Năm bất ổn của tỷ giá
Năm 2008 được giới phân tích tài chính coi là "năm bất ổn của tỷ giá" và không ít người cho rằng điều tệ hại này sẽ còn kéo dài sang năm tới.
Bởi vậy, dự báo chính xác và kịp thời của các cơ quan quản lý về sự chu chuyển các dòng ngoại tệ trên thị trường là những thông tin đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Một năm qua, thị trường tỷ giá biến động rất phức tạp. Nếu quý 1/2008, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD giảm từ mức 16.112 VND/USD xuống còn 15.960 đồng, thì trên thị trường tự do, mức giá lúc đó chỉ còn 15.700 - 15.800 VND/USD.
Nhưng đến quý 2, tỷ giá đã có lúc lên tới 19.500 VND/USD (ngày 18/6/2008, cao hơn 2.600 đồng so với mức giá trần); còn trên thị trường tự do tỷ giá này cao hơn khoảng 100-150 đồng.
Một năm đầy sóng gió
Mặc dù phản ứng còn chậm nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có sự can thiệp cần thiết, đẩy tỷ giá giảm mạnh xuống mức 16.400 VND/USD và đến hết quý 3/2008, tỷ giá vẫn "loanh quanh" ở mức này.
Thế nhưng, từ tháng 9 trở lại nay, tỷ giá VND/USD liên tục tăng cao lên mức cao nhất là 16.998 VND/USD. Dù Ngân hàng Nhà nước kịp "nới" biên độ tỷ giá và can thiệp bán ra nhưng hiện tại, vẫn giao dịch theo mức giá trên 16.985 VND/USD. Còn trên thị trường tự do, tỷ giá đã thiết lập trên mốc 17.000 VND/USD từ khá lâu.
Giải thích sự biến động này, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nếu như trong quý 1/2008, tỷ giá giảm là do lượng kiều hối dồn về nhiều từ cuối 2007 đến tháng 2/2008, áp lực từ việc nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu Chính phủ khoảng 1,4 tỷ USD, doanh nghiệp xuất khẩu vay USD chuyển đổi ra VND sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại bán USD để trạng thái đoản, thì đến quý 2, tỷ giá tăng là hệ quả của nhiều yếu tố khác.
Trước hết, thâm hụt cán cân thương mại lớn (7,22 tỷ USD trong 3 tháng từ tháng 4 - 6); nhu cầu mua ngoại tệ trả các khoản nợ của cả doanh nghiệp xuất và nhập khẩu đến hạn cao; tăng nhập khẩu vàng do chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Tiếp theo, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút vốn khỏi Việt Nam bằng việc bán trái phiếu Chính phủ ròng chuyển ngoại tệ về nước. Thống kê của Tổ nghiên cứu của BIDV cho thấy, chỉ trong tháng 9 và 11/2008, khối đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,7 tỷ USD trái phiếu Chính phủ và 100 triệu USD cổ phiếu các loại.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua USD của các ngân hàng nước ngoài vẫn cao, ước khoảng 40 triệu USD/ngày.
Ngoài ra, do tâm lý bất ổn của cả doanh nghiệp và người dân khi tỷ giá tăng nhanh dẫn tới hiện tượng găm giữ ngoại tệ. Mặt khác, một lý do khiến cung ngoại tệ thấp là Ngân hàng Nhà nước ban hành QĐ 09/2008/QĐ, không cho phép vay để chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu và vay thực hiện dự án sản xuất xuất khẩu, giảm hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ bán lại trên thị trường.
Thêm vào đó, thâm hụt thương mại có dấu hiệu tăng trở lại. Chỉ trong 2 tháng 10 và 11/2008, thâm hụt thương mại lên tới 1,17 tỷ USD. Ngoài ra, một áp lực nữa làm cho cầu USD tăng là do Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng, khiến vàng nhập lậu ngay lập tức tăng lên, làm tăng cầu USD do USD là đồng tiền chính để thanh toán giao dịch vàng.
Ba kịch bản về tỷ giá VND/USD
Trước tình hình này, một câu hỏi đặt ra: liệu sự bất ổn này có tiếp tục kéo dài sang 2009 và ứng xử của cơ quan điều hành phải như thế nào?
Ngày 8/12/2008, Tổ nghiên cứu của BIDV đã công bố bản báo cáo về những kịch bản của thị trường tỷ giá trong 2009:
Kịch bản 1: cán cân thanh toán "âm" 4,5 tỷ USD, do: thâm hụt thương mại "âm" 19 tỷ USD, FII "chảy" ra 1,5 tỷ USD nhưng cán cân vốn chỉ "dương" 16 tỷ USD (FDI: 10 tỷ, kiều hối: 4,5 tỷ, ODA: 1,5 tỷ).
Kịch bản 2: cán cân thanh toán "âm" 7 tỷ USD, cụ thể: thâm hụt thương mại "âm" 21 tỷ USD, FII "ra" 1,5 tỷ USD so với cán cân vốn "dương" 15,5 tỷ USD (FDI: 10 tỷ, kiều hối: 4 tỷ, ODA: 1,5 tỷ).
Kịch bản 3, có phần tồi tệ hơn, cán cân thanh toán "âm" 9 tỷ USD, do: thâm hụt thương mại "âm" 23 tỷ USD, dòng vốn FII chảy ra 1,5 tỷ USD, còn cán cân vốn "dương" 15,5 tỷ USD tương tự như kịch bản 2.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phương, Giám đốc Đầu tư BIDV, thành viên Tổ nghiên cứu này thì kịch bản 2 là có nhiều khả năng xảy ra hơn trong điều kiện như hiện nay.
Theo đó, trong năm 2009, VND sẽ mất giá khoảng 3,5 - 5% so với USD, tỷ giá VND/USD sẽ tăng dần và đạt mức đỉnh 18.000 - 18.200 VND/USD cuối quý 2/2009 và giảm dần về mức 17.600 - 17.800 vào cuối năm.
Ứng xử như thế nào?
Giả sử, dự báo trên là sự thật thì cơ quan điều hành phải ứng xử như thế nào?
Tổ nghiên cứu BIDV đưa ra các nhóm giải pháp để bình ổn thị trường tỷ giá.
Thứ nhất, Bộ Công Thương phải là đầu mối trong việc rà soát danh mục hàng hóa nhập khẩu, theo hướng ưu tiên cho sản xuất, đầu tư và hạn chế thấp nhất nhập khẩu hàng xa xỉ; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hướng vào những thị trường tiềm năng.
Thứ hai, đối với quản lý dự trữ quốc gia, phải tập trung quản lý về một mối là Ngân hàng Nhà nước, thực hiện cơ chế Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu dầu thô, tạo điều kiện cho cơ quan này chủ động điều hành, can thiệp thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Yêu cầu các bộ, ngành liên quan cung cấp các thông tin kịp thời có liên quan đến cung cầu ngoại tệ. Đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp, nếu tỷ giá biến động quá mạnh cho phép thực hiện biện pháp kết hối nguồn thu ngoại tệ của các doanh nghiệp, với cam kết sẽ bán lại số ngoại tệ tương ứng khi doanh nghiệp có nhu cầu (số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tại hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 14 tỷ USD).
Thứ ba, đối với chính sách quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá và dự trữ ngoại hối điều hành linh hoạt để bình ổn tỷ giá, theo hướng xác định biên độ tỷ giá mục tiêu, đồng thời xác định rõ các biện pháp can thiệp khi tỷ giá vượt quá giới hạn biên độ cho phép.
Các chính sách về tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cần rõ ràng, công khai và thông báo trước tới các đối tượng có liên quan để thống nhất và chủ động thực hiện.
No comments:
Post a Comment