5.7.08

Vì sao cổ đông sáng lập Ngân hàng Hồng Việt đòi rút vốn?

n Nguyễn Hoài
Lãng phí vì 400 tỷ đồng góp vốn bị găm giữ trong nửa năm, giấy phép thành lập chưa thấy tăm hơi, cổ đông sáng lập Ngân hàng Hồng Việt đã kiến nghị rút vốn nhưng lãnh đạo Ban trù bị từ chối. Chuyện gì đang xảy ra ở ngân hàng này?

Ngày 5/4/2007, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký Quyết định số 1059 thành lập Ban trù bị thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí. Ngày 3/12/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký Công văn số 12801 chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho ngân hàng này.

Mười ngày sau, Ngân hàng Thương mại Dầu khí tiến hành Đại hội cổ đông lần thứ nhất, bầu ra các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát và Ban trù bị.

Đến 25/3/2008, ngân hàng này đổi tên thành Ngân hàng Hồng Việt với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.

Góp vốn để... treo lửng lơ?

Theo đó, tổng vốn góp của 6 cổ đông sáng lập gồm 2.500 tỷ đồng, được cơ cấu như sau: Tập đoàn Dầu khí: 1.000 tỷ đồng (20%); VIB: 450 tỷ đồng (9%); Tổng công ty Hàng không: 150 tỷ đồng (3%); Tập đoàn Hòa Phát: 400 tỷ đồng (8%); Công ty TNHH Đầu tư tài chính I.P.A: 250 tỷ đồng (5%) và Tổng công ty Nước giải khát - rượu bia Hà Nội: 250 tỷ đồng (5%).

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện 6 tháng trôi qua, kể từ ngày cổ đông sáng lập là Tập đoàn Hòa Phát góp 400 tỷ đồng nhưng chờ mãi chẳng thấy Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng Hồng Việt.

Trước tình hình đồng vốn bị tồn đọng một thời gian dài trong điều kiện thị trường tài chính tiền tệ gặp nhiều khó khăn, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tăng liên tục ở mức cao, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn tư nhân Hòa Phát đã gửi kiến nghị lên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt xin rút lại 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng đã góp.

Một đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Phải hiểu là khi đầu tư mà không có một chủ trương rõ ràng, ngày giờ cụ thể thì tốt nhất nên để cho các đơn vị làm chủ đồng vốn đã nộp vào đó, tránh tình trạng treo vốn lửng lơ mà chưa biết bao giờ việc lập ngân hàng thành hiện thực”.

Cũng theo ông này, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, Nhà nước chưa thực sự khống chế hoàn toàn sự bất ổn của lạm phát và tỷ giá; chính sách điều hành thị trường tiền tệ đang đối mặt với bất lợi thì việc lập mới ngân hàng sẽ khó thành hiện thực, nhất là đối với ngân hàng có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ông này cho biết thêm, không riêng gì Hòa Phát mà không ít cổ đông khác đều hối thúc và yêu cầu lý giải sự chậm trễ này. Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt chỉ giải thích là “đang nỗ lực”, “đang tích cực” thực hiện các thủ tục xin cấp phép và sau đó là không có một động thái cụ thể, rõ ràng.

Các bên liên quan nói gì?

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với Ngân hàng Hồng Việt, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị giải thích:

Thứ nhất, Tập đoàn Hòa Phát có kiến nghị xin rút lại 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng nhưng kiến nghị này không đúng quy định.

Thứ hai, việc rút vốn này không được, bởi vì: theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi được cơ quan này chấp thuận nguyên tắc thành lập và hoạt động, vốn điều lệ phải được gửi vào tài khoản một ngân hàng và không được sử dụng cho đến ngày cấp phép chính thức. Khi nào Ngân hàng Nhà nước cấp phép chính thức thì toàn bộ số tiền này sẽ bị phong tỏa theo luật.

Theo ông Sơn, toàn bộ hồ sơ thủ tục đã hoàn thành, vấn đề là chờ đợi sự cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Phóng viên cũng liên lạc với ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - cổ đông sáng lập góp 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, ông Thăng cho biết, Đề án thành lập Ngân hàng Hồng Việt đã được các bộ ngành và Chính phủ thông qua và chấp thuận về mặt nguyên tắc, chỉ khi nào Chính phủ công bố quyết định dừng thành lập ngân hàng thì mới dừng.

Bày tỏ quan điểm về việc Tập đoàn Hòa Phát xin rút số vốn điều lệ đã góp, ông Thăng bức xúc: “Khi đã thống nhất thì phải theo cam kết và luật. Kể cả nộp một năm cũng phải chịu! Không thể có chuyện thích vào thì vào, thích ra thì ra!”.

Một câu hỏi đặt ra ở đây: Vì sao trong lúc một số ngân hàng mới như Lienvietbank hay Tiên Phong được cấp phép thành lập và hoạt động, trong khi Ngân hàng Hồng Việt vẫn chưa được cấp phép?

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (đề nghị giấu tên) cho biết: Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương hạn chế hay dừng cấp phép lập mới ngân hàng nhưng trong điều kiện hiện nay thì phải “xếp hàng” chờ đợi.

Một thông tin khá nhạy cảm khác liên quan đến việc các tập đoàn kinh tế lập ngân hàng là ngày 21/4/2008, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố: “Theo số liệu chưa đầy đủ đến 31/12/2007, đã có 16 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư 4.965 tỷ đồng; 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 316 tỷ đồng; 12 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm với tổng giá trị 6.518 tỷ đồng”.

Cũng theo Ban này, việc mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán là những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro lớn, làm phân tán nguồn lực.

Điều đáng ngại là nếu các tập đoàn này kiểm soát một số ngân hàng và sử dụng vốn từ đó để tài trợ cho kế hoạch mở rộng của mình trong trường hợp thiếu hệ thống kiểm soát rủi ro, có thể dẫn tới lạm dụng khoản vay và đầu tư quá mức của các thành viên tập đoàn.

Như vậy, hơn ai hết, các cổ đông Ngân hàng Hồng Việt, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước biết rất rõ rằng, có nên tiếp tục theo đuổi đề án lập ngân hàng này hay dừng lại.

No comments:

Post a Comment