27.12.08

8 ngày lịch sử của TTCK Mỹ năm 2008

TTCK Mỹ biến động mạnh trong năm 2008 bởi nhà đầu tư dõi theo thông tin về kế hoạch giải cứu, những vụ phá sản, khủng hoảng tín dụng và suy thoái kéo dài.
1. Ngày 29/09/2008: Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất điểm chưa từng có

Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 777,68 điểm tương đương 6,98%

Năm 2008 là năm tệ hại nhất của chỉ số công nghiệp Dow Jones từ năm 1931.

Ngày 02/10/2008, chỉ số công nghiệp Dow Jones bắt đầu phiên giao dịch ở mức 13.261 diểm, tuy nhiên đã hai lần chỉ số này rơi xuống dưới mức 8.000 điểm và hiện đứng ở mức 8.500 điểm.

Ngày 29/09/2008 là ngày tệ hại nhất của TTCK năm nay. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ gần 800 điểm, mức giảm điểm trong ngày lớn chưa từng có do Hạ Viện Mỹ từ chối kế hoạch 700 tỷ USD cứu ngành tài chính.

2. Ngày 15/10/2008: Mức hạ tính theo % lớn nhất từ năm 1987


Diễn biến chỉ số công nghiệp Dow Jones từ ngày 02/01/2008 đến hết ngày 22/12/2008

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 8.577,91 điểm. Mức hạ 733,08 điểm tương đương 7,87%.

Đến thời điểm này, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ gần 35% và chỉ riêng trong một ngày giao dịch ngày 15/10, chỉ số này hạ tới 7,87%.

Mức hạ này đứng thứ 9 trong số những lần hạ nhiều nhất của chỉ số công nghiệp Dow Jones và là mức hạ sâu nhất từ tháng 10/1987.

Nguyên nhân chính khiến thị trường hạ trong ngày này là một loạt thông tin kinh tế tiêu cực, trong đó có báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ hạ nhiều nhất trong 3 năm.

Nguyên nhân khác khiến thị trường hạ là tuyên bố của chủ tịch FED cho rằng kinh tế Mỹ còn lâu mới hồi phục, kể cả khi thị trường tín dụng đã trở lại trạng thái bình thường.

3. Ngày 05 - 06/11/2008: Thượng Nghị Sỹ Obama trở thành Tổng thống Mỹ thứ 44, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ mạnh.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 8.695,79 điểm, mức hạ 929,49 điểm, tỷ lệ thay đổi - 9,66%.

Hàng triệu nhà đầu tư trên TTCK Mỹ chào đón việc Thượng Nghị Sỹ Obama trở thành Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên sau đó họ nhanh chóng tập trung vào nền kinh tế đang yếu kém, chỉ số chính của thị trường sụt giảm liền hai ngày sau cuộc bầu cử.

Ngày 05/11/2008, nhà đầu tư nhận thông tin giới chủ Mỹ cắt giảm nhân công mạnh.

Tin tức u ám về thị trường việc làm tiếp tục được công bố trong ngày 06/11/2008. Cụ thể số lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu tăng cao hơn dự kiến và nhảy vọt lên mức cao nhất trong 25 năm.

Bộ Lao Động Mỹ thời điểm đó công bố nước Mỹ đã mất tới 1,2 triệu việc làm trong năm 2008.

4. Ngày 01/12/2008: Kinh tế Mỹ suy thoái

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 8.149,09 điểm, mức hạ 679,95 điểm tương đương 7,7%.

Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (National Bureau of Economic Research) thông báo kinh tế Mỹ đã suy thoái. Cơ quan này còn cho rằng trên thực tế kinh tế Mỹ đã suy thoái từ tháng 12/2007.

Thị trường chứng khoán ngay lập tức mất điểm dù thông tin trên không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ sẽ kéo dài sang năm 2009, đây sẽ là khoảng thời gian suy thoái dài nhất và sâu nhất trong lịch sử.

Doanh số của ngày Black Friday không thay đổi được dự báo u ám về doanh số bán lẻ của các chuyên gia và nhà đầu tư.

Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu.

Phiên giao dịch ngày 20/11/2008, đã có lúc chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ xuống gần mức 7.500 điểm.

5. Ngày 09/10/2008: Thị trường biến động mạnh vì Bộ Tài Chính Mỹ

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 8579,19 điểm, mức hạ 678,91 điểm tương đương 7,33%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 2.400 điểm tương đương 22% trong 8 phiên từ ngày 01/10/2008 cho đến ngày 10/10/2008 – mức hạ chưa từng có từ năm 1930.

Ngày 09/10/2008 là ngày chỉ số này hạ mạnh nhất trong chuỗi ngày trên. Nhà đầu tư lo ngại về rủi ro lớn hơn của hệ thống tài chính sau khi Bộ Tài Chính Mỹ công bố nắm cổ phần của các ngân hàng.

Việc này được thông báo chỉ một tuần sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch 700 tỷ USD để mua lại tài sản xấu tại các ngân hàng. Dù Bộ Tài Chính không loại bỏ việc mua tài sản xấu ra khỏi kế hoạch, nhưng lại chuyển trọng tâm sang mua cổ phần. Thị trường đầy bất ngờ với điểm mới của kế hoạch.

Chỉ số Chicago Board Options Exchange volatility, chỉ số đo sự sợ hãi của nhà đầu tư, tăng lên mức 64 điểm vào ngày 09/10, đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng lên hơn mức 60 điểm. Vào thời điểm cuối tháng đó, chỉ số này tăng lên mức gần 90 và vài tháng sau đó hạ xuống dưới mức 50 bởi chính phủ áp dụng nhiều biện pháp cứu thị trường.

6. Ngày 15/09/2008: Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, khủng hoảng tín dụng bắt đầu

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 10.917,51 điểm, mức hạ 504,48 điểm tương đương 4,42%.

Thông tin ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ nhấn chìm thị trường, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Ngân hàng 158 năm tuổi này buộc phải ra đi sau những nỗ lực ứng cứu bất thành.

Thị trường tiếp tục giảm sâu sau khi thông tin cho thấy tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới – AIG đang tìm mọi cách để được hỗ trợ . Cuối tuần, chính phủ Mỹ dùng 85 tỷ USD để cứu AIG.

Thông tin khác không kém phần tiêu cực là ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ - Washington Mutual đang tìm mọi cách để vượt qua khó khăn. Một tháng sau, ngân hàng này sụp đổ, vụ sụp đổ ngân hàng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Ngày 15/09 trở thành ngày đánh dấu thời kỳ mở đầu của khủng hoảng tín dụng, việc cho vay đóng băng. Những gì diễn ra buộc FED, Tập đoản bảo hiểm tiền gửi (FDIC), Bộ Tài Chính Mỹ và các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải dành hàng nghìn tỷ USD cho các chương trình giải cứu.

7. Ngày 06/06/2008: giá dầu, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt

Diễn biến giá dầu thô từ ngày 02/01/2008 đến hết ngày 23/12/2008

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 12.209,81 điểm, mức hạ 394,64 điểm tương đương 3,13%.

Đây là ngày tệ hại nhất của TTCK Mỹ trước khi khủng hoảng tín dụng thật sự tác động đến thị trường, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu khi giá dầu leo dốc quá nhanh.

Lúc đó giá dầu tăng lên mức 138,54USD/thùng, mức tăng 16USD chỉ trong 2 phiên. Giá dầu thô tăng do Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể đạt mức 150USD/thùng vào ngày 04/07/2008.

Trên thực tế, mọi chuyện gần đúng như vậy, giá dầu đạt kỷ lục 147,27 USD/thùng vào ngày 11/07/2008.

Nguyên nhân khác khiến thị trường mất điểm là tiêu dùng của người dân đi xuống khi giá xăng tại Mỹ tăng quá cao. Hậu quả là nhu cầu năng lượng đi xuống và giá dầu sau đó bắt đầu trượt dốc vào cuối mùa hè năm 2008.

Nguyên nhân khác khiến thị trường mất điểm là Bộ Lao Động Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp lên mức 5,5% từ mức 5%. Đây là mức tăng tháng lớn nhất của tỷ lệ thất nghiệp trong suốt 20 năm.

Thông báo của Bộ Lao Động Mỹ khiến nhà đầu tư nghĩ đến khả năng kinh tế Mỹ đã suy thoái bất chấp kế hoạch hoàn thuế hơn 100 tỷ USD của chính phủ.

8. Ngày 13/10/2008: TTCK Mỹ tăng điểm mạnh, chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm hiếm thấy

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 9.387,61 điểm, mức tăng 936,42 điểm tương đương 11,1%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 976 điểm trong ngày thứ Hai, ngày 13/10/2008. Chuỗi ngày giảm điểm kinh khủng trước đó kết thúc, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 2.400 điểm tương đương 22% trong 8 phiên từ ngày 01/10/2008 cho đến ngày 10/10/2008 – mức hạ chưa từng có từ năm 1930.

Nguyên nhân khiến thị trường tăng điểm là một loạt nỗ lực mới của thế giới để giải quyết khủng hoảng tín dụng. Lý do khác là người nắm kế hoạch 700 tỷ USD của Bộ Tài Chính Mỹ thông báo một số chi tiết về kế hoạch này.

Cụ thể, kế hoạch 700 tỷ USD sẽ được dùng không chỉ mua cổ phẩn tại các ngân hàng, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp, mà còn là khoản vay thế chấp, bảo đảm khoản vay mua nhà và hỗ trợ cho nhiều chủ sở hữu nhà ở.

Nhà đầu tư cũng hưởng ứng quyết định bơm vốn và đảm bảo việc cho vay liên ngân hàng của 15 nước châu Âu. Chính phủ Anh thông báo bơm 63 tỷ USD vào hệ thống tài chính.

FED thông báo sẽ cung USD không hạn chế cho nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Cụ thể có 13 Ngân hàng Trung ương được nhận hỗ trợ này.

Ngọc Diệp

Theo CNN

No comments:

Post a Comment