I. HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC:
1.1. Ban hành văn bản quy phạm phát luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Trong tháng 7/2008, Thống đốc NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau:
- Quyết định số 19/2008/QĐ-NHNN ngày 01/7/2008 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành Ngân hàng (giai đoạn 2008 - 2012);
- Quyết định 20/2008/QĐ-NHNN ngày 04/7/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của NHTMCP của Nhà nước và nhân dân ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc NHNN;
- Quyết định số 1487/QĐ-NHNN ngày 03/7/2008 chỉ định Ngân hàng phục vụ cho khoản tín dụng bổ sung dự án "Khôi phục quốc lộ 1 giai đoạn 3";
- Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 ban hành Quy chế Đại lý đổi ngoại tệ;
- Quyết định số 22/2008/QĐ-NHNN ngày 17/7/2008 v/v sửa đổi Điểm 2 Phụ lục số 3 Quy định về hệ thống mã ngân hàng dùng trong giao dịch thanh toán qua NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-NHNN ngày 18/01/2006 của Thống đốc NHNN;
- Quyết định số 1616/QĐ-NHNN ngày 21/7/2008 chỉ định Ngân hàng phục vụ cho Dự án "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống đất đai Việt Nam";
- Quyết định 1658/QĐ-NHNN ngày 25/7/2008 chỉ định Ngân hàng phục vụ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây";
- Quyết định số 1662/QĐ-NHNN ngày 28/7/2008 hợp nhất NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tây và NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội thành NHNN chi nhánh thành phố Hà Nội kể từ ngày 01/8/2008;
- Quyết định số 1715/QĐ-NHNN ngày 30/7/2008 Chỉ định Ngân hàng phục vụ cho Dự án "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên" ;
- Quyết định số 1727/QĐ-NHNN Ngày 30/7/2008 giữ nguyên các mức lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam.
1.2. Củng cố và phát triển hệ thống ngân hàng thương mại:
- Tính đến cuối tháng 7, NHNN đã: (i) Chấp thuận nguyên tắc thành lập cho 10 Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có sự tham gia góp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước (trong đó đã cấp giấy phép chính thức đi vào hoạt động cho 2 ngân hàng); (ii) chấp thuận về nguyên tắc thành lập 04 trong số 05 Công ty tài chính có vốn góp của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Để có cơ sở tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo, NHNN đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
- Nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thay đổi mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô phát triển, hiệu quả sử dụng vốn và năng lực quản trị, điều hành của các Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã giao các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có NHTMCP đặt trụ sở chính chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ xin tăng vốn điều lệ của các NHTMCP, báo cáo và đề xuất quan điểm cụ thể để xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN trước khi chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ của NHTMCP.
1.3. Triển khai thực hiện trả lương qua tài khoản
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu. Tính đến cuối tháng 6/2008, số đơn vị hưởng lương từ ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 17.925 đơn vị, tăng 227% so với cuối năm 2007, số tài khoản đã trả lương qua thẻ ATM đạt 925.081 tài khoản tăng 107% so với cuối năm 2007. Số lượng máy ATM trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) là 5895 chiếc, tăng 31% so với cuối năm 2007, số lượng điểm đặt máy chấp nhận thẻ (POS) đạt 24.730 máy tăng 12,4% so với cuối năm 2007. Hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh là đơn vị trọng điểm dẫn đầu trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg cũng còn những mặt còn tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, như: Nhận thức về tinh thần của Chỉ thị 20 về đối tượng và lộ trình áp dụng chưa thật chính xác và đầy đủ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chưa chuẩn bị kịp các điều kiện cơ sở hạ tầng, số máy ATM mặc dù đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt được cho các nhu cầu của người sử dụng…
1.4. Thiết lập đường dây nóng
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong thời gian qua, từ ngày 1/7/2008, NHNN đã thiết lập đường dây nóng tại 4 đơn vị thuộc NHNN trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh để nắm bắt, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động ngân hàng của doanh nghiệp, người dân. Sau gần 1 tháng thiết lập, đường dây nóng của NHNN đã tiếp nhận hơn 1.000 thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về những vấn đề liên quan đến hoạt động của các TCTD.
Thông qua việc tiếp nhận các thông tin từ đường dây nóng, Thống đốc NHNN đã yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của các đơn vị trực thuộc; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân sai phạm thuộc thẩm quyền quản lý. Những thông tin phản ánh sai phạm của tổ chức tín dụng đã được NHNN kiểm tra, xử lý kịp thời, trong đó đã yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm điểm, kỷ luật, cách chức một số chức danh lãnh đạo và cán bộ, nhân viên có sai phạm.
II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC
- Ngày 2/7/2008, Ngài Haruhiko Kuroda Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có buổi làm việc với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu. Tại buổi tiếp, Thống đốc NHNN và Chủ tịch Kuroda đã trao đổi về các vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam. Thống đốc NHNN đã thông báo cho Chủ tịch ADB về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng như những kết quả bước đầu Chính phủ Việt Nam đạt được sau khi thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát. Chủ tịch ADB khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào gói tám giải pháp để kiềm chế lạm phát của Chính phủ Việt Nam.
- Ngày 4/7/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô của GTZ, và tổ chức quốc tế về Phát triển năng lực, Đức (InWEnt) đã ký Thỏa thuận hợp tác 3 bên nhằm triển khai Chương trình đào tạo cho cán bộ cấp vụ của NHNN năm 2008 - 2009. Tham dự lễ ký có Phó Thống đốc Nguyễn Toàn Thắng và lãnh đạo một số Vụ, Cục của NHNN. Đây là lần đầu tiên chương trình này được phát triển và triển khai theo mô hình Đào tạo tiểu giáo viên (ToT) với mục đích đảm bảo tính bền vững của chương trình cho NHNN.
- Ngày 10/7/2008, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu và Ngài Alain Barbu Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã ký kết khoản tín dụng với tổng giá trị 60 triệu USD để cải thiện y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
- Ngày 11/7/2008, tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Akihisa Fujinuma, Chủ tịch, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Nomura. Tại buổi tiếp, hai bên đã bàn thảo những nội dung cùng quan tâm và những lĩnh vực mà cả hai bên có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới,….
- Ngày 14/7/2008, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã tiếp Ngài Mat Aron Deraman, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách nhóm Đông Nam Á. Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi với nhau về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, những thành tựu về kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2008 và nguồn tài trợ cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009.
- Ngày 16/7/2008, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã có buổi tiếp xã giao Ngài Andrew (Andy) Poprawa Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm tiền gửi Ontario, Canada (DICO). Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng nhau trao đổi xung quanh hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, nhất là các vấn đề về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của bảo hiểm tiền gửi và việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Ngày 25/7/2008, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Ngài Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đã ký kết các Hiệp định tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá 1,1 triệu USD để giúp Việt Nam chuẩn bị chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ hai và dự án tăng cường kỹ năng nghề.
- Chiều ngày 29/7/2007, tại Hà Nội, được sự uỷ quyền của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã ký kết với Ngài Martin Rama, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Hiệp định Tài trợ của Chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo 7 (PRSC 7) với tổng trị giá khoảng 150 triệu đô-la Mỹ.
III- MỘT SỐ TÌNH HÌNH TIỀN TỆ, TÍN DỤNG TRONG THÁNG 7/2008:
3.1. Lãi suất
Ngoại trừ việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND trong tuần đầu tháng 7/2008 của một vài NHTMCP, thì mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng nhìn chung ổn định và có xu hướng giảm. Một số ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Eximbank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND từ 0,5%-1%/năm, giảm lãi suất cho vay USD từ 0,5%-2%/năm.
3.2. Tỷ giá
Do nguồn cung ngoại tệ trên thị trường đã được cải thiện nên tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 7/2008 tương đối ổn định và có xu hướng giảm nhẹ, từ ngày 16/7/2008, tỷ giá bán ra của các NHTM luôn thấp hơn mức trần cho phép. Ngày 31/7, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 16.495đ/USD giảm 0,12% so với 30/6, tăng 2,38% so với cuối năm 2007. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND biến động tăng, giảm mạnh. Đặc biệt, tại thời điểm ngày 21/7/2008, sau khi Bộ Tài chính công bố giá bán lẻ xăng dầu, tỷ giá mua bán USD/VND trên thị trường tự do tăng lên mức trên 17.000đ/USD chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trước tình hình đó, NHNN đã kịp thời khuyến cáo, ổn định tâm lý thị trường, vì vậy tỷ giá đã giảm trở lại, ngày 30/7 giao dịch ở mức 16.760-16.800đ/USD.
Tỷ giá EUR/VND vẫn theo sát diễn biến của đồng EUR trên thị trường quốc tế. Ngày 31/7, tỷ giá trên thị trường chính thức ở mức 25.884-26.364đ/EUR; tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tỷ giá trên thị trường chính thức.
3.3. Tổng phương tiện thanh toán
Tổng phương tiện thanh toán tháng 7/2008 ước tăng 1,34% so với tháng trước và tăng 5,64% so với cuối năm 2007.
3.4. Huy động vốn
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 7/2008 ước tăng 1,65% so với tháng trước, trong đó, số dư tiền gửi VND ước tăng 0,81% và số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 4,31%. So với cuối năm 2007, tổng số dư tiền gửi ước tăng 9,42%.
3.5. Cho vay
Dư nợ cho vay nền kinh tế tháng 7/2008 ước tăng 0,7% so với tháng trước, trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước tăng 0,59% và dư nợ cho vay bằng ngoại tệ ước tăng 1,07%. So với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 18,36%. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng chủ yếu do các TCTD đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM