Không nên bán chứng khoán ra lúc này
| |||||
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital, đã có cuộc trao đổi với báo giới về những hiện tượng kể trên.
Một vài quỹ lên kế hoạch ra quỹ mới vài tháng tới, ông nhìn nhận như thế nào?
Chúc may mắn. Từ ba đến sáu tháng gần đây, tôi đi nước ngoài cũng nhiều và thấy các nhà đầu tư tài chính nước ngoài gần như bị “liệt” rồi. Cho nên có khi họ có thời gian để nghe về Việt Nam, nhưng họ đang gặp khó khăn.
Như vụ Bernald L. Madoff lừa 50 tỷ USD, khiến HSBC mất 1 tỷ USD, đạo diễn Steven Spielberg mất vài chục triệu USD… Những chuyện như thế mà bung ra hàng ngày, thì dù người ta muốn đầu tư vào Việt Nam cũng là một quyết định khó.
Có tin rằng Dragon Capital liên tục bán trái phiếu lấy tiền mặt. Việc đó có tiếp tục nữa không?
Tin đó không chính xác. Dragon có một quỹ đầu tư trái phiếu lập gần một năm nay, có lúc bán ra, lúc mua vào. Người bán ra trái phiếu gần đây là các ngân hàng Việt Nam.
Tôi nghĩ người thắng trái phiếu năm nay là những ngân hàng đã mua trái phiếu từ tháng 5 - 6 lúc mà nhà đầu tư nước ngoài bán với lãi suất mười mấy - hai chục phần trăm. Cuối năm lãi suất xuống dưới mười phần trăm, họ bán ra lấy lợi nhuận có thể là động cơ chính, hoặc có thể bán ra mua lại.
Cá nhân tôi mới cách đây một tháng đầu tư lớn vào trái phiếu. Trái phiếu thú vị hơn cổ phiếu. Rủi ro có thể cân đối khoa học hơn, thu nhập không lớn nhất mà ổn định.
Nhà đầu tư nước ngoài gần đây liên tục bán ra cổ phiếu. Dragon Capital có nằm trong xu hướng đó không?
Phải nói là hầu như các nhà đầu tư nước ngoài đều là những người không có bán ra đủ và đúng thời điểm.
Về mặt chuyên môn, VN-Index 1.100 đúng ra phải bán ra cực kỳ nhiều, vậy mà họ không bán ra nhiều, thậm chí mua vào. Còn VN-Index 300, nói bán ra cũng không nên, mà có khi cân nhắc mua vào. Mình luôn tránh việc mua cao bán thấp.
Khi thị trường xuống mình nắm được cơ cấu danh mục, nắm được công ty mình tham gia, cố gắng tránh rủi ro bằng việc bán những khoản đầu tư thấy có vấn đề, đặc biệt không phải về lợi nhuận mà về quản trị. Tôi muốn nói tới những công ty mô hình quản trị không rõ ràng. Sang năm những công ty có mô hình quản trị không phù hợp càng khó khăn hơn.
IFC công bố bán 16 triệu cổ phiếu Sacombank, cũng là cổ đông chiến lược của Sacombank, ông nghĩ gì?
IFC bắt đầu bán ra từ hôm nay (17/12) với hơn 3% khối lượng là khá lớn. Tôi nghĩ IFC là một nhà đầu tư mà nhiệm vụ đầu tư tiên phong trong những nước và ngành mà người khác chưa muốn đầu tư. Hai ngân hàng họ tham gia là ACB và STB giờ thuộc hàng mạnh trên thị trường.
Có thể tiêu chí tham gia không còn phù hợp nên họ rút lui?
Bán ra trong lúc này là nên không? Giá STB hiện là 19.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/12), rồi có thể xuống 16.000 đồng/cổ phiếu, rồi 14.000 đồng/cổ phiếu… Bán ra? Tôi không nghĩ là nên nếu là vốn của tôi.
Vậy sắp tới đợt IPO Vietinbank lớn nhất trong năm, ông có chuẩn bị tiền đầu tư không?
Vietinbank với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu, thì tổng giá trị ngân hàng khoảng 1,7 tỷ USD. Trong khi giá đấu giá lúc trước của Vietcombank gần 9 tỷ USD. Giá trị doanh nghiệp của Vietcombank bây giờ cỡ 2 tỷ USD. Vì vậy, thời điểm này giá Vietinbank đưa ra cũng phù hợp.
Vietinbank được về mặt giá trị doanh nghiệp, định hướng; nhưng mô hình quản trị chưa chắc được. Người tham gia cổ phần là những người với 4%, trong khi một cổ đông khác chiếm 96%.
Tiếng nói của 4% ở đâu? Doanh nghiệp nhà nước thì có mô hình quản trị của doanh nghiệp nhà nước. Đã là công ty đại chúng thì theo mô hình quản trị của đại chúng. Còn bán 10% cho cổ đông nước ngoài? Không dễ. Vietcombank kiếm mãi mà không thấy. Đa phần các ngân hàng trên thế giới đều bị quốc hữu hoá rồi, không thể đầu tư nhiều.
Ngày đấu giá là ngày Giáng sinh. Dù mê Việt Nam đến mức nào cũng không thể bỏ ngày Giáng sinh được. Tôi đồ chừng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài không nhiều. Tình hình của các tổ chức trên toàn cầu cũng không may mắn lắm, nên sự quan tâm của họ, sự tham gia của họ... đều ở mức tương đối thấp.
Hồng Sương (SGTT)
No comments:
Post a Comment