18.8.08

Vị trí của Việt Nam trong khu vực

BBC

Việt Nam đang tự tin hơn trên trường quốc tế

Tạp chí Việt Nam Ngày nay bàn về tầm quan trọng địa chính trị của Việt Nam và tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh cỡ lớn.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong tháng này sẽ có chuyến thăm tới New York nơi ông sẽ cố gắng tìm sự ủng hộ cho tư cách thành viên không chính thức của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Với một nền kinh tế đang tăng trưởng khá, nhiều nhà quan sát đã bắt đầu nói đến khả năng Việt Nam có vai trò lớn hơn trong khu vực.

Xung quanh câu hỏi này, tạp chí đã hỏi Giáo sư Lê Đình Thông chuyên về quan hệ quốc tế ở Đại học Paris X của Pháp.

GS. Lê Đình Thông nhận xét rằng trong một thập niên qua Việt Nam có nhiều tiến bộ về kinh tế, dẫn đến sự nâng cao vị thế chính trị:

"Địa lý chính trị của Việt Nam đã được củng cố rất nhiều. Năm ngoái Indonesia là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Cơ cấu các nước không thường trực phân bố theo địa lý. Năm nay Philippines, nước có dân số đông thứ hai trong Asean, không ứng cử, nên Việt Nam có nhiều hy vọng."

Nhưng ông cũng nói giữa tiềm năng và thực tế của Việt Nam còn khoảng cách.

"Theo tôi, Việt Nam cần tăng cường giải thể các xí nghiệp quốc doanh, nhất là tránh tình trạng cưỡng đoạt của công. Thời gian qua sự phát triển một phần dựa trên việc duy trì các xí nghiệp quốc doanh để đảm bảo ổn định chính trị. Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi vì nó cũng hạn chế sự phát triển."

"Việt Nam cũng phải cải tiến chất lượng quản lý bộ máy nhà nước. Điều này đòi hỏi thông tin minh bạch, để người dân có thể đánh giá khách quan, để biết tiếng nói của họ có được nhà nước lắng nghe hay không."

Cổ phần hóa

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh cỡ lớn để rồi niêm yết các doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán không chỉ thay đổi kích cỡ thị trường mà còn tạo thêm độ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.


Cổ phần hóa và chứng khoán là chủ đề người Việt đang quan tâm

Tuy nhiên đợt cổ phần hóa này cũng được xem là phép thử về tính minh bạch trong quá trình định giá tài sản qui mô lớn và nỗ lực thu hút thêm nguồn vốn trong dân.

2200 doanh nghiệp nhà nước thuộc loại lớn với tổng vốn khoảng 30 tỷ đôla là con số không nhỏ bởi nó chiếm khoảng 1/3 tổng GDP của Việt Nam.

Thời báo kinh tế VN số ra cuối tháng 8 nói rằng theo dự kiến, chính phủ VN sẽ chỉ giữ lại khoảng 550 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trong năm nay sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn với tổng số vốn lên tới 10 tỷ đôla.

Vậy kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn này có ý nghĩa thế nào?

Ông Il Houng Lee Trưởng đại diện IMF tại VIệt Nam nói rằng điểm cần quan tâm là kích cỡ của các công ty sẽ được cổ phần hóa là như thế nào.

Ông nói chẳng hạn nếu người ta cổ phần hóa 70% của 200 doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn thì con số này sẽ rất khác so với việc cổ phần hóa rất nhiều công ty quốc doanh loại trung bình.

Do đó ông nói rằng hiện còn quá sớm để đưa ra đánh giá về qui mô cổ phần hóa các doanh nghiệp loại lớn bởi cho tới nay chưa có chi tiết về kế hoạch cổ phần hóa các công ty dạng này.

Thế nhưng dù tiến độ cổ phần hóa được thực hiện nhanh hay chậm thì đây là hướng đi theo đường mà các tổ chức tài chính quốc tế như IMF hay WB muốn Việt nam thực hiện.

Đó là thoát khỏi nền kinh tế tập trung với khá nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Các chuyên gia tài chính cho quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn trong thời gian tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình qui mô và tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam.

Và những câu hỏi về tính minh bạch trong việc định giá tài sản doanh nghiệp có lẽ là yếu tố đang làm trì hoãn việc cổ phần một số doanh nghiệp mà người ta cho là sẽ làm thay đổi đáng kể xu hướng đầu tư trong thời gian tới.

No comments:

Post a Comment