phí phạm hàng ngàn tỉ đồng
phí phạm hàng ngàn tỉ đồng
Jul 06, 2008
Theo báo chí trong nước, kết quả kiểm toán khu vực nhà nước ở Việt Nam năm qua cho thấy nạn lạm chi và vi phạm tiêu chuẩn mua sắm xảy ra ở nhiều cơ quan.
Cuộc kiểm toán này cho thấy nhiều dự án, cơ quan, tổ chức nhà nước, có tình trạng vi phạm, lạm chi trong mua sắm tài sản, hoặc chi tiêu vận hành. Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện và đề nghị tăng thu 2764 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước từ các đơn vị bị kiểm tra. Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận xét việc quản lý và chi tiêu công ở Việt Nam còn nhiều điểm chưa hợp lý. Nhân vật này cho rằng những lĩnh vực đầu tư công nào chưa hiệu quả có thể giao cho tư nhân đảm nhiệm. Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã xem xét 17 bộ ngành, trung ương và 29 tỉnh, thành phố cùng 26 doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng nhà nước và 17 dự án đầu tư cấp quốc gia. Theo kết quả kiểm toán vừa công bố, tổng số tiền phải giải quyết tài chính có nghĩa là phí phạm, lên tới gần 12,000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước đưa ra, các vi phạm xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực. Những vi phạm phổ biến là kê khai sai thuế giá trị gia tăng; thiếu doanh thu chịu thuế; nhiều khoản thu chi không hợp lệ; thu tiền sử dụng đất sai thực tế và rất nhiều lý do khác. Báo cáo cho biết hàng ngàn dự án xây cất đã có các vi phạm ở nhiều đơn vị khác nhau. Tình trạng chi cho đầu tư phát triển thường lãng phí, không hiệu quả. Đặc biệt nhiều cơ quan trung ương và địa phương được biết đã chi sai hoặc vượt mức qui định cho việc mua sắm xe hơi cho cán bộ. Báo cáo cũng cho biết các tổng công ty nhà nước có mức lời vừa phải, nhưng nợ nần thì rất lớn. Mặc dù báo cáo cho biết 90% các doanh nghiệp từ 20 tổng công ty được kiểm toán là kinh doanh có lời, nhưng tổng số nợ mà các tổng công ty này phải trả lên tới 65,799 tỉ đồng, chiếm 171% tổng vốn chủ sở hữu. Được biết các ngân hàng nằm trong số những doanh nghiệp thu về lợi nhuận cao, nhưng báo cáo về chi phí và thu nhập của họ thường không phản ánh đúng thực tế.
Ngoài ra, dư nợ ngoại quốc ở Việt Nam đã lên tới mức 34.6% GDP, tức là cách không xa mức giới hạn của quốc tế về dư nợ không an toàn là 40%.
No comments:
Post a Comment