5.7.08

Chọn mua cổ phiếu doanh nghiệp nào?

(Theo VIR)  Việc lựa chọn cổ phiếu đối với các nhà đầu tư đang trở nên khó hơn nhiều, khi có sự phân hoá thành các nhóm cổ phiếu lên điểm và cổ phiếu xuống giá.

 

Các doanh nghiệp (DN) có doanh thu xuất khẩu lớn, chủ yếu trong ngành nông - thủy sản, đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Trong những phiên giao dịch gần đây, hầu hết cổ phiếu các công ty kinh doanh thủy sản niêm yết trên sàn TP.HCM đều tăng giá khá mạnh, như ATB của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Cửu Long - An Giang, AGF của Công ty Thủy sản Bến Tre, TS4 của Công ty Thủy sản số 4...

Tuy nhiên, không phải không có ngoại lệ, khi cổ phiếu ANV của "đại gia" ngành thủy sản là Công ty cổ phần Nam Việt vẫn có phiên giảm giá sàn. Không ít nhà đầu tư còn dè dặt đối với cổ phiếu ANV, do đây là một trong những công ty có lượng vốn dành cho đầu tư tài chính khá lớn, trong khi lợi nhuận quý I sụt giảm trên 26% so với quý IV/2007.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các DN xuất khẩu nông sản cũng đang được nhiều nhà đầu tư mua vào. Cổ phiếu LAF của Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Long An, dù có kết quả kinh doanh quý I giảm mạnh so với quý IV/2007, nhưng vẫn được nhà đầu tư mua vào nhiều và liên tục tăng trần, với dư mua khá lớn sau mỗi phiên giao dịch.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, những biến động về tỷ giá ngoại tệ trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều DN. Tuy nhiên, những DN có nguồn thu lớn từ xuất khẩu xem ra ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn được hưởng lợi từ tỷ giá.

Dù vậy, khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn phải tìm hiểu kỹ thông tin DN, bởi thực tế cho thấy, không phải DN xuất khẩu nào cũng được hưởng lợi từ tỷ giá. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phòng Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán FPT, hiện tại, nhiều DN thủy sản phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng cao, làm chi phí tăng lên.

Trong khi đó, một số DN vay ngoại tệ từ khi tỷ giá còn thấp, nên tỷ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, một DN ngành thủy sản từng vay vốn ODA của Italy bằng euro với tỷ giá thời điểm đó chỉ có 21.490 đồng/euro, nhưng đến nay, tỷ giá đã tăng lên xấp xỉ 30.000 đồng/euro...

Trong khi các DN xuất khẩu đang được ưu ái thì một nhóm DN khác lại đang bị các nhà đầu tư quay lưng, đó là các DN có khoản đầu tư tài chính lớn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống thì các khoản đầu tư tài chính thường đồng nghĩa với những khoản đầu tư thua lỗ. Trong năm 2007, một số DN do huy động được vốn khá dễ dàng trên thị trường chứng khoán, trong khi chưa biết làm thế nào để "hấp thụ" hết số vốn đó, nên đã đầu tư khá nhiều vào cổ phiếu của các DN khác.

Tuy nhiên, việc bán tháo cổ phiếu của nhiều DN có đầu tư tài chính xem ra đang đi quá đà, đẩy giá cổ phiếu xuống quá thấp. Theo một số nhà phân tích, chính đây lại là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư có nguồn vốn dài hạn, vì thực chất, hầu hết đây đều là các cổ phiếu tốt, có tiềm lực vốn mạnh.

 

1 comment: