14.12.08

Vì sao Vietinbank chọn tháng 12-2008 để IPO?

Từ góc độ ngân hàng có thể thấy hy vọng vào sự thành công của đợt IPO là khá lớn khi Vietinbank đưa ra giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm của Vietcombank.

Với mức xuất phát điểm được Vietinbank nhận định là hợp lý đó, cán bộ công nhân viên ngân hàng, theo quy định của Nhà nước, sẽ có cơ hội sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp với giá bằng 60% giá đấu thành công. Đây sẽ là một động lực đáng kể giúp Vietinbank củng cố, phát triển nguồn nhân lực ngân hàng.

Năm ngoái, sau khi cổ phần hóa, người lao động ở Bảo Việt, Vietcombank cũng đã được mua cổ phiếu ưu đãi, giảm 40% so với giá đấu bình quân. Tuy nhiên, sự trượt dốc của thị trường chứng khoán đã biến các cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu “ngược đãi”.

Ở Bảo Việt và Vietcombank người lao động mua cổ phiếu ưu đãi với giá tương ứng khoảng 43.200 đồng (giá đấu bình quân 72.000 đồng/cổ phiếu) và 64.200 đồng (giá đấu bình quân 107.000 đồng/cổ phiếu).

Hiện nay giá giao dịch của Bảo Việt trên thị trường OTC chừng 20.000-21.000 đồng/cổ phiếu, của Vietcombank 32.000-33.000 đồng/cổ phiếu. Nghĩa là cổ phiếu ưu đãi cũng “bay hơi” 50% giá trị.

Nhìn từ bình diện quốc gia, việc tiến hành IPO Vietinbank lúc này là thể hiện quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh như đã cam kết khi đàm phán gia nhập WTO.

Đồng thời việc IPO Vietinbank cũng là một minh chứng cho thấy Việt Nam tiếp tục lộ trình mở cửa thị trường tài chính. Điều đó quan trọng hơn nhiều việc IPO Vietinbank giá thấp hay cao.

Nó phát đi thông điệp ngay cả trong những thời điểm cam go của thị trường vốn, Việt Nam vẫn không ngừng cải cách khu vực kinh tế nhà nước, nhất là khối ngân hàng.

Ngoài ra IPO Vietinbank cũng hé mở sự hiện diện của những quan điểm khác nhau xung quanh việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Việc chưa thay đổi phương thức cổ phần hóa đã từng tiến hành với những doanh nghiệp tầm cỡ đi trước là biểu hiện vẫn còn đâu đó các ý kiến về thất thoát tài sản nhà nước. Song, trong lòng phương thức đó đã manh nha những mầm mống tiến bộ khi đưa ra một mức giá khởi điểm đấu giá sát hơn với tình hình thực tế.

Hai năm qua cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn đã đi được một chặng đường, thành công có, tồn tại có. IPO Vietinbank là sự tiếp nối chặng đường đã đi với chặng đường còn lại còn nhiều chông gai trước khi cải cách doanh nghiệp quốc doanh hoàn tất.

Dù thành công ở mức độ nào, kết quả IPO Vietinbank sẽ nhắc nhở Nhà nước cần cân nhắc lại cơ chế cổ phần hóa những tổng công ty, tập đoàn với việc xác định giá trị doanh nghiệp một cách tin cậy, xác đáng hơn.

Những phương cách định giá doanh nghiệp khác nhau sẽ đưa đến những mức giá cổ phiếu khác nhau, tác động không nhỏ đến quá trình phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung.

Trong các cuộc hội thảo gần đây, các nhà tài chính quốc tế đã không ít lần đề cập đến một cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp một cách công khai minh bạch. Đó là cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Đấu giá một khối lượng cổ phiếu hạn hẹp trong khi đã giữ nguyên giá trị doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, rồi lấy giá đấu thành công để áp giá thương lượng với đối tác chiến lược, e rằng không còn thích hợp trong bối cảnh hiện nay.

Vì sao không thể tiến hành một quy trình đơn giản và minh bạch hơn như công bố thông tin IPO doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức tham gia và bỏ giá mua cổ phần doanh nghiệp đó như đấu thầu?

Theo Hải Lý
TBKTSG

No comments:

Post a Comment