19.10.08

10 lỗi tâm lý thường gặp

Có lẽ, mỗi NĐT chúng ta đã ít nhất một lần tự hỏi: Không hiểu tại sao mình lại làm thế này, thay vì thế khác? Quyết định sai lầm thường được cho là xuất phát từ việc thiếu kiến thức, thiếu am hiểu thông tin, nhưng thực tế cho thấy, không ít quyết định sai lầm bắt nguồn từ những lỗi tâm lý cơ bản.

1. Đầu tư chứng khoán là một canh bạc
Khi mua cổ phiếu của DN tức là bạn đã sở hữu một phần DN ấy, nhưng nhiều NĐT có xu hướng mua - bán cổ phiếu theo vòng quay của thị trường, mà quên mất rằng, cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu của mình tại DN. Điều này lý giải tại sao giá cổ phiếu thường xuyên biến động mạnh. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu thường thay đổi do sự thay đổi về kỳ vọng vào DN, sau khi NĐT phân tích các thông tin, sự kiện liên quan. Nhưng về dài hạn, hiệu quả của đầu tư sẽ quyết định bởi DN sẽ sinh bao nhiêu lợi nhuận trong tương lai. Ngược lại, cờ bạc chỉ là cuộc chơi được hoặc mất, bản thân nó không tạo ra giá trị gia tăng, mà chỉ là lấy của người thua mang cho người thắng. Đầu tư sẽ làm tăng giá trị DN, từ đó làm tăng lợi ích của chính NĐT và cả nền kinh tế. Vì vậy, đừng bao giờ tự nghi ngờ mình về việc bạn đang đầu tư và góp phần sáng tạo ra của cải với việc đánh bạc cả.
2. TTCK là câu lạc bộ mà chỉ những người môi giới và người giàu mới kiếm được tiền
Sự thật hoàn toàn không phải như vậy! Sự xuất hiện ngày một phổ thông của Internet đã khiến TTCK trở nên đại chúng hơn trước nhiều. Tất cả các dữ liệu và công cụ tìm kiếm, những cái mà trước kia chủ yếu chỉ có người môi giới mới có thì nay các NĐT cá nhân đều có thể sử dụng. Ngược lại, các NĐT cá nhân có một điểm lợi thế mà các NĐT tổ chức không có được là họ có thể chấp nhận đầu tư dài hạn. Trong khi đó, các NĐT tổ chức phải chịu áp lực là phải đạt mức thu nhập cao vào mỗi mùa báo cáo định kỳ. Chính vì vậy, đôi khi họ phải bỏ qua những cơ hội đầu tư mà cần phải có thời gian để chinh phục, trong khi không ít NĐT cá nhân thích đầu tư trong giai đoạn thị trường đi xuống để tăng tỷ lệ sở hữu của mình.
3. “Thiên thần gẫy cánh” sẽ phải tăng trở lại
Chẳng có gì phá hoại túi tiền của các NĐT không chuyên bằng ý nghĩ: Cổ phiếu ở mức giá thấp nhất 52 tuần là cổ phiếu tốt để mua vào. Có một câu ngạn ngữ cũ của phố Wall là: Những người cố gắng bắt con dao đang rơi thì chỉ có thể bị thương mà thôi! Hãy giả thiết, cổ phiếu XYZ thường được giao dịch ở mức giá 200.000 đồng, nay bất ngờ rớt giá xuống 15.000 đồng, còn cổ phiếu ABC vốn chủ yếu giao dịch ở mức 10.000 đồng, nay tăng lên 15.000 đồng. Bạn sẽ lựa chọn đầu tư cổ phiếu nào? Không ít người chọn mua XYZ với suy nghĩ XYZ đã giảm tới hơn 90%, nó sẽ lên trở lại mức cũ. Quan niệm này xuất phát bởi khái niệm hình sin trong diễn biến giá cổ phiếu, nhưng giá cổ phiếu phụ thuộc vào mức cân bằng mua - bán và giá trị của DN, chứ không phải là mức giá giao dịch trong quá khứ.
4. Cổ phiếu đã tăng giá thì nhất thiết phải giảm giá
Những quy luật trong vật lý không thể áp dụng vào TTCK, vì chẳng có lực hấp dẫn nào kéo giá một cổ phiếu rơi trở lại mức ban đầu cả. Hơn 10 năm trước, giá cổ phiếu Berkshire Hathayway đã tăng từ 6.000 USD lên 10.000 USD chỉ trong vòng 1 năm. Liệu NĐT có nghĩ nó sẽ giảm trở lại mức 6.000 USD? Thực tế, giá cổ phiếu này đã tăng lên 70.000 USD trong vòng 6 năm sau đó! Nếu NĐT tin là giá cổ phiếu sẽ giảm trở lại, họ đã đánh mất cơ hội kiếm 600% lợi nhuận sau đó. Vậy, điều gì đứng sau sự tăng giá này? Tất nhiên, đó là năng lực quản trị, là vị thế cạnh tranh của DN. Chúng ta không nói rằng, giá một cổ phiếu sau khi đi lên sẽ không bao giờ đi xuống để trở về mức cân bằng, vấn đề là nếu bạn tìm được một DN tuyệt vời để đầu tư thì lý do gì để bạn không nắm giữ chờ cho nó tiếp tục tăng giá nữa?
5. Chỉ cần biết một chút kiến thức là đủ, bởi biết ít còn hơn không biết và điều đó vẫn đủ cho đầu tư trong TTCK
Biết về một cái gì đó, đương nhiên là tốt hơn không biết gì cả, nhưng điều quan trọng laf những NĐT hiểu chính xác họ đang làm gì với đồng tiền của mình sẽ là NĐT thành công. Tuy nhiên, cũng đừng buồn phiền nếu bạn không có đủ thời gian để hiểu tất cả những gì mình làm với đồng tiền. Việc có một nhà tư vấn trong trường hợp này không phải là ý kiến tồi. Chí phí của việc đầu tư mà không hiểu đầy đủ có thể còn lớn hơn rất nhiều so với việc bỏ ra một số tiền để trả cho các chuyên gia tư vấn đầu tư.
6. Tâm lý rắn cắn
Tâm lý rắn cắn, hay còn gọi là tâm lý "sợ cành cong" khiến bạn bỏ lỡ cả những cơ hội trong tầm tay. Nếu bạn thất bại 1 lần, bạn có thể tự tin và quyết tâm đầu tư tiếp, nhưng nếu thất bại đến 5 lần liên tiếp thì rất có thể, dù vẫn là cổ phiếu ấy, DN vẫn làm ăn như vậy, thậm chí là tốt hơn, với giá cổ phiếu đã giảm tới 70%, bạn vẫn không tự tin để ra quyết định mua vào. Bạn có xu hướng đứng nhìn hơn là mua vào vì cho rằng, giá có thể giảm nữa. TTCK Việt Nam khi VN-Index ở mức dưới 400 điểm là một ví dụ điển hình. Điều cần nhớ là: Nên phân tích kỹ và tự tin với quyết định của mình. Trong ngắn hạn, thị trường có thể đúng, nhưng dài hạn, giá trị của DN mới thực sự là điều quyết định.
7. Tiền thắng và tiền gốc
Với 100.000 đồng lần đầu mang đi đầu tư chứng khoán, bạn sẽ rất thận trọng với từng đồng một bỏ ra, nhưng nếu 100.000 đồng ấy sinh lời ra 100.000 đồng tiếp theo, bạn sẽ có xu hướng mạo hiểm hơn với số tiền mình đã kiếm được, bởi bạn nghĩ rằng, dẫu có mất cũng chẳng qua là bớt lãi chứ không ảnh hưởng gì!
Sự thật là, tờ 100.000 đồng nào cũng giống nhau, vì nó đều do mồ hôi và công sức bạn làm ra cùng với việc hy sinh hưởng thụ những tiện nghi trong cuộc sống và quan trọng hơn, TTCK không phải là máy in tiền để bạn kỳ vọng cứ đầu tư là có lời. Vì vậy, hãy luôn thận trọng để bảo vệ tốt những thành quả bạn đã giành được.
8. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro
Đã bao nhiêu lần bạn bị thua lỗ nặng nề đến mức số tiền đầu tư gần như bằng 0? Nếu có, chắc bạn có tâm lý dồn tất cả vào canh bạc cuối cùng, bởi nếu thắng, bạn sẽ lấy lại tất cả, còn nếu thua thì cũng chẳng sao, vì đằng nào cũng mất hết rồi. Một trường hợp khác là bạn cố gắng mua cổ phiếu khi nó giảm giá để "cứu" những cổ phiếu đã mua với giá cao trước đó? Bạn nên nhớ quy tắc quản trị rủi ro là đừng bao giờ đặt hết trứng vào một rổ. Vì vậy, thay vì tâm lý chấp nhận canh bạc cuối cùng hoặc cố cứu, hãy luôn làm chủ tình huống.
9. Sợ thất bại
Đã bao giờ bạn mua cổ phiếu và giá sau đó liên tục giảm? Bạn không cắt lỗ vì cho rằng, mình không thể quyết định sai, lỗi là do... thị trường không đúng? Đã bao giờ bạn mua cổ phiếu và sau đó cố gắng sàng lọc thông tin trong quá khứ để chứng minh cổ phiếu đó là tốt, mà lờ đi những thông tin xấu đang xuất hiện và kiên quyết chờ giá lên? Xin thưa rằng, bạn đang tự huyễn hoặc mình, bởi thị trường sẽ nhìn nhận nó đầy đủ hơn, kể cả tin tốt và tin xấu. Vì vậy, bài học kiên quyết là phải biết cắt lỗ. Hãy đặt cho mình một giới hạn và nghiêm khắc tuân theo quy định đó.
10. Tâm lý ưa thích cái quen thuộc
Một thực tế là, nếu bạn đang làm việc trong một ngành nghề nào đó, bạn sẽ có xu hướng chỉ đầu tư vào cổ phiếu ngành nghề ấy hoặc cổ phiếu của chính DN mình đang làm việc vì cho rằng, mình hiểu sâu sắc về nó. Cũng có thể, bạn đã quá quen với thương hiệu của một công ty và bạn quyết định đầu tư vào cổ phiếu đó. Xin thưa rằng, bạn đang tự mình nâng cấp mức độ rủi ro của việc đầu tư. Đây chính là yếu tố khiến túi tiền của bạn nhanh chóng bị "thủng" khi thị trường suy sụp hoặc ngành nghề đó gặp khó khăn. Lời khuyên trong trường hợp này là: Hãy dùng một cái đầu lạnh để xây dựng một danh mục đầu tư hợp lý trên nguyên tắc phân tích đầy đủ, tránh rủi ro và dàn trải. Nên nhớ rằng, sở hữu một thương hiệu tốt không hẳn DN có cổ phiếu hẫp dẫn. Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) không phải là một ví dụ?
Kết luận
Có lẽ, những điều trên đây bạn đã đọc ở đâu đó. Nhưng người viết muốn tập hợp tại đây để biết đâu, bạn tự tìm cho mình lời giải thích hợp cho một quyết định đầu tư không thành công. Đầu tư thành công đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc và hết mình. Có thể bạn cho rằng, những người giỏi không hẳn đã thành công, vì may mắn trên TTCK đóng vai trò không kém quan trọng. Nhưng xin được trích lời của Warren Buffett: "Trong đầu tư, kiến thức thôi chưa đủ, mà chính tính cách sẽ quyết định sự thành công của bạn".

No comments:

Post a Comment