1.12.08

Nghịch lý suy giảm và con số thống kê

Tình hình kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào? Bên cạnh những ảnh hưởng không tránh khỏi của suy thoái kinh tế toàn cầu, những khó khăn nội tại của nền kinh tế liệu có dẫn đến giảm phát, suy thoái, hay không?

Số liệu thống kê và những câu chuyện mà chúng ta đang nghe hàng ngày đầy mâu thuẫn và chỉ đưa ra một bức tranh không rõ ràng về những rủi ro tiềm ẩn phía trước.

Yên tâm với số liệu?

Về mặt lý thuyết, khi kinh tế toàn cầu suy thoái thì tiêu dùng và đầu tư đều sụt giảm. Hiện nay, những nền kinh tế đầu tàu của thế giới như Mỹ và Nhật đều đã chính thức trong thời kỳ suy thoái.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu xì khói, nhiều nhà máy đóng cửa vì mất đơn đặt hàng. Đây là những câu chuyện được tăng tải hàng ngày và khiến cho các chỉ số chứng khoán mất điểm.
Trong khi đó ở Việt Nam, những số liệu được công bố hiện nay vẫn cho nhiều lý do để lạc quan. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2008 tính đến tháng 11 đã lên tới 59 tỉ USD, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài dự báo rằng khả năng thu hút vốn FDI năm nay có thể đạt 65 tỉ USD. Vốn FDI giải ngân cả năm cũng có thể đạt 11 tỉ USD. Đến tháng 11 vốn giải ngân đã tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả những kỷ lục về FDI này cho thấy có vẻ như môi trường đầu tư Việt Nam gần như miễn nhiễm với tình hình suy thoái trên thế giới.
Nhưng những câu chuyện từ giới kinh doanh thì lại không được vui như số liệu. Một công ty tư vấn luật cho biết khách hàng của công ty, một nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư dự án sản xuất trên 100 triệu USD tại Việt Nam, vừa thông báo phải cắt bỏ dự án.
Công ty luật này cho biết chỉ cách đây mấy tháng, họ còn rất bận rộn tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài có dự án ở Việt Nam, thì nay số lượng công việc đã giảm trên 40%.
Những nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng có dấu hiệu cắt giảm sản lượng. Một số nhà máy của Hàn Quốc đã phải đóng cửa vì xuất khẩu giảm mạnh.
Những dự án đầu tư lớn, trong đó có nhà máy sản xuất điện thoại di động 2 tỉ USD của Samsung tại Việt Nam, cũng phải chậm lại tiến độ đầu tư từ sáu tháng đến một năm...
Một câu chuyện được bàn cãi nhiều nhất là rủi ro của việc thị trường địa ốc sụt giảm và những hệ luỵ tới hệ thống ngân hàng trong nước.
Các câu chuyện lan truyền về khả năng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp địa ốc đều không có gì sáng sủa, tuy nhiên số liệu chính thức lại có phần nào an ủi: Theo ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 9 là 115 ngàn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD), bằng 9,15% tổng dư nợ, và được đánh giá là tương đối an toàn.
Tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến thời điểm này vào khoảng 35 ngàn tỉ đồng (trên 2 tỉ USD), bằng 3,5% tổng dư nợ. Tỷ lệ này cũng được coi là an toàn.

Cần thông tin đầy đủ

Tin vào đâu, con số hay câu chuyện? Khi các số liệu thống kê và câu chuyện thực tế quá xa nhau, thì sự hoài nghi là hết sức cần thiết. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, các số liệu thống kê kinh tế của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách trong thông tin cung cấp, và nhiều khi định nghĩa về số liệu của Việt Nam và quốc tế cũng chưa trùng khớp.
Đơn cử về định nghĩa nợ xấu (non-performing loan), theo một quan chức ngân hàng Nhà nước Việt Nam, định nghĩa quốc tế cho rằng một doanh nghiệp với nhiều khoản vay, trong đó có một khoản quá hạn chưa chi trả được, thì tất cả các khoàn vay của doanh nghiệp này đều bị tính là nợ xấu, trong khi Việt Nam chỉ tính một khoản vay chưa chi trả được là nợ xấu.
Về số liệu FDI, ông Jonathan Pincus, cựu giám đốc UNDP, (hiện là hiệu trưởng chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam) cho rằng phải phân biệt rõ giữa con số cam kết và giải ngân. “Cam kết chỉ là lời hứa, và lời hứa thì đôi khi không được giữ đúng”.
Ông cho rằng khi tính số liệu FDI chỉ nên tính vốn đầu tư, chứ không nên tính vốn vay cho dự án. Ví dụ, một dự án FDI trong đó có 100 triệu USD vốn và 900 triệu USD là vay ngân hàng, thì chỉ nên tính là dự án 100 triệu USD.
Tổng vốn FDI cũng không nên tính bằng giá trị đóng góp của đối tác trong nước. Nếu theo đúng phương pháp đó, thì tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn nhiều con số 65 tỉ USD.
Nhìn chung, khi thiếu số liệu chính xác và khách quan, người ta sẽ đi tìm những nguồn thông tin khác để lấp vào chỗ trống, và những thông tin khác đó thường là lời đồn đại và sai lệch, khiến cho thị trường bất ổn.
Hơn lúc nào hết, các số liệu kinh tế phải được cung cấp đầy đủ, chính xác để Chính phủ cũng như thị trường đối phó kịp thời và khôn ngoan với hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Theo Lan Anh
SGTT

No comments:

Post a Comment