Kịch bản "tận thế" cho hai “đại gia” tài chính Mỹ
n Kiều Oanh | |
Sau đây là một câu hỏi đáng sợ nhưng lại rất cần thiết để đưa ra giữa bối cảnh thị trường nhà đất Mỹ tiếp tục trượt dốc: Chính phủ Mỹ sẽ mất gì nếu ra tay “giải cứu” Fannie Mae và Freddie Mac, và liệu điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới người dân Mỹ - những người phải nộp thuế? Tuần vừa qua là một tuần đáng sợ đối với Freddie và Fannie. Một báo cáo do Lehman Brothers đưa ra hôm đầu tuần đã dẫn tới một làn sóng bán tháo cổ phiếu của hai công ty này, đẩy hai cổ phiếu này xuống mức giá thấp nhất trong vòng nhiều năm vào ngày thứ Năm. Trong phiên giao dịch buổi chiều, cổ phiếu của Freddie mất giá tới 19%, trong khi cổ phiếu của Fannie sụt mất hơn 10%. “Chân dung” hai “đại gia” Sự mất giá của hai cổ phiếu này, cùng với nhận định không mấy lạc quan của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke về viễn cảnh thị trường địa ốc Mỹ đưa ra hôm thứ Ba, đã buộc giới đầu tư phải cân nhắc xem điều gì sẽ xảy ra nếu như Chính phủ Mỹ phải can thiệp. Thị trường đã chú ý tới khả năng này sau khi William Poole, cựu Chủ tịch FED bang St. Louis trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg cho rằng, Freddie và Fannie đã “mất thanh khoản”. Cũng trong ngày thứ Năm, tờ Wall Street Journal cho biết các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã giám sát hai công ty này nhiều tháng như là một phần trong công tác lên kế hoạch cho những sự cố đột xuất có thể xảy ra. Thêm vào đó, các cuộc thảo luận về những gì cần làm nếu hai công ty này sụp đổ đã được tổ chức trong những tuần gần đây. Fannie Mae và Freddi Mac là hai doanh nghiệp được Chính phủ Mỹ bảo trợ, có nhiệm vụ hỗ trợ chức năng thị trường cho vay thế chấp bằng cách mua lại các khoản vay và chứng khoán hóa các khoản vay này. Do đó, nếu một trong hai công ty không thể vận hành được nữa, hậu quả có thể sẽ rất tồi tệ. Cuối năm ngoái, riêng Fannie đã chứng khoán hóa và bảo lãnh số khoản vay cầm cố với tổng trị giá khoảng 2.800 tỷ USD, tương đương xấp xỉ 23% tổng dư nợ cầm cố ở Mỹ. Và các chứng khoán này đều được đánh giá tín nhiệm ở mức cao và bán cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. “Nếu Fannie hoặc Freddi đổ vỡ, hậu quả sẽ tồi tệ hơn nhiều so với sự tan rã của ngân hàng đầu tư Bear Stearns”, Giám đốc công ty xếp hạng tín nhiệm Egan Jones, ông Sean Egan, nhận xét. “Điều đó có thể khiến kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng sâu hoặc gần như thế”, ông nói. Giới đầu tư Mỹ lúc này rõ ràng đang lo ngại. Các hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (Credit Default Swap - CDS) - một loại hình bảo hiểm đối với khả năng Fannie và Freddie không thể chi trả cho các loại trái phiếu doanh nghiệp mà họ bán ra, hiện đang có mức giá cao nhất trong vòng 14 tuần trở lại đây. Thêm vào đó, thị trường đang dự báo hai công ty này sẽ công bố những khoản thua lỗ khổng lồ trong quý 2 vừa qua. Chưa hết, lĩnh vực kinh doanh chính của hai công ty là chứng khoán hóa các khoản nợ cầm cố đang nằm dưới áp lực cực lớn do giá nhà ở Mỹ liên tục giảm và số các vụ tịch biên nhà liên tục tăng. “Vấn đề chính ở đây là hai công ty này đều là những tổ chức tài chính có mức vay nợ cao, cao hơn bất kỳ một ngân hàng nào khác, và họ nắm trong tay rất nhiều các tài sản cầm cố. Trong bối cảnh giá địa ốc giảm từng ngày, giá trị của các loại chứng khoán mà họ phát hành, đảm bảo và bán ra thị trường đang bị đặt một dấu hỏi lớn”, ông Steve Persky, người đồng sáng lập công ty Dalton Investments, nhận xét. Kịch bản cho “ngày tận thế” Khả năng Chính phủ Mỹ phải can thiệp đã hiện ra vì rất khó có khả năng khu vực tư nhân có thể giúp hai công ty này. Giá cổ phiếu của Fannie và Freddie đã giảm quá thấp, tới mức mà hai công ty này khó có thể huy động được vốn. Ông Egan tính toán rằng chỉ riêng Freddi cần huy động khoảng 7 tỷ USD trong vòng 2 tháng tới để bù đắp cho các khoản thâm hụt và thua lỗ của công ty này. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường (tính bằng số lượng cổ phiếu lưu hành nhân với giá cổ phiếu) hiện chỉ đứng ở mức 8,7 tỷ USD. Theo các chuyên gia, rõ ràng, việc huy động một số tiền lớn tương đương với tổng giá trị vốn hóa của toàn công ty là một nhiệm vụ gần như… bất khả thi. Ngoài ra, cả Fannie và Freddi đã huy động tổng số tiền 13 tỷ USD bằng cách phát hành cổ phiếu ưu đãi vào cuối năm 2007 và đã giảm cổ tức để giữ tiền mặt. Trong khi đó, FED và Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Chính phủ Mỹ không có nghĩa vụ phải can thiệp một khi Fannie hoặc Freddie vỡ nợ. Việc nghĩa vụ pháp lý nằm ở đâu là một vấn đề gây tranh cãi, tuy nhiên trên thực tế, Chính phủ Mỹ không thể để hai công ty này đổ vỡ vì nước Mỹ đang phải “dọn dẹp đống đổ nát” trên thị trường cho vay dưới chuẩn. Nếu Fannie và Freddi không thể mua và hỗ trợ các khoản cho vay, các ngân hàng sẽ ngừng cho vay địa ốc, số người mua nhà sẽ co lại, khiến giá nhà càng sụt giảm. “Nếu Chính phủ cho rằng hai công ty này có vai trò đặc biệt quan trọng trên thị trường, mà thực tế đúng là như thế, họ sẽ không để hai công ty này sụp đổ”, giáo sư kinh tế học Joseph Mason tại Đại học Louisianna cho biết. Vậy điều gì sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ và FED phải vào cuộc? Như đã nói ở trên, Fannie và Freddi nằm trong số những công ty có mức độ nợ cao nhất, đồng nghĩa với việc lượng vốn mà có trong tay thấp hơn nhiều so với khối lượng tài sản mà họ kiểm soát. Hai công ty này phải Fannie và Freddie sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cho các loại chứng khoán mà họ phát hành, hoặc thậm chí là đảm bảo cho hoạt động hàng ngày của mình. Đó là lúc mà Chính phủ Mỹ cảm thấy áp lực mạnh cần phải can thiệp. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Standard & Poor’s cho rằng một kịch bản xấu trong đó Fannie và Freddie vỡ nợ là điều khó có thể xảy ra, nhưng khả năng đổ vỡ của một trong hai công ty này là một mối đe dọa lớn đối với kinh tế Mỹ hơn bất kỳ sự sụp đổ của một ngân hàng đầu tư nào khác. Vậy nếu Chính phủ Mỹ can thiệp, họ sẽ can thiệp như thế nào? Quốc hữu hóa là lựa chọn khó có khả năng xảy ra vì cả chính quyền Mỹ hiện tại và cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ đều không có khả năng ủng hộ một kế hoạch như vậy trong một năm bầu cử ở nước này. Khả năng lớn hơn là Bộ Tài chính Mỹ và FED sẽ cung cấp thanh khoản cho hai ngân hàng này dưới dạng một khoản vay hoặc bảo lãnh đối với những người nắm giữ trái phiếu của hai công ty. Fannie và Freddie thậm chí còn có thể có một thỏa thuận cổ phiếu ưu đãi với Chính phủ Mỹ, giống như thỏa thuận giữa Citigroup và Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi. Thỏa thuận này cho phép đem lại cho Chính phủ Mỹ khả năng lập luận rằng họ không cứu giúp Freddie và Fannie mà chỉ thực hiện một khoản đầu tư sẽ có lãi trong dài hạn. Một khả năng khác có thể xảy ra là, trong trường hợp hoặc Fannie hoặc Freddie vỡ nợ, Chính phủ Mỹ sẽ mua một khối lượng lớn cổ phiếu với quyền bỏ phiếu và sử dụng đó như một công cụ để cắt bỏ cổ tức, thay thế các thành viên trong ban lãnh đạo và đưa công ty trở lanh với tình trạng thanh khoản tốt. “Tuy nhiên, việc cứu giúp hai ngân hàng này sẽ mang màu sắc chính trị, do đó sẽ khá phức tạp”, ông Mason nhận xét. “Fannie và Freddie sẽ phản đối việc các quan chức của họ bị mất ghế. Và họ cũng muốn giữ cổ tức”, ông nói thêm. Theo S&P, kịch bản về sự tan rã của Fannie và Freddie có thể Chính phủ Mỹ phải chi 1.000 tỷ USD, mà khoản tiền này, không ai khác, chính những người Mỹ phải trả qua việc đóng thuế. Cũng theo S&P, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của nước Mỹ nếu Chính phủ Mỹ phải cứu giúp hai công ty này. (Theo Fortune) |
No comments:
Post a Comment