhập khẩu vào tháng 12 cũng giảm một cách đáng kể so với tháng trước. Tính cả năm nhập siêu vào khoảng 17.01 tỷ USD, thấp hơn mức dự trù ban đầu là 20 tỷ USD. Theo Thống đốc NHNN, mức dự trữ ngoại tệ năm 2008 không giảm mà còn cao hơn so với năm 2007. Điều này cho thấy cán cân tài khoản khá ổn định.

Chỉ số CPI tháng 12 năm nay giảm 0.68%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kinh tế Việt nam rơi vào tình trạng giảm phát. Việc CPI tăng trưởng âm vào những tháng cuối năm là trái với những quy luật thông thường. Đây có thể xem là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế. Xu hướng về sức cầu trong nền kinh tế suy giảm và giảm phát đã trở nên khá rõ ràng.

Những thông tin mới về gói kích thích kinh tế trị giá 6 tỷ USD tiếp tục thu hút sự chú ý của xã hội. Trong gói kích thích này chỉ có 1 tỷ USD là được chính phủ trực tiếp chi ra số tiền, còn lại thông qua các chính sách như việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn các khoản phải thu,…

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, con số thất nghiệp cho năm 2009 vào khoảng 3 triệu người (6.7% lực lượng lao động hiện nay). Áp lực thất nghiệp càng lớn khi hàng năm Việt Nam thêm khoảng 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Những dự báo này là có cơ sở khi hiện nay không chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản mà ngay cả Orion-Hanel – Công ty liên doanh giữa Hàn Quốc và Việt Nam với số vốn đăng ký đầu tư là 178 triệu USD hiện đang sử dụng 2,500 lao động - cũng đang nộp đơn xin phá sản. Hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều sử dụng công nghệ lạc hậu và trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Do vậy khả năng phá sản càng lớn trong bối cảnh hiện nay.

Những thách thức cho kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Triển vọng của nền kinh tế trong năm 2009 không mấy khả quan. Điều này cũng được các chuyên gia trong tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009” vào ngày 22/12 tại Tp.HCM nhất trí khi đưa ra quan điểm của mình.

B. Diễn biến VN-Index:

Lên sàn vào phiên tăng điểm thứ 4 của thị trường, HAG – cổ phiếu của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã “trình diễn” rất ấn tượng khi tăng trần suốt cả tuần với lượng dư bán luôn bằng 0. Với mức vốn hóa thị trường nằm trong “Top 10”, HAG nhanh chóng giúp cho VN-Index giữ tốc độ giảm điểm vừa phải. Mã này một mình giữ vững “thành trì” với lệnh mua luôn sẵn sàng “nuốt chửng” khi có lệnh bán xuất hiện. Chính sự vượt trội này đã giúp CT HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức, trở thành người giàu nhất trên sàn vào ngày 24/12 này khi đang sở hữu đến hơn 97.77 triệu cổ phiếu HAG.

Trong bối cảnh thị trường hết sức khó khăn và giao dịch ảm đạm, việc HAG lên sàn tăng trần đã thu hút sự chú ý đông đảo của giới đầu tư. Nó như một “chiến binh” mới đầy sinh lực “chạy tiếp sức” cho các đồng đội khi nhiều mã lớn đã tăng liên tục trong các phiên tuần trước. Sự chuyển giao trong tình hình này cũng là điều dễ hiểu vì tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận sau vài phiên tăng điểm vẫn luôn hiện hữu.

Giao dịch trong tuần cũng cho thấy dòng tiền vẫn đang đứng ngoài và đắn đo khi lựa chọn cổ phiếu. Cả khối lượng và giá trị đều giảm sút so với tuần trước. Bình quân đạt hơn 9.3 triệu đơn vị/phiên, tương ứng giá trị hơn 222 tỷ đồng. Dù bên bán cũng đã giảm đáng kể lượng cung hàng nhưng bên mua vẫn quá thận trọng khiến cho khối lượng và giá trị giảm lần lượt 13.5%, 14.8% so với bình quân tuần trước.

Ngày

VNI

Thay đổi

Số lệnh mua

Số lệnh bán

KL mua

KL bán

KL Khớp lệnh toàn TT

GT Khớp lệnh toàn TT (Trđ)

BQ lệnh mua

BQ lệnh bán

26

304.46

2.27

11,362

7,527

20,454,340

13,138,550

7,974,090

212,612

1,800

1,746

25

302.19

-1.86

8,755

7,446

13,539,320

13,078,310

6,816,790

166,252

1,546

1,756

24

304.05

0.12

10,761

7,661

19,071,060

14,956,060

9,010,060

201,681

1,772

1,952

23

303.93

-6.12

10,740

12,123

20,731,090

22,726,710

12,111,540

267,767

1,930

1,875

22

310.05

2.79

11,009

9,991

22,935,990

18,021,860

10,815,820

263,983

2,083

1,804

Tổng

52,627

44,748

96,731,800

81,921,490

46,728,300

1,112,295

TB

10,525

8,950

19,346,360

16,384,298

9,345,660

222,459

1,827

1,827

Đặc biệt, mặc dù có sự gượng dậy tăng điểm vào cuối phiên, giao dịch ngày 24/12 vẫn gần như “suy kiệt” và đạt mức thấp nhất về khối lượng kể từ 30/09/08 đến nay. Sự gắng gượng của thị trường dường như đã đuối sức.

Cả các lệnh mua và bán đều nhỏ, rải rác ở nhiều mức giá. Có lúc khối lượng giao dịch của sàn HoSE còn thấp hơn cả sàn HaSTC trong cùng thời điểm. Đây là điều hiếm khi xảy ra. Điều này càng chứng tỏ các nhà đầu tư đang mất phương hướng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục nắm giữ tiền mặt và đứng ngoài thị trường của giới đầu tư, đặc biệt là các tổ chức lớn phần nào thể hiện nỗ lực “làm đẹp“ báo cáo cuối năm.

Trong nhóm 9 mã có mức vốn hóa lớn nhất thị trường (không tính HAG do lên sàn từ 22/12), có 4 mã tăng giá (PVD, PPC, PVF, HPG) trong khi có 5 mã giảm giá (VPL, DPM, VIC, STB và VNM) so với cuối tuần trước.

Hiện tượng tăng giá theo nhóm ngành đã trở lại sau một thời gian dài hết “thịnh hành”. Nhóm cổ phiếu ngành thép gây được sự chú ý khi mặt hàng này đang được dự đoán tăng giá trở lại. Tuy nhiên, trong các cổ phiếu tăng giá thuộc nhóm này, mức tăng cũng không cao.

Khối nước ngoài lần đầu tiên mua ròng trong tháng 12 này. Khối lượng mua đạt 6,145,020 đơn vị (giảm 58.6%) trong khi khối lượng bán đạt 3,908,190 đơn vị (giảm 73.8%) so với tuần trước. Giao dịch của khối này giảm sút một phần do đây là tuần nghỉ lễ của họ. Tuy nhiên, lượng mua cao hơn lượng bán 2,236,830 đơn vị cũng phần nào tạo tâm lý ổn định hơn cho các nhà đầu tư trong nước.

Giá dầu diesel giảm xuống còn 11,000 VNĐ từ 11 giờ ngày 24/12 được cho là một thông tin hỗ trợ đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vận tải. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND lên thêm 3% (từ ngày 25/12) phần nào giúp tăng cường khả năng cạnh tranh giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ đều có độ trễ nhất định trong khi những khó khăn đang hiện hữu trước mắt khiến cho lòng tin nhà đầu tư bị sụt giảm nghiêm trọng, kết cục thị trường vẫn chưa thể khởi sắc.

Một thông tin nữa cũng thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là kết quả của cuộc đấu giá cổ phần ngân hàng cuối cùng trong năm 2008 - Vietinbank. Giá đấu thành công cao nhất cho 1 cổ phần là 45,000 đồng, thấp nhất là 20,000 đồng và bình quân là 20,265 đồng. Như vậy, tất cả 53,600,000 cổ phần đấu giá đã được bán hết. Trong đó, số lượng cổ phần trúng thầu của khối ngoại là 874,397 cổ phần. Tổng trị giá cổ phần bán được là 1,086.181 tỷ đồng.

Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm, thị trường đóng cửa tại mức 304.46 điểm, giảm 2.8 điểm (0.91%) so với cuối tuần trước. Sự thay đổi hầu như không đáng kể và có vẻ như đang bắt đầu quá trình tích lũy. Điều đáng nói là cả 5 phiên giao dịch VN-Index đều đóng cửa trên mức 300 điểm dù diễn biến liên tục có thể rớt xuống ngưỡng này. Chính sự nỗ lực giữ thị trường dao động quanh mốc 300 càng tạo thêm sức mạnh hỗ trợ cho thị trường tại ngưỡng tâm lý nhạy cảm này.

Mặc dù vậy, vẫn có một số biểu hiện cần lưu ý cho 3 phiên giao dịch cuối cùng của năm 2008:

- VN-Index giảm nhẹ trong khi khối lượng giao dịch sụt giảm (do cả mua và bán). Xu hướng giá xuống sẽ được kìm bớt nhưng chưa thể có đợt phục hồi mạnh.

- HAG được xem là cổ phiếu “nóng” khi đã tăng 43.75% trong khi VN-Index giảm 0.91% và lượng dư mua luôn lên đến vài trăm ngàn với dư bán bằng 0. Tuy nhiên, vào các phiên cuối tuần, đã bắt đầu xuất hiện lệnh bán nhiều hơn, có lúc HAG không còn giữ được mức tăng trần trong phiên liên tục. Ngoài ra, mức giá của HAG trên thị trường OTC trước khi lên sàn vào khoảng 50,000 – 55,000 đồng nên rất có thể sẽ có đợt “xả hàng” trong tuần tới khi cổ phiếu này chạm đầu 6x. Mức độ bán ra sẽ phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường. Như vậy, VN-Index sẽ có thể bớt đi một trụ cột hỗ trợ tích cực.

- Xu hướng chung của thị trường vẫn là downtrend, mặc dù vậy các con sóng nhỏ luôn tồn tại.

- Dải Bollinger sau khi thu hẹp lại thể hiện rõ vào phiên ngày thứ 5 (25/12), đến phiên cuối tuần đã bắt đầu chạy song song. Các đường MA hội tụ và đường ngắn ngày nhất vẫn nằm trên. Đường giá cắt từ dưới lên và vượt qua đường MA (9) và đường BB giữa.

- Thị trường đang giảm nhẹ và “lình xình” xung quanh ngưỡng 300 điểm. Vào phiên giao dịch cuối tuần, giá mở cửa thấp hơn mức thấp nhất ngày hôm trước trong khi giá đóng cửa lại đạt mức cao nhất trong ngày và tạo nên 1 bar “outside”, dấu hiệu đảo chiều vào các phiên sau đó. RSI vẫn tiếp tục đi lên.

- Theo dấu hiệu của Stochastic, đường %K cắt từ dưới lên trên đường %D.

- Theo Fibonacci Retracement, mức 23.6% tại ngưỡng khoảng 308 điểm sẽ có thể được “test” lần nữa, nếu thành công thì ngưỡng cản mới sẽ là mức 322 điểm (mốc Fib 38.2%). Đây là ngưỡng cản khó vượt qua trong bối cảnh hiện nay khi còn 3 phiên là hết năm 2008.

Như vậy, từ các dấu hiệu trên, dự đoán tuần sau thị trường có khả năng tiếp tục dao động trên ngưỡng 300 điểm, nhưng mức tăng giảm cho các phiên cuối năm có thể không đáng kể. Trong điều kiện xấu, VN-Index có thể sẽ về ngưỡng 287 điểm (Fib 0%).

C. Khuyến nghị:

Tuần 4, tháng 12 sẽ khép lại năm 2008 với nhiều sự kiện. VN-Index tiếp tục dập dình quanh vùng 300 và có thể, đây sẽ là vùng đóng cửa cho VN-Index 2008. Sau 1 năm đầy biến động, quan điểm kinh doanh của chúng tôi cho tuần này là đứng ngoài thị trường và chuẩn bị đón chào năm mới 2009.

Vietstock - An Phúc Investment

No comments:

Post a Comment