Bộ Tài Chính mỹ và FED mở “kho vũ khí” cuối cùng
Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đang và sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn nữa và ưu tiên cho thị trường tín dụng chứ không phải quá quan tâm về thị trường chứng khoán.
Ngày 9.10, bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ nhanh chóng tham gia góp vốn vào các ngân hàng thương mại. Ngày 6.10, cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ mua một số lượng lớn nợ ngắn hạn không có thế chấp thông qua việc mua thương phiếu của các công ty – một hình thức cho các công ty vay tín chấp và trực tiếp. Đây có phải là “kho vũ khí” cuối cùng hay chưa?
Thông thường và thường xuyên giao dịch với FED là hệ thống các định chế tài chính như các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đã được chính nó cấp phép hoạt động và bên cạnh đó là hệ thống các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác.
Qua những sự việc đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ suốt hai tuần qua, việc cục Dự trữ liên bang Mỹ đưa ra quyết sách giao dịch trực tiếp với các công ty không phải là một trường hợp ngoại lệ hoặc đặc biệt, nhưng là một biến cố lịch sử kinh tế tiền tệ – thị trường tự do. Một biến cố tồi tệ.
Sự nhịp nhàng của hai cơ quan quản lý
Bộ Tài chính Mỹ đã nhận được một “kho vũ khí” 700 tỉ USD để mua lại các khoản nợ không thanh khoản (nợ xấu). Với “kho vũ khí” này, Chính phủ Mỹ muốn giải quyết toàn diện và dài hạn vấn đề thanh khoản cho thị trường vốn tại Mỹ. Đây là giải pháp buôn bán sỉ. Giải pháp dài hạn cho nên cần thời gian tổ chức và thực hiện, nhưng nền kinh tế có những nhu cầu ngắn hạn hàng ngày không thể chờ đợi.
Chờ đợi và bị chờ đợi sẽ khiến trì trệ rồi hụt hẫng tín dụng, kéo theo hụt hẫng dòng tiền – một khoảng cách rất mong manh giữa tạm đóng cửa và phá sản hàng loạt rất nhanh. Và, nền kinh tế sẽ nhảy từ trì trệ sang suy thoái.
Chính một loạt ám ảnh về hệ quả dây chuyền do không thể chờ đợi buộc bộ Tài chính Mỹ và FED phải mở “kho vũ khí” cuối cùng. Đây là một giải pháp buôn bán lẻ đại trà phối hợp với giải pháp buôn bán sỉ của bộ Tài chính. Đúng như bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson vừa tuyên bố cùng ngày: “Bộ Tài chính, FED và cục Bảo hiểm tiền gởi liên bang, chúng tôi sẽ dùng tất cả quyền hạn của mình…, FED đang thực hiện quyền hạn tối ưu này”.
Suốt chín tháng qua, riêng FED đã sử dụng nhiều kho và loại vũ khí khác nhau (công cụ tài chính và chính sách tiền tệ), nhưng cũng không ngăn chặn được những đợt sóng tác hại tới tấp làm sụp đổ nhiều định chế tài chính lớn. Hệ thống ngân hàng thương mại mặc dù đã được liên tục bơm những lượng tiền lớn nhưng cũng chưa thấy dấu hiệu tích cực như mong muốn. Thị trường tiền tệ giảm niềm tin với ngân hàng. Ngân hàng không còn tin ngân hàng, thị trường liên ngân hàng tê liệt. Thị trường tín dụng bị khô hạn và tín dụng ngắn hạn bị hạn theo. Hệ thống tài chính nền kinh tế Mỹ bị hỏng máy.
Với hành động mở “kho vũ khí” cuối cùng này, Chính phủ Mỹ biết rằng không thể trông chờ vào sự hồi sinh nhanh chóng của hệ thống ngân hàng thương mại để mong rằng hệ thống phân phối tín dụng (thanh khoản của thị trường tiền tệ) sẽ nhanh chóng vận hành lại bình thường. FED mua thương phiếu không thế chấp, giống như hành động phải tháo bỏ khẩn cấp những đập nước dự trữ chiến lược cuối cùng cho tất cả vùng canh tác đang bị khô hạn.
Tác dụng sẽ đến đâu? Chắc là có và cơn sốt khô hạn tín dụng ngắn hạn này sẽ hạ xuống dưới mức nguy hiểm. Tuy nhiên nó sẽ không biến mất và sẽ trầm trọng hơn nếu giải pháp thu mua những khoản nợ xấu của bộ Tài chính và những quyết sách không được triển khai tốt và nhanh chóng.
Kết quả cuối cùng thật khó phỏng đoán nhưng không thể không thấy sự phối hợp khá nhịp nhàng và đồng bộ giữa chính sách tiền tệ của FED và chính sách tài khoá của bộ Tài chính.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ đưa ra quyết sách giao dịch trực tiếp với các công ty không phải là một trường hợp ngoại lệ hoặc đặc biệt, nhưng là một biến cố lịch sử kinh tế tiền tệ - thị trường tự do. Một biến cố tồi tệ |
Đối chiếu với Việt Nam
Trong vòng 4 – 5 tháng trở lại đây, và nhất là trong tháng 9.2008 vừa qua, có nhiều dấu hiệu và sự việc cho thấy rằng ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu tìm ra và thể hiện được vị trí và vai trò quản lý điều hành chính sách tiền tệ của một ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống và giải quyết lạm phát hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước vừa được chuyển thành cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Đó là một cải cách hành chính hơi trễ nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Những quyết sách tiền tệ vừa qua tuy chưa được nhịp nhàng và đồng bộ với những quyết sách tài khoá đã ban hành trước đó của bộ Tài chính nhưng ít nhiều cũng đã thể hiện được vị trí và vai trò đúng chỗ, đúng việc.
Với vị trí và vai trò mới – ngang bộ, ngân hàng Nhà nước cũng đang có những kho và loại vũ khí của chính sách tiền tệ, hẳn nhiên không phải là nhiều và mạnh như của những nền kinh tế lớn khác. Nhưng điều đáng quan tâm hơn trong lúc này và thời gian trước mắt, là làm thế nào thể hiện và thực hiện được vị trí và vai trò quản lý điều hành những kho và loại vũ khí chính sách tiền tệ tốt hơn và hiệu quả hơn.
Đến thời điểm viết bài này, hẳn nhiên Việt Nam đã có những ảnh hưởng gián tiếp, nhưng ngay từ bây giờ sẽ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất xuất khẩu.
Theo tôi, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước đang và sẽ phải chuẩn bị nhiều hơn nữa và ưu tiên cho thị trường tín dụng chứ không phải quá quan tâm về thị trường chứng khoán. Kinh doanh và sản xuất còn sống thì thị trường chứng khoán mới sống được. Ưu tiên và thường xuyên chăm sóc hệ thống ngân hàng thương mại là ưu tiên của ưu tiên để bảo vệ thị trường tín dụng nuôi sống cho nền kinh tế đang nương tựa vào xuất khẩu.
Theo Lê Trọng Nhi
No comments:
Post a Comment