Mua bán sáp nhập DN, thị trường nhiều tiềm năng
Mua bán sát nhập DN, thị trường nhiều tiềm năng | ||||
11:36' 11/07/2008 (GMT+7) | ||||
- Kinh tế khủng hoảng, hậu quả tất yếu sẽ có hàng loạt DN gặp khó khăn và phá sản. Để vượt qua khó khăn, nhiều DN sẽ phải cơ cấu lại. Đây chính là cơ hội cho mua, bán và sáp nhập DN. Thị trường nhiều tiềm năng Trong hai năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) ở Việt Nam đã thực sự sôi động và trở thành vấn đề thời sự trên thị trường tài chính. Các con số thống kê cho thấy, năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD thì chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, số vụ M&A là 46 vụ, đạt tổng giá trị là 626 triệu USD (gấp đôi so với cả năm 2006 và gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2006). Đánh giá về xu hướng M&A trên thị trường Việt Nam, ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế trẻ, có tốc độ tăng trưởng cao, hội tụ được các yếu tố hấp dẫn cho thị trường M&A. Theo ông Thắng, trong kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp tới năm 2010, dự kiến có tới 35-50% số doanh nghiệp của Việt Nam trong vòng 6-10 năm tới có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập với các đối tác. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh trên thị trường, do xuất hiện các cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu mở rộng kinh doanh hoặc cần thiết phải thay đổi hướng đầu tư, hay chỉ đơn giản là do đề nghị hấp dẫn từ phía người mua... “Trong những năm tới, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh mẽ và tác động sâu sắc tới cách thức kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam” ông Thắng nhấn mạnh. Những tháng đầu năm 2008, tình hình kinh tế khó khăn, thị trường vốn khá ảm đạm nhưng không vì thế mà hoạt động M&A bị ngừng lại. Thông tin sơ bộ cho thấy, từ đầu năm 2008 đến nay, các hoạt động M&A cũng diễn ra khá mạnh mẽ, thể hiện thông qua một số thương vụ như: Indochina Capital Vietnam Holding mua 20% cổ phần của Công ty Thời trang Việt – Ninomaxx, Tập đoàn Goldman Sachs đầu tư 30% cổ phần của Công ty cổ phần Diana, hay việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank bán 25% vốn điều lệ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài là: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), VOF Investment Limited-British Virgin Islands, Mirae Asset Exim Investment Limited thuộc tập đoàn Mirae Asset Hàn Quốc và Mirae Asset Maps Opportunity Vietnam Equity Balanced Fund 1. Điểm qua các vụ M&A cho thấy, việc sáp nhập và mua bán DN đang diễn ra mạnh mẽ hơn những gì chúng ta cảm nhận. Rất nhiều các đại gia tài chính thế giới đã có mặt tại Việt Nam và bước đi đầu tiên họ thể hiện sức mạnh của mình trên thị trường chính là việc mua lại một phần, góp vốn hay thậm chí mua đứt các DN Việt Nam. Điều đó cho thấy M&A ở Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng. Khó khăn kinh tế và cơ hội cho M&A Một cuộc hội thảo chuyên đề mới đây về M&A đã nhận định, hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra hết sức sôi động trong thời gian tới, với nhiều thương vụ M&A “khổng lồ”. Theo các chuyên gia đến từ Cục Đầu tư nước ngoài và Công ty chứng khoán An Bình thì, điều này có thể được giải thích dựa trên những cơ sở: sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế thời gian qua đã “sinh ra” quá nhiều công ty hoạt động trong những ngành có tính cạnh tranh cao như: kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng, chứng khoán... nhưng khi nền kinh tế rơi vào thời kỳ điều chỉnh thì cuộc “cạnh tranh xuống đáy” là tương lai có thể nhìn thấy. Để tránh tình huống này thì các công ty sẽ có xu hướng liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển, nhờ có liên kết mà hiệu quả kinh tế mới phát huy tác dụng. Một lý do khác là do nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cũng như những cam kết của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình gia nhập WTO nên luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Một trong những cách thức để nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh và tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam chính là thông qua các đối tác Việt Nam, điều này càng tạo thêm đà cho hoạt động M&A phát triển. Trong khi đó, trao đổi mới đây, chuyên gia kinh tế hàng đầu Võ Đại Lược cũng cho rằng, chống lạm phát thì phải chấp nhận trả giá. Sẽ có nhiều DN khó khăn, chuyện phá sản, mua bán, sát nhập... vốn được các nước xem như là chuyện bình thường. Và ở Việt Nam tuy chưa phổ biến điều đó nhưng cũng phải lường đến. Thực tế, trải qua giai đoạn TTCK giảm, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ liên quan. Một số đơn vị có vốn điều lệ nhỏ, năng lực quản trị yếu được các nhà phân tích nhận định, khó có thể duy trì để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay đã có nhu cầu tìm đối tác bán lại. Nhu cầu mua lại của nhà đầu tư cũng dần xuất hiện. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNK Capital - chuyên về tư vấn, tái cấu trúc và M&A cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để bán được cũng không phải là chuyện dễ dàng với các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận, đây là thời điểm tốt nhất để mua lại các công ty chứng khoán. Vì thế, các chuyên gia về M&A nhận định, kinh tế khó khăn, TTCK suy giảm, nhiều DN đói vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, khiến một số đơn vị phải tính đến những hỗ trợ từ bên ngoài. Đây là cơ hội vàng cho các DN mạnh, có đủ năng lực tài chính, đặc biệt là các DN nước ngoài muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam... Xu hướng này sẽ ngày càng nở rộ trong thời gian tới, nếu hàng lang pháp lý được hoàn thiện hơn... Tất nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không thể không nói đến những cơ hội phát triển của những đơn vị sau khi đã tự bán mình.
|
No comments:
Post a Comment