Suy thoái kinh tế và "nỗi nhớ" Keynes
Hàng loạt các gói giải cứu hàng trăm tỷ USD trên khắp các nước trên thế giới khiến các nhà kinh tế học và những người hoạch định chính sách vĩ mô hướng về John Maynard Keynes
Nước Mỹ đã suy thoái từ tháng 12/2007. Số người mất việc làm tháng 11/2008 lên tới 533.000 người, cao nhất trong 34 năm qua.
Tổng thống mới đắc cử Barack Obama được kỳ vọng sẽ là cứu tinh cho nền kinh tế Mỹ, như Tổng thống Roosevelt trong cuộc Đại suy thoái 1929-33.
Còn các nhà kinh tế học và những người hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô lại hướng về một con người vĩ đại của thế kỉ trước: John Maynard Keynes khi hàng loạt các gói giải cứu được đưa ra tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới - Suy thoái kinh tế cần phải có sự can thiệp của Chính phủ.
Ủng hộ
"Chúng ta đã bước vào một giai đoạn quan trọng", Keynes viết hồi tháng 3/1933.
"Chúng ta có thể thấy rõ ràng cái đích nguy hiểm của con đường chúng ta đang đi. Nếu chính phủ không hành động, chúng ta sẽ thấy sự sụp đổ của cơ cấu hợp đồng hiện có và các công cụ nợ, cùng với sự mất lòng tin hoàn toàn vào hệ thống tài chính và Chính phủ. Chúng ta sẽ không thể dự đoán được hậu quả cuối cùng".
Keynes viết những dòng đó trong bối cảnh của sự sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929 và khủng hoảng ngân hàng năm 1931 nhưng tính thời sự vẫn còn đúng với những gì chúng ta đang phải đối mặt ngày hôm nay.
Tư tưởng kinh tế của Keynes được phản ánh đầy đủ nhất trong tác phẩm xuất bản năm 1936 của ông mang tên: "Lý thuyết chung về Lao động, Lãi suất và Tiền tệ". Triết lý của ông rất đơn giản: các suy thoái kinh tế không cần thiết phải tự điều chỉnh.
Trước đó, các nhà kinh tế cổ điển cho rằng không thể tránh được các chu kỳ kinh tế với các đỉnh và đáy của nó.
Theo Keynes, trong những trường hợp cụ thể, các nền kinh tế có thể rơi vào vòng luẩn quẩn.
Ví dụ, nếu một số cá nhân và doanh nghiệp muốn tiết kiệm nhiều hơn, họ sẽ làm thu nhập của những cá nhân và doanh nghiệp khác giảm xuống, cuối cùng sẽ làm giảm chi tiêu của chính họ.
Kết quả là cả nền kinh tế sẽ đi xuống và không thể đi lên nếu thiếu một sự can thiệp từ bên ngoài. Đó chính là lúc cần đến chính phủ: đổ tiền vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công để kích thích các cá nhân và doanh nghiệp tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Giá tài sản được Keynes đặt làm trung tâm của việc quyết định việc làm trong cuốn sách của ông năm 1936. Nếu tâm lý nhà đầu tư thay đổi kéo theo việc định giá thấp đi các tài sản doanh nghiệp (cùng với giá cổ phiếu và giá bất động sản), đầu tư vào các doanh nghiệp giảm xuống dẫn đến cắt giảm nhân công và thất nghiệp tăng lên - ở hầu hết những ngành công nghiệp sản xuất cần nhiều vốn.
Hay phê phán Keynes?
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy.
Theo Edmund Phelps, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2006, Keynes đã mắc sai lầm khi không phân biệt sự rớt giá tài sản bắt nguồn từ những nguyên nhân tiền tệ (ví dụ, tăng cầu tiền) và những nguyên nhân phi tiền tệ (ví dụ, các kỳ vọng về lợi nhuận tương lai của tài sản giảm xuống).
Hiện tượng thứ nhất có thể được giải quyết bởi các biện pháp tiền tệ: ngân hàng trung ương có thể tăng cung tiền (ví dụ mua những món nợ công), làm tăng giá tài sản lên mà không ảnh hưởng tới giá tài sản khác và lương nhân công.
Cũng theo Phelps, vụ sụp đổ đầu cơ giá bất động sản gần đây không phải là một hiện tượng tiền tệ: đã có sự liên quan giữa việc rớt giá của (một rổ) bất động sản và (một rổ) hàng hoá tiêu dùng.
Theo Keynes, tăng cung tiền có thể là giải pháp trong trường hợp này: người lao động không nhận thức rằng tiền lương của các công việc tương đương ở nơi khác đã cao bằng mức lương họ đang có, vì thế họ sẽ không dám đòi hỏi mức lương thực tế cao như trước đây, do đó các doanh nghiệp có thể thuê nhiều lao động hơn và thất nghiệp sẽ giảm đi.
Nhưng để duy trì được điều đó cần đến duy trì tỷ lệ tăng lương cao hơn mức kỳ vọng - một chính sách không hấp dẫn chút nào.
Keynes tin rằng cầu tiêu dùng cũng ảnh hưởng tới việc làm. Cầu tăng lên sẽ khuyến khích các công ty tăng sản lượng và thuê thêm nhân công. Nhưng trong nền kinh tế mở, những kích thích này sẽ tìm ra nước ngoài.
Trong nền kinh tế toàn cầu, cầu tiêu dùng tăng lên cuối cùng sẽ chỉ làm cho lãi suất tăng lên, do đó bù đắp cho sự giảm giá thực tế của tài sản, đầu tư và tiền lương thực tế.
Keynes nhấn mạnh đến tác dụng của đầu tư trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo đó, đầu tư tư nhân được kích thích thông qua các ưu đãi tín dụng thuế đầu tư hoặc trợ cấp cho doanh nghiệp mới hoặc thuê nhân công mới. Keynes ủng hộ đầu tư bởi nhà nước hoặc các công ty nhà nước.
Tuy nhiên, theo Phelps, câu chuyện không đơn giản như vậy. Cần phải xem xét việc chuyển đổi từ đầu tư tư nhân sang đầu tư nhà nước có làm hỏng khái niệm, sự phát triển và ứng dụng các ý tưởng thương mại mới hay không.
Chủ nghĩa tư bản nhấn mạnh đến sự đa dạng của các nguồn ý tưởng thương mại mới, các nguồn tài chính - kể cả nguồn vốn đầu tư mạo hiểm – và của cả những người tiêu dùng cuối cùng.
Chủ nghĩa tư bản cũng đề cao tầm quan trọng của việc những người sở hữu nguồn vốn và doanh nghiệp cần phải được độc lập - tự do sử dụng trực giác của mình – trái ngược với những quy định tương đối khắt khe của các doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, sự hiện diện quá nhiều của chính quyền trung ương trong lĩnh vực đầu tư ở Mỹ sẽ làm hạn chế sự đổi mới và làm giảm chất lượng các cải cách.
John Maynard Keynes (1883 – 1948) – là một trong 100 người được Time bầu chọn là những người làm nên thế kỷ 20. Keynes đã đi ngược lại quan điểm của các nhà kinh tế học cổ điển trước đó khi cho rằng trường không hoàn hảo. Lượng cung hàng hoá là do lượng cầu quyết định. Do đó vào thời kỳ suy thoái kinh tế, nếu tăng lượng cầu đầu tư hàng hoá công cộng (tăng chi tiêu của Chính phủ) thì sản xuất và việc làm cũng tăng theo, nhờ đó giúp cho nền kinh tế ra khỏi thời kỳ suy thoái, Keynes đã đưa ra nguyên lý về cung, cầu tiền tệ và mối quan hệ mật thiết với lãi suất. Ông cho rằng, kỳ vọng về giảm tiền công và giá cả trong thời kỳ khủng hoảng càng làm cho nền kinh tế lún sâu hơn. Các quy định lãi suất, nhất là trong ngắn hạn, chính là cung và cầu về tiền. Lãi suất ko nên xuống thấp một mức nào đó, và có thể đạt được mức cân bằng ngay cả khi có thất nghiệp. Thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng càng làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Ông đưa ra mô hình tổng cầu, Y = C + I + G + NX. Trong đó, Y là tổng lượng cầu của sản phẩm của một nền kinh tế, C là chi tiêu tiêu dùng - tức là tổng cầu về hàng tiêu dùng và dịch vụ; I là chi tiêu đầu tư, G là chi tiêu của chính phủ và NX là xuất khẩu ròng. Qua đó, ông đề cao vai trò của Chính phủ trong việc kích cầu trong thời kỳ suy thoái. |
Nguyễn Long
No comments:
Post a Comment