22.10.08

"Ép" lãi suất cho vay, "mở"cung tín dụng

Trong một động thái bất ngờ (về mặt thời gian chứ không phải sự kiện), ngày 20.10 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định tăng/giảm các mức lãi suất (LS) công bố, thanh toán tín phiếu NHNN bắt buộc trước hạn.

Với các quyết định này, trần LS cho vay đã buộc phải xuống mức 19,5%/năm và mức tiền cung cho nền kinh tế đã được "nới lỏng" hơn.

NHTM đã chuẩn bị tinh thần

Tại hai cuộc họp các thành viên Hiệp hội Ngân hàng tổ chức trong đầu tháng 10 vừa qua, đại đa số các NH (trừ BIDV) vẫn mong muốn NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản (LSCB) ở mức 14%/năm đến cuối năm 2008 tạo điều kiện cho các NH đa dạng hóa khách hàng và tránh sụt giảm quá mạnh về lợi nhuận... Tuy nhiên, chỉ trong hơn chục ngày nay, tình hình thị trường tài chính thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều NH T.Ư các nước phải hạ lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong nước, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có dấu hiệu gần như chắc chắn là âm (tốc độ tăng CPI của TPHCM tháng 10.2008 vừa công bố -0,24% so tháng trước).

Thông tin về việc giảm giá mạnh của nhiều loại hàng hóa như sắt thép, cao su, điều, lương thực v.v... đang làm dấy lên lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế. Vốn VND và ngoại tệ của các NHTM có biểu hiện dư cung. Tình thế đã đặt NHNN phải điều chỉnh giảm nhẹ LSCB (mức 1%) để "ép" LS cho vay của các NHTM xuống, giảm bớt khó khăn cho các DN. Bên cạnh đó, nhằm cải thiện khả năng thanh khoản của hệ thống, NHNN đã có thêm một loạt giải pháp "mềm" như: Tăng LS tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND từ 5%/năm lên 10%/năm; LS tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm; LS tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các NHTM giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm.

Giảm LS cho vay tuy ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận, nhưng dư luận chung các NHTM coi quyết định hạ LSCB của NHNN là không thể tránh khỏi. Thực ra các NH đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc hạ LSCB từ 3 tháng nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến từ tháng 7.2008 đến nay, các NH liên tục giảm LS huy động, ngay trong đầu tháng 10 này một số NH đã 3 lần liên tiếp hạ LS.

Quan điểm của họ là tranh thủ trong tình hình thị trường còn khá ổn định phải giảm để tránh rủi ro khi LSCB hạ. Phó TGĐ một NHTMCP nói: "Việc điều hành lãi suất trong 2 tháng gần đây của NHNN là rất chuẩn, các NHTM không sợ hạ LSCB nếu việc hạ đó làm từ từ, phù hợp với tình hình kinh tế và hoạt động NH, không gây "sốc". Sợ nhất là NHNN dùng các biện pháp hành chính, cứng nhắc, giảm mạnh ngay mức LSCB một cách đột ngột mới "chết" các NHTM. Đến gần tháng 11 hạ 1%/năm thế này là phù hợp".

Lãi suất hạ nhưng khó tiếp cận vốn

Trần LS đã hạ, nhưng mức LS cho vay phổ biến VND của các NH sẽ chỉ giảm nhẹ và dao động quanh mức 16%-19% từ giờ đến hết năm 2008. Ông Đỗ Tất Ngọc - Chủ tịch HĐQT NHNo&PTNT VN nói: "Các DN nhất loạt đòi giảm LS vay, càng thấp càng tốt. Các NHTM chấp nhận giảm LS cho vay vì cứu DN cũng là cứu NH, nhưng không thể hạ thấp mãi mà phải bảo đảm có chênh lệch đầu vào đầu ra, trong đó ngoài chi nghiệp vụ, lãi cổ đông còn phải lập quỹ dự phòng rủi ro. Không đủ quỹ để bù đắp rủi ro phát sinh thì đến lượt NH cũng sụp đổ".

Khách hàng nói chung vẫn khó tiếp cận được vốn tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Bất động sản, chứng khoán bị nhìn nhận còn suy thoái, rủi ro cao nên NH sẽ hạn chế cung tín dụng ở mức tối đa. Vay tiêu dùng cũng không được khuyến khích vì NH sợ vốn từ kênh này đổ vào BĐS và CK.

Hiện tất cả các NH đều đặt ra tiêu chuẩn tín dụng cao hơn như: Sẵn sàng dừng mọi khoản cho vay nếu phát hiện bên vay có những rủi ro; Hợp đồng tín dụng mới giải ngân thì yêu cầu chủ đầu tư tăng tỉ lệ vốn tự có nhiều hơn; Tài sản thế chấp bị định giá ở mức thấp hơn nhiều và có xem xét đến khả năng suy giảm tính thanh khoản, thời gian phục hồi có thể của thị trường BĐS trước khi ra quyết định cấp tín dụng; Khách hàng vay phải chứng minh về khả năng tài chính cũng như giải pháp giải quyết nợ trong bối cảnh kinh tế có biến động; Hạn chế cho vay tín chấp và cho vay bằng cầm cố hàng hóa (vì hiện giá một số hàng giảm quá mạnh).

Theo giám đốc một chi nhánh NHTM NN thì một số nhu cầu vốn vay hiện khó tiếp cận vốn tín dụng là: Phát triển khu đô thị, khu nhà ở để bán; Xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc vay để đền bù giải tỏa; Xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất sẽ được xem xét cẩn trọng nhưng với mức khả năng giải ngân từ 50% giá trị đầu tư trở xuống; Kinh doanh một số mặt hàng nhu cầu tiêu thụ từ giờ đến cuối năm có thể giảm như sắt thép, nguyên vật liệu XD... cũng bị hạn chế cho vay.

Theo một số ý kiến nhận định thì lãi suất cho vay dù được điều chỉnh giảm một vài phần trăm nữa vẫn là khá cao so với tỉ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế trong quý IV/2008. Do đó ảnh hưởng tích cực của việc hạ lãi suất đối với DN sẽ chỉ xảy ra từ cuối quý I/2009 trở đi do độ trễ của chính sách.

NĐT còn dè dặt

Các NĐT thì đón nhận tin NHNN hạ LSCB với tâm trạng trái ngược. Người thì vui mừng, phấn khích, có người nói: "Lâu nay ai cũng lo lắng cho "sức khỏe" của hệ thống NHTM nhưng giờ nỗi lo đã dỡ bỏ phần nào khi NHNN trả lại gói 20,3 nghìn tỉ, điều chỉnh tăng/giảm LS. Đây còn có thể được xem là chính sách nới lỏng tiền tệ. LS cho vay sẽ giảm dần và điều này sẽ tránh nguy cơ đổ vỡ của BĐS và phá sản của các doanh nghiệp, kích thích sản xuất và xuất khẩu". Nhưng cũng còn nhiều người thì tỏ ra dè dặt.

Một NĐT nói: " Tin này nếu xuất hiện cách đây 3 tháng thì người ta cho là tốt vì nó sẽ có tác dụng làm giảm phát. Lúc đó lạm phát cao, nếu hạ LSCB sẽ tăng cung tiền (vì tiền vừa mới bị hút về, kinh tế chưa bị suy kiệt). Còn bây giờ thì không tốt lắm vì giảm phát là dấu hiệu suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm. Hạ LSCB đúng là tăng cung tiền nhưng phải cần 3-6 tháng mới có tác dụng tích cực với điều kiện NH cho DN vay với LS chỉ 15%-16%/năm".

Tuy ngày giao dịch ngày đầu tiên (21.10) sau khi bốn quyết định của NHNN có hiệu lực đã phản ứng khá tích cực (VN-Index tăng 9,14 điểm, đứng ở mức 379,9 điểm), nhưng một số chuyên gia cho rằng nếu đến thời điểm cuối 2008, VN-index dao động trong khoảng 450-500 điểm cũng đã có thể xem là một thành công lớn trong bối cảnh kinh tế một năm đầy biến động không chỉ ở VN mà còn trên phạm vi toàn cầu với những rủi ro đã bộc lộ hoặc đang còn tiềm ẩn.

No comments:

Post a Comment