7.4.09

Tin ở USD?

Tác giả của bài viết này, phóng viên Michael Schuman của tạp chí Time, cho biết, ông tình cờ có được một ví dụ về sức mạnh của đồng USD trong một chuyến đi tới thủ đô Tashkent của Uzbekistan cách đây nhiều năm.

Trên đường từ sân bay về thành phố, người lái xe taxi đã khẩn khoản đề nghị Schuman đổi cho anh ta một nắm tiền Uzbekistan, đồng Som, sang USD. Khi vào khách sạn, một người khuân vác đồ cũng khoản nài Schuman đổi tiền cho anh ta.

“Chông chênh” USD…

Không chỉ ở Uzbekistan, ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ những cửa hàng lưu niệm ở CHDCND Triều Tiên, tới những buổi chợ phiên ở Ethiopia, trong vòng 6 thập kỷ qua, đồng USD luôn giữ vai trò đồng tiền số 1.

Quan chức các chính phủ cân đong sức khỏe nền kinh tế bằng lượng USD dự trữ trong két của ngân hàng trung ương. Giá cả trên thị trường quốc tế của mọi loại hàng hóa từ dầu lửa, tới hạt ca cao, đều được tính bằng đồng USD. Đồng tiền này cũng là phương tiện trao đổi toàn cầu do tính thanh khoản cao, mức độ sẵn có lớn và việc USD được đảm bảo bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khó mà có thể hình dung thương mại toàn cầu không có đồng USD.

Tuy nhiên, tới lúc này, tình thế có khác đi chút ít. Thế giới đang đối mặt với thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từ những năm 1930 tới nay, mà cuộc suy thoái này lại bắt nguồn từ những sai lầm ở nước Mỹ. Do đó, đã có không ít người lên tiếng kêu gọi thay thế “ngôi vương” của đồng USD.

Cuối tháng 3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể khởi sắc nếu như thế giới sử dụng một “siêu tiền tệ”, thay vì một đồng tiền của một quốc gia cụ thể nào đó - nói cách khác chính là đồng USD. “Sự leo thang của khủng hoảng tài chính cho thấy cái giá phải trả của một hệ thống mà thế giới đã phóng đại những lợi ích của nó”, ông Chu nói.

Cùng với đó, vị Thống đốc này đề xuất đưa quyền rút vốn đặc biệt (SDR) * trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trở thành đồng tiền quốc tế chủ chốt.

Sau đó, một nhóm các nhà kinh tế học của Liên hiệp quốc, đi đầu là người từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz kết luận rằng, một hệ thống tài chính được cải tổ với một đồng tiền quốc tế mới ở vị trí số 1 sẽ đem lại sức mạnh lớn hơn và mức thanh khoản cao hơn cho nền kinh tế thế giới. Stiglitz phát biểu trước báo giới rằng “sự đồng thuận đang gia tăng về những vấn đề trong hệ thống dự trữ bằng đồng USD”. Nhà kinh tế học này cho rằng, hệ thống dự trữ bằng “bạc xanh” là “tương đối dễ biến động, có nguy cơ gây thiểu phát và không ổn định”.

Các nhà phê bình mang quan điểm chỉ trích đồng USD có lý lẽ thuyết phục cho lập luận của họ. Trong vòng 2 thập kỷ qua, sự phụ thuộc của thế giới vào đồng USD chính là trung tâm của những vấn đề nan giải nhất trong nền kinh tế toàn cầu.

Đầu năm 2008, sự suy yếu của đồng tiền này là một trong những nhân tố khiến giá năng lượng, hàng hóa và thực phẩm tăng vọt, gây ra một gánh nặng lớn cho người nghèo. Hệ thống do đồng USD ngự trị cũng cho phép nước Mỹ bán trái phiếu kho bạc với mức lãi suất thấp để có ngân quỹ bù đắp cho thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại của nước này, kéo dài những mất cân đối trong thương mại toàn cầu - một vấn đề được xem là lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện này.

Nhà kinh tế Jun Ma thuộc Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng, một hệ thống như đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên có thể giúp “Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của những rủi ro hệ thống gây ra bởi những vấn đề kinh tế và sai lầm chính sách tại các quốc gia phát hành các đồng tiền dự trữ chính”.

Mặc dù mạnh lên trong thời gian gần đây, nhưng đồng USD vẫn có khả năng suy yếu trở lại so với các đồng tiền mạnh khác của thế giới, làm giảm tính hấp dẫn của “bạc xanh” với tư cách một đồng tiền dự trữ. Niềm tin vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, nói cách khác là niềm tin vào sức mạnh của đồng USD, có thể giảm sút mạnh mẽ do thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức khổng lồ, cũng như hệ thống ngân hàng còn chưa ổn định trở lại, suy thoái còn kéo dài, và chính sách tiền tệ mở rộng của nước này.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới 1.800 tỷ USD, tương đương 13% GDP, trong năm tài khóa này theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, có thể được xem là mức cao nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay.

Việc đồng USD lên giá thời gian gần đây có thể được lý giải bằng xu thế bán ra các tài sản ở thị trường nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ. Do căng thẳng về tiền mặt, các định chế tài chính Mỹ đã đẩy mạnh bán ra các khoản đầu tư ở thị trường ngoài biên giới nước Mỹ và chuyển vốn về nước. Khi quá trình này kết thúc, một nhân tố nâng đỡ chủ chốt cho tỷ giá đồng USD sẽ chấm hết.

Thị trường tiền tệ thời gian qua tỏ ra rất nhạy cảm. Vào cuối tháng 3, khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố, nước Mỹ “thực sự rất cởi mở” trước đề xuất của Trung Quốc về SDP, đồng USD đã mất giá 1,3% giá trị so với Euro chỉ trong vòng 10 phút. Sau đó, khi ông Geithner tuyên bố, nước Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ địa vị của đồng USD, tỷ giá đồng tiền này lại nhanh chóng phục hồi trở lại.

“Khả năng đồng USD bất ngờ sụt giá mạnh là hoàn toàn có thể”, kinh tế giá Jeffrey Frankel của Đại học Harvard nhận xét.

…và những lý do để tin tưởng

Tuy nhiên, cho dù người ta có lo lắng ra sao, vận mệnh của đồng USD chưa hẳn sẽ đi xuống, ít nhất là trước mắt. Những khoản thâm hụt ngân sách quy mô lớn không tự động khiến đồng tiền của một quốc gia nào đó suy yếu.

Đầu thập niên 1980, đồng USD mạnh lên ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Reagan đẩy mạnh hoạt động chi tiêu, do lãi suất USD cao khi đó đã thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, đẩy tỷ giá đồng USD lên. Theo nhà kinh tế Richard Portes thuộc Trường Kinh doanh London, thâm hụt ngân sách “không phải là vấn đề trung tâm trong chuyện tỷ giá đồng USD”.

Đồng “bạc xanh” cũng đã chứng tỏ sự “miễn nhiễm” bất ngờ trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, do các nhà đầu tư tiếp tục xem đồng tiền này là một “vịnh tránh bão” ở những thời điểm xấu. Mặc dù có mất giá đôi chút so với Euro trong thời gian gần đây, tỷ giá USD so với Euro hiện vẫn cao hơn khoảng 15% so với ở thời điểm giữa năm 2008.

Một lý do khiến đồng USD duy trì được sự phổ biến của mình là do hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác tỏ ra không mấy hấp dẫn nếu so với đồng tiền này. Mặc dù kinh tế Mỹ có thể đang ở trong thời kỳ tồi tệ nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, các nền kinh tế công nghiệp phát triển còn lại khác của thế giới cũng chẳng khá khẩm gì hơn.

“Đồng USD lẽ ra phải yếu đi nhiều so với hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, không phải tỷ giá của tất cả các đồng tiền có thể giảm tương đối so với nhau”, ông Nouriel Roubini, Chủ tịch hãng nghiên cứu RGE Monitor có trụ sở ở New York nhận xét.

Việc nhanh chóng thay thế đồng USD ở vị trí đồng tiền số 1 của thế giới cũng là điều khó có thể xảy ra. Thống kê từ IMF cho thấy, tỷ lệ của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu đã đi xuống trong những năm gần đây, nhưng mức độ giảm chỉ là hạn chế. Cuối năm 2008, đồng tiền này chiếm 64% trong dự trữ tiền tệ của thế giới, giảm 67% so với năm 2007. Vẫn còn đó sức hấp dẫn đối với các quốc gia có dự trữ USD khổng lồ như Trung Quốc hay Nhật Bản trong việc tiếp tục đầu tư vào các tài sản định giá bằng đồng tiền này nhằm duy trì giá trị tài sản.

Ngoài ra, việc thay thế đồng USD cũng đòi hỏi một mức độ hợp tác nhất định giữa các cường quốc kinh tế thế giới, mà điều này thì lại khó đạt được. Mặc dù tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại London vừa qua, Trung Quốc và Nga kêu gọi cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu, nhưng hầu như vấn đề này không được đưa ra bàn thảo tại đây.

Các nhà kinh tế học cho rằng, đề xuất của Trung Quốc về việc tăng cường sử dụng SDR có thể là một gợi ý khả thi, vì SDR đã được xem là một phần chủ chốt trong dự trữ của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, nếu SDR thay thế USD, các đối tượng tham gia hoạt động thương mại toàn cầu sẽ phải chuyển sang giao dịch bằng SDR, thay vì bằng đồng USD, và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ sớm xảy ra.

Chuyên gia Portes thuộc Trường Kinh doanh London cho rằng, việc dùng SDR như đồng tiền số 1 của thế giới “không phải là điều không thể”, nhưng bổ sung thêm rằng, “vấn đề cơ bản ở đây là, quốc gia hay tổ chức phát hành đồng tiền quốc tế đồng thời cũng phải là người cho vay cuối cùng (lender of last resort). IMF không có thẩm quyền pháp lý để làm được điều này”.

Tuy nhiên, dù sao, các nhà kinh tế học vẫn tin rằng, đồng USD khó có thể tránh khỏi sự suy yếu ở một mức độ nào đó. Khi các nền kinh tế khác ngoài Mỹ gia tăng sự giàu có và ảnh hưởng kinh tế, nền kinh tế Mỹ sẽ dần mất đi ưu thế thống lĩnh của mình và đồng USD cũng dần giảm vị thế là đồng tiền “bất khả chiến bại” của thế giới.

Kinh tế gia Frankel của Đại học Havard dự báo, địa vị thống lĩnh của đồng USD sẽ giảm trong vòng khoảng 15 năm nữa, khi mà các đồng tiền khác trong đó có Euro, được sử dụng rộng rãi hơn và hình thành nên một hệ thống trong đó nhiều đồng tiền cùng chia sẻ sân chơi toàn cầu. “Đây sẽ là cuộc khủng hoảng cuối cùng mà đồng USD được xem là vịnh tránh bão”, ông Frankel dự báo.

* Có thể xem SDR là một đơn vị tiền tệ quốc tế do IMF phát hành, phân bổ cho các nước thành viên một lượng theo tỉ lệ phần đóng góp vốn của mình vào IMF. Nó không phải đồng tiền mà tư nhân có thể có và sử dụng như các loại tiền quốc gia của từng nước.

(Theo Time)

No comments:

Post a Comment