27.10.08

Alan Greenspan : ”Khủng hoảng vượt quá tưởng tượng của tôi”

(CafeF) - Ông đặt niềm tin quá lớn vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do và không thể lường trước được khả năng sụp đổ của loại hình cho vay thế chấp bất động sản.

Đã nhiều năm nay, phiên điều trần với ông Greenspan là một sự kiện trọng đại luôn được đón chờ. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế tìm đến ông – một chuyên gia kinh tế đầy kinh nghiệm.

Thị trường biến động lên xuống theo những lời ông nói. Đại diện của cả hai Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều muốn nhận được sự ủng hộ từ phía ông.

Ba năm sau khi rời khỏi chức vụ chủ tịch FED, ông Greenspan thừa nhận ông đã quá tin vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do và không dự báo được khả năng tự phá hủy của thị trường cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn.

Năm nay đã 82 tuổi, ông Greenspan phải trải qua thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời của mình khi nhiều ứng viên Đảng Dân Chủ liên tục hỏi ông liệu có phải ông đã có chính sách sai, tại sao ông sai và liệu ông có hối hận.

Họ đổ lỗi cho ông đã khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu. Những người chỉ trích ông Greenspan cho rằng chính ông đã góp phần gây ra bong bóng nhà đất bằng việc duy trì tỷ lệ lãi suất quá thấp trong quá lâu và ông không thành công trong việc kiểm soát sự tăng trưởng quá nóng của hình thức cho vay thế chấp đầy rủi ro.

Cựu chủ tịch FED Alan Greenspan nhận xét cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã nhấn chìm thị trường tài chính toàn cầu và thừa nhận học thuyết thị trường tự do của ông có phần sai lầm.

Phát biểu trước Ủy ban giám sát và cải cách chính phủ (Committee on Oversight and Government Reform), ông nói:" Tôi thấy có sai sót. Tôi rất sốc bởi tôi đã có hơn 40 năm kinh nghiệm và tin rằng thị trường vẫn hoạt động tốt." Ông thừa nhận ông đã có phần sai lầm khi đã phản đối điều tiết thị trường phái sinh.

Việc điều trần của ông Greenspan diễn ra sau khi các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đổ lỗi cho ông rằng ông có một phần lỗi trong việc không lường đến sự bùng nổ của thị trường nhà đất và phái sinh.

Khi được hỏi rằng mình có sai không, ông nói:"Tôi đã có một phần sai lầm." Ông Greenspan làm chủ tịch FED 10 năm trước khi rời khỏi chức vụ này vào tháng 1/2006. Ông Greenspan đã lèo lái nền kinh tế trong khoảng thời gian bùng nổ dài nhất trong lịch sử.

FED đã hạ lãi suất xuống gần mức thấp kỷ lục từ năm 2001 cho đến giữa năm 2004. Giá nhà đất tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát hay thu nhập của người dân. Đến năm 2004, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo bong bóng giá nhà đất và xây dựng đang hình thành và có thể dẫn đến hậu quả tệ hại hơn.

Ông Greenspan gạt sang bên lo ngại về khả năng bong bóng nhà đất sụp đổ, và cho rằng giá nhà đất chưa bao giờ hạ và khả năng bong bóng nhà đất vỡ là điều không xảy ra.

Ông cùng với một số người đứng đầu ngành ngân hàng tại Washington cũng đã lờ đi những lời kêu gọi thắt chặt thị trường cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn và nhiều khoản thế chấp rủi ro cao (người vay tiền có thể vay quá khả năng chi trả).

FED có quyền hạn rất lớn trong việc ngăn hành vi cho vay đầy rủi ro này theo một luật được đưa ra năm 1994 có tên Home Owner Equity Protection Act. Thế nhưng họ đã tiến hành rất ít hành động giám sát chặt chẽ trong thời kỳ nhà đất bùng nổ lâu dài.

Năm nay, FED đã thắt chặt hơn các quy định. Tuy nhiên cho đến lúc này, thị trường cho vay thứ cấp và thị trường các thế chấp khác đã sụp đổ.

Ông Greenspan cho biết ông đã chính thức cảnh báo về rủi ro năm 2005 nhưng vô cùng sửng sốt khi cuộc khủng hoảng đã lan rộng hơn ông tưởng.

Cùng ngày, thị trường Mỹ cũng đón nhận thêm nhiều thông tin tệ hại về tỷ lệ thu hồi nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ông Greenspan từ chối nhận lỗi về cuộc khủng hoảng tuy nhiên thừa nhận lòng tin của ông vào sự điều tiết thị trường lỏng lẻo có phần lung lay.

Ông cho rằng hoạt động kinh doanh thiết điều tiết các công cụ tài chính phái sinh đã vượt quá tầm kiểm soát và dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Vào năm 1994, ông đã thành công trong việc phản đối áp dụng quy định chặt chẽ hơn đối với công cụ phái sinh.

Ông đồng ý rằng thị trường trị giá hàng nghìn tỷ USD của các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng ban đầu được tạo ra để bảo hiểm cho những người đầu tư vào trái phiếu khỏi khả năng vỡ nợ của công ty phát hành cần phải được hạn chế.

Ông Paul Kasriel, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Northern Trust Co. ở Chicago và từng là một cựu quan chức tại FED, nhận xét:"Cuối cùng ông Greenspan cũng đã nhận một phần lỗi, uy tín của ông chắc hẳn cũng bị ảnh hưởng."

Một phần của vấn đề là khả năng của FED trong việc dự báo. Ông Greenspan nói:"Nếu bạn dự đoán đúng 60% trong số các lần dự báo, bạn đã quá giỏi, nhưng như vậy vẫn còn 40% số lần bạn dự báo sai. Việc dự báo không thể chính xác hoàn toàn."

Ông Henry Waxman, một đại diện của Đảng Dân Chủ, cho rằng Greenspan hoàn toàn có khả năng ngăn những hoạt động cho vay vô tổ chức dẫn đến cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn.

Chủ tịch FED đề xuất một giải pháp duy nhất: các công ty phát hành chứng khoán nợ dưới chuẩn cũng phải nắm giữ một lượng đáng kể loại chứng khoán thế chấp.

Ông Edward Gramlich, một người đã từng làm việc lâu năm tại FED, đã từng hối thúc Greenspan giám sát chặt chẽ hơn các ngân hàng trong thời kỳ thị trường thế chấp của Mỹ bùng nổ những năm 2004 đến năm 2006.

Ông Greenspan phản biện về việc trên như sau:" Tôi không thể ứng phó với mọi lời cảnh báo. Luôn có rất nhiều người cảnh báo song một nửa số lần cảnh báo của họ là những cảnh báo không chính xác."

Ngọc Diệp

Theo Bloomberg, IHT

No comments:

Post a Comment