29.11.07

8 bước để xây dựng một danh mục tài chính hoàn chỉnh



Bạn có giấc mơ của cuộc đời mình. Bạn biết nơi bạn muốn ở, loại xe bạn muốn đi và loại thời trang mà bạn muốn mặc. Nhưng đã bao giờ bạn dừng lại tính chính xác xem theo đúng thuật ngữ tài chính, phong cách sống rất đáng mong chờ đó sẽ “bòn rút” của bạn bao nhiêu tiền? Nếu bạn chỉ giống như những người khác thì câu trả lời cho việc tham gia TTCK của bạn sẽ chỉ là KHÔNG.

1. Chọn loại chứng khoán của đời bạn

Dưới đây sẽ là một sơ đồ hướng dẫn cho bạn từng bước đi một trong việc xây dựng một danh mục tài chính hoàn chỉnh. Nhưng thế nào là một danh mục tài chính hoàn chỉnh. Đây là thuật ngữ mà chúng tôi muốn dùng để dành cho những cá nhân có được bốn yếu tố sau: Một khoản lương hưu đều đặn và tất nhiên miễn thuế; một quỹ dự trữ tiền mặt khẩn cấp cho sáu tháng, một danh mục đầu tư đa dạng với đủ mọi thể loại tài sản và một khoản đầu tư vào chính bản thân họ.

Trước khi bạn bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư hoàn chỉnh của mình

Ngồi xuống, lấy bút ra và liệt kê tất cả những thứ bạn đang có (những loại tài sản như những chiếc ôtô, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ tương hỗ, tiền mặt, tài khoản ngân hàng…) và tất cả những gì bạn đang nợ (những khoản nghĩa vụ bạn phải trả như cân đối thẻ tín dụng, nợ học phí từ thời sinh viên hay học phí bây giờ của con bạn…). Tuyệt đối trung thực! Không bỏ sót bất kì một thừ gì vì bạn “sẽ trả nó ngày mai” hay “đó chả là vấn đề gì cả”. Cái cốt lõi để có thể thay đổi cuộc đời bạn chính là phải biết được chính xác bạn đang đứng ở đâu, vào năm này, tháng này và chính xác là thời điểm này.

Một bản cân đối kể toán của bản thân bạn sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng khi chúng ta tạc dần nên các bước đi tiếp theo của mình.
Quá trình xây dựng một danh mục đầu tư hoàn chỉnh có thể mất rất nhiều năm, Nếu bạn tận tụy và mẫn cán, bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Vì thế đừng bao giờ đánh rơi hi vọng!

2. Thanh toán hết các khoản nợ thẻ tín dụng có lãi suất cao
Bước tiếp theo trong công cuộc xây dựng một danh mục đầu tư hoàn chỉnh của bạn là phát triển một kế hoạch thanh toán dần những khoản nợ tín dụng lãi suất cao

a. Lấy bạn cân đối kế toán của bạn và trên một tờ giấy khác, hay liệt kê toàn bộ các khoản nợ của bạn theo lãi suất bạn đang phải trả, từ cao xuống thấp.

b. Quyết định xem bạn có thể trích ra bao nhiêu từ khoản thu nhập hàng tháng của bạn để làm giảm dần các khoản nợ trên. Nếu khoản thu nhập thường xuyên đó của bạn đang được dành cho một quỹ tương hỗ hoặc một tài khoản đầu tư nào đó, hãy tạm thời dừng lại! Chuyển số tiền đó sang quỹ "giảm nợ" của bạn trước đã!

c. Trả mức định kì thấp nhất cho tất cả các khoản nợ của bạn, ngoại trừ khoản nợ xếp vị trí số một trong danh sách bạn liệt kê ở trên (ví dụ như cái thẻ tín dụng hiện đang có số tiền chi trội cao nhất…) Khoản nợ lớn nhất trong danh sách của bạn nên nhận được hàng tháng tất cả số tiền bạn có thể huy động của tháng đó cho quỹ "giảm nợ" cho đến khi nó bị xóa sổ hoàn toàn.

d. Khi bạn đã thanh toán xong một khoản nợ, hãy gạch tên cái thẻ tín dụng đó ra khỏi danh sách nợ của bạn và cho nó vào ngăn kéo (đừng hủy cái thẻ đó bởi nó sẽ làm mất số điểm tín dụng của bạn và khiến bạn phải trả theo lãi suất mới. Điều này sẽ làm phát sinh những khoản nợ mới). Hãy nhớ đưa nó vào ngăn kéo và đưa nó ra khỏi bộ nhớ của bạn. Đừng sử dụng lại nó nữa!

e. Kiên trì với quỹ "giảm nợ" của bạn cho đến khi danh sách kia đã được gạch hết.

Công việc này có thể mất đến vài tháng, thậm chí vài năm.

Chìa khóa của công việc này là ở chỗ bạn sẽ tránh được việc làm phát sinh những khoản nợ mới và cố gắng kiếm thêm tiền để thanh toán nợ nhanh hơn. Điều này không có nghĩa là bạn phải "cách ly" hoàn toàn với tất cả thẻ tín dụng của bạn. Chúng không phải là dịch bệnh nguy hiểm! Trên thực tế, các thẻ tín dụng có thể trở thành một công cụ tài chính cực kì quý báu nếu chúng được sử dụng có trách nhiệm.

3. Mua nhà

Bước tiếp theo cho một danh mục đầu tư hoàn chỉnh là tiết kiệm để trả góp cho một căn nhà. Với việc sở hữu một căn nhà của chính mình, bạn sẽ có thể chuyển những khoản phí phạm trước đây - tiền thuê nhà - sang một khoản đầu tư sinh lời. Đứng trên góc độ đầu tư, đây hoàn toàn là một ý định đầu tư đúng đắn, khi bạn có thể dễ dàng sử dụng ngôi nhà của mình với nhiều mục đích khác nhau, không chỉ thuần túy là nơi bạn ở, hay đơn giản nhất là bán nó đi. Chắc chắn bạn sẽ kiếm về một khoản lợi nhuận nhất định. Như chuyên gia tài chính Suze Orman của Hoa Kì từng thường xuyên nhắc các học trò của mình: Hầu hết các ngôi nhà thường tăng giá 3 - 4% mỗi năm nhưng hiện tại lại được mua với giá thấp hơn 20%.

Ví dụ một ngôi nhà giá 100000 đô có thể tăng thêm 3000 - 4000 đô mỗi năm. Không có hình thức đầu tư nào khác trên thế giới này lại có thể cùng một lúc vừa có tính thực tế, vừa mang lại lợi nhuận tương đối lại vẫn đa dạng hóa sự phân bổ nguồn vốn như vậy.

Tuy nhiên khi sở hữu một ngôi nhà, bạn phải xem xét các chi phí phụ thêm như bảo hiểm, các hóa đơn điện nước, chi phí sửa chữa, thuế nhà đất…

4. Xây dựng quỹ dự trữ khẩn cấp sáu tháng

Một khi bạn đã có trong tay một ngôi nhà, việc xây dựng một quỹ tiền mặt khẩn cấp sáu tháng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để ít nhất bạn có thể trang trải các khoản chi phí cơ bản nhất. Quỹ dự trữ này sẽ giúp bạn đối mặt với bất kì cơn bão bất ngờ nào bao gồm cả việc sửa chữa nhà cửa, thất nghiệp và các hóa đơn chăm sóc sức khỏe. Ở mức thấp nhất, quỹ dự trữ của bạn phải đủ để thanh toán cho tổng chi phí sáu tháng của những khoản sau: phí bảo hiểm, trả góp hay thế chấp (nếu bạn mua nhà theo phương thức này), hóa đơn điện nước, tạp phẩm, các chi phí cố định (như học phí, xăng dầu bảo dưỡng xe…) và số tiền tối thiểu chi trả cho các khoản nợ.

Đầu tư khoản dự trữ tiền mặt khẩn cấp của bạn

Nguyên tắc và mục tiêu đầu tư tối thượng đối với quỹ dự trữ khẩn cấp của bạn là an toàn chứ không phải lợi nhuận! Lựa chọn hàng đầu và đơn giản nhất cho việc đầu tư này là kiếm một tài khoản tiết kiệm. Nếu bạn monng muốn có thêm nguồn thu nhập, có thể xem xét việc xây dựng một danh mục đầu tư vào các chứng chỉ tiền gửi (CD) phân dạng bậc thang.

Xây dựng một danh mục đầu tư bậc thang với quỹ dự trữ tiền mặt khẩn cấp

Giả sử quỹ dự trữ tiền mặt khẩn cấp của bạn là 12000 đô. Bạn có thể đến ngân hàng nơi bạn ở và mở sáu chứng chỉ tiền gửi theo thứ tự sau:
a. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 1 tháng
b. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 2 tháng
c. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 3 tháng
d. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 4 tháng
e. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 5 tháng
f. Chứng chỉ 2000 đô kì hạn 6 tháng

Cho đến khi mỗi chứng chỉ đáo hạn, tiếp tục quay vòng nó cho một chứng chỉ mới kì hạn sáu tháng. Theo trật tự này, bạn sẽ sớm sở hữu sáu chứng chỉ tiền gửi kì hạn sáu tháng riêng biệt. Mỗi tháng sẽ có một chứng chỉ đáo hạn. Kĩ thuật này cho phép bạn thu về khoản lãi suất cao hơn nhiều so với việc đầu tư vào các chứng chỉ có kì hạn dài hơn.

5. Theo đuổi các cơ hội đầu tư khác

Nếu bạn làm theo các bước trên của việc xây dựng một danh mục tài chính hoàn chỉnh, bây giờ bạn đã xóa sổ mọi nợ nần, sở hữu một ngôi nhà, và có một quỹ khẩn cấp sáu tháng không chỉ thuần túy là một khoản dự phòng. Bây giờ là lúc bạn để mắt theo dõi những cơ hội đầu tư mới bằng việc mở một tài khoản đầu tư với nhà môi giới bạn chọn.

Các hình thức đầu tư

Một tài khoản ở công ty môi giới cho phép bạn đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, các chứng chỉ tiền gửi, bất động sản (thông qua các Quỹ tín thác đầu tư bất động sản - REIT), các tài sản có giá trị như vàng bạc và nhiều thứ khác nữa.

Lựa chọn nhà môi giới nào phần lớn là câu hỏi bạn phải tự trả lời về cái bạn muốn là gì: Bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ với một người mà bạn có thể gọi bất kì lúc nào (ví dụ một nhà môi giới truyền thống…), hay bạn muốn đặt hầu hết các giao dịch của mình lên mạng với một nhà môi giới bạn không quen biết (ví dụ một nhà môi giới bán phần - hoạt động chủ yếu qua mạng)…Lợi ích hàng đầu của hình thức môi giới bán phần chính là chi phí giao dịch thấp đáng kể. Rất nhiều các công ty chứng khoán, như Merrill Lynch, cung cấp dịch vụ cho cả hai hình thức và cho phép khách hàng lựa chọn hình thức họ ưa thích khi họ mở tài khoản.

6. Đầu tư vào chính bạn

Nếu bạn đang nghĩ đến việc bắt đầu một công việc kinh doanh, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp của mình, hay khiến mình trở nên nổi bật trong mắt sếp, hãy xem xét việc đầu tư vào chính mình thông qua việc dành thời gian, công sức và tiền bạc vào các khóa đào tạo huấn luyện. Rất nhiều các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục khác liên tục đưa ra những chương trình đào tạo chuyên nghiệp như chứng chỉ về phân tích tài chính, kế toán, quản lý danh mục đầu tư, quản lý tài chính, marketing, quản lý bất động sản, đồ họa hay đơn giản là các khóa học ngoại ngữ.

Nên bắt đầu như thế nào? Đây là câu hỏi được rất nhiều người muốn tham gia đầu tư chứng khoán thường đặt ra. Và câu trả lời gần như luôn bất biến: Tham gia các khóa học tài chính và kế toán cơ bản.

Mặc dù học phí các khóa học này không phải là quá cao song cũng không phải luôn sẵn có với nhiều người, kiến thức bạn đạt được sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể trong thu nhập tương lai của bạn nếu bạn biết sử dụng những kiến thức đó một cách không ngoan. Bản thân đây cũng chính là một khoản đầu tư, mà thậm chí còn là khoản đầu tư sinh lời cao nhất.

7. Tiết kiệm cho việc học hành của con cái

Rất nhiều chuyên gia tài chính cuối cùng cũng tiết lộ những bí mật của mình: Bạn không có nghĩa vụ phải đưa con bạn đi học và cuối cùng là ra trường. Hiển nhiên hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn thế hệ tiếp nối của mình có được cuộc sống tốt nhất nhưng cũng có những lí lẽ rất thuyết phục cho rằng thực tế bạn sẽ làm được cho lũ trẻ nhiều điều tốt hơn nếu bạn yêu cầu chúng phải tự lo học phí cho mình. Sau đó hãy chờ đến lúc chúng đã tốt nghiệp. Đánh giá một cách khách quan kết quả học tập của chúng, những động lực của nghề nghiệp mà chúng chọn và những đặc trưng chất lượng khác. Nếu bạn thích những gì bạn vừa nhìn thấy, hãy đề nghị thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền học phí mà lũ trẻ đã tự chi trả. Bằng cách này, nếu thằng bé con bạn mất đến 7 năm mới có thể tốt nghiệp vì nó sử dụng hầu hết thời gian vào các bữa tiệc vô bổ thì bây giờ nó sẽ phải ngậm ngùi trong khi bạn hoàn toàn được phép vui sướng với chiếc xe Mercedes mới của bạn.

Bất chấp bạn có đồng ý hay không với ý kiến này, việc bạn để dành tiền cho sau này khi bạn đã nghỉ hưu chứ không phải lập quỹ cho việc học hành của con bạn là điều hết sức quan trọng.

Nếu bạn thiếu tiền khi con bạn bước vào trường đại học, bên cạnh các loại học bổng, trợ cấp hay hỗ trợ của nhà nước, còn có vô vàn các khoản vay lãi suất thấp rất được ưa chuộng để bạn lựa chọn. Thế nhưng nếu bạn bước vào thời kì xế chiều của mình với không một xu dính túi, sẽ chẳng có ai ở đó chu cấp cho bạn.

8. Giữ vững quan điểm

Chúc mừng! Công việc khó khăn nhất đã hoàn thành - bạn đã đặt được nền tảng đầu tiên. Chìa khóa để đi đến thành công là có những quyết định thông minh và gắn liền với những yếu tố cơ bản của danh mục tài chính hoàn chỉnh mà bạn vừa thiết lập. Làm giàu chẳng có gì là kì diệu. Điều đó hoàn toàn có thể đạt được thông qua những lựa chọn nho nhỏ nhưng có kỉ luật. Xin trích lời từ Người giàu nhất Babylon, bạn phải luôn mở rộng tâm hồn mình với những mục tiêu lớn hơn để "bảo vệ những mong ước thật sự của mình khỏi những khao khát tầm thường".

Nguồn tin ĐTCK (Theo Beginnersinvest)