30.11.06

NGAN HANG

Sẽ tái cơ cấu hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại
Dự kiến trong năm nay Chính phủ sẽ ban hành một nghị định quan trọng, theo đó, hội đồng quản trị của các ngân hàng thương mại sẽ phải cơ cấu lại để hợp với chuẩn quốc tế.
Nội dung của nghị định này (về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại) đang được giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng và tổ chức lấy ý kiến đóng góp.
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo lần hai, trong đó một số quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại sẽ có những điều chỉnh, bổ sung so với quy định hiện hành, đặc biệt là về cơ cấu hội đồng quản trị.
Ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), thành viên của Ban soạn thảo, cho biết những điểm mới trên được tiếp thu từ các nguyên tắc quản trị ngân hàng lành mạnh của Ủy ban Basel, các nguyên tắc về quản trị ngân hàng của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và các nguyên tắc cơ bản của Ủy ban Basel. *
Cụ thể, trên cơ sở áp dụng nguyên tắc cơ bản của Ủy ban Basel, dự thảo nghị định đưa ra yêu cầu trong hội đồng quản trị của các ngân hàng thương mại sẽ phải có tối thiểu 1/2 tổng số thành viên là thành viên không điều hành, trong đó ít nhất 2 người là thành viên độc lập (hội đồng quản trị phải có ít nhất là 3 thành viên và nhiều nhất là 11 thành viên).
Điểm mấu chốt nằm trong quy định trên. Đó là lần đầu tiên khái niệm “thành viên không điều hành” và “thành viên độc lập” được đưa vào trong cơ cấu hội đồng quản trị. Điểm mới này sẽ buộc các ngân hàng phải xem xét lại để điều chỉnh nhân sự cho phù hợp.
Thành viên không điều hành được hiểu là thành viên không đồng thời nắm giữ bất kỳ một chức danh nào khác tại ngân hàng với nhiệm vụ quyền hạn nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị.
Thành viên độc lập là thành viên có khả năng đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực sau khi xem xét tất cả các thông tin và các quan điểm có liên quan mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ thế lực nào.
Vì tính chất quan trọng của vị trí các thành viên bổ sung này, đặc biệt là thành viên độc lập, dự thảo nghị định đưa ra một số quy định khá chặt chẽ trong việc bầu chọn các ứng viên.
Cụ thể, các đối tượng được ngân hàng tuyển dụng vào thời điểm hiện tại hoặc bất cứ thời gian nào trong vòng 3 nằm liên trước đó sẽ không được đảm nhận vị trí thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Vị trí này cũng loại trừ đối tượng đang được hưởng bất kỳ khoản lương, phụ cấp nào của ngân hàng ngoài những khoản được hưởng theo tiêu chuẩn thành viên hội đồng quản trị.
Thành viên độc lập cũng không được có bất kỳ người thân nào (bố, mẹ, anh, em ruột…) làm việc tại ngân hàng, kể cả tại các công ty con trực thuộc; không có người liên quan đang là quản lý ngân hàng hoặc các công ty con trực thuộc.
Trường hợp đối tượng đó là trực tiếp hoặc đại diện sở hữu từ 1% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng trở lên cũng bị loại trừ…
Theo ông Dũng, việc bổ sung này cùng với những điều kiện đi kèm là nhằm mục đích minh bạch và lành mạnh hóa trong hoạt động quản trị ngân hàng, tránh những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, không vì lợi ích của cộng đồng và ngân hàng.
Bản giải trình của Ban soạn thảo dự thảo nghị định cũng nêu rõ mục đích của việc bổ sung trên nhằm “tăng tính trách nhiệm trong quá trình ra quyết định; giảm khả năng xung đột lợi ích giữa việc ra quyết định và việc điều hành công việc hàng ngày của ngân hàng và đặc biệt là để tạo sự kiểm tra và cân bằng quyền lực, đảm bảo ngân hàng hoạt động lành mạnh, đảm bảo các quyết định của hội đồng quản trị là khách quan, vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng”.
Ông Dũng khẳng định thêm: “Việc bổ sung những thành viên nói trên cũng như những quy định đi kèm là một đổi mới, một điểm nổi bật. Điều đó sẽ giúp hội đồng quản trị hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn và phù với thông lệ quốc tế”.
* Ủy ban Basel về giám sát nghiệp vụ ngân hàng là một ủy ban bao gồm các chuyên gia giám sát hoạt động ngân hàng được thành lập bởi một số thống đốc ngân hàng trung ương vào năm 1975. Ủy ban này bao gồm đại diện cao cấp của các cơ quan giám sát nghiệp vụ ngân hàng tại 10 quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Canada, Thụy Điển và Bỉ.