21.4.08

Những vụ “thay tên, đổi họ” đình đám



Siêu thị Citimart Nguyễn Trãi (TP.HCM) đã cho siêu thị Wellcome thuê lại
Nhiều tập đoàn nước ngoài vào thị trường Việt Nam theo cách mua đứt hoặc thuê lại mặt bằng trung tâm thương mại, khách sạn... của các doanh nghiệp trong nước. Cuộc "thay tên, đổi họ" này khiến nhiều thương hiệu nổi tiếng quen thuộc dần đi vào quên lãng.

Trung tâm thương mại, siêu thị nội có biến mất?

Một trong những cuộc "thay tên, đổi họ" đầu tiên, đình đám và thành công nhất là Trung tâm Thương mại Parkson (Malaysia) thay thế Trung tâm Thương mại Saigontourist cách đây vài năm. Mặt bằng đẹp với 2 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi (TP.HCM) nhưng Trung tâm Thương mại Saigontourist nghèo nàn cả về hàng hóa, cách bài trí và dịch vụ đi kèm. Sau khi được tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Malaysia đổi tên thành "Parkson", trung tâm thương mại này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo và trở thành một trong những địa chỉ mua sắm nổi tiếng nhất tại TP.HCM, thu hút một lượng lớn khách hàng nhiều lứa tuổi đến đây. Thậm chí, với một tầng lầu lớn dành cho dịch vụ ăn uống, hầu hết các buổi trưa, tối, nhất là thứ bảy, chủ nhật tại Parkson lúc nào cũng chật kín khách hàng.

Cuộc “thay tên, đổi họ” thứ hai trong ngành bán lẻ là việc siêu thị Citimart (đường Nguyễn Trãi, TP.HCM) thành siêu thị Wellcome của Tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Dairy Farm (Hồng Kông). Tất nhiên, Dairy Farm chỉ thuê lại mặt bằng nhưng lại chọn được vị trí đắc địa nhất trong chuỗi siêu thị Citimart. Hàng loạt khách hàng cũ của siêu thị Citimart đang dần quen với cách phục vụ cũng như dịch vụ của thương hiệu mới này.

Theo Công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản CBRE (Mỹ), trong khi các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Carefour (Pháp); Wal-Mart (Mỹ) đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường thì Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Big C (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức) đã thâm nhập và bành trướng với rất nhiều dự án tại TP.HCM và Hà Nội. Những áp lực này khiến giá thuê mặt bằng trên thị trường bán lẻ thêm tăng cao. Dự báo giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình năm 2008 khoảng 200 USD/m2/tháng ở tầng trệt tại các khu trung tâm. Với mức giá thuê "khủng" như hiện nay, câu hỏi đặt ra là không biết chủ các trung tâm thương mại, siêu thị khi quyết định bán, cho thuê lại mặt bằng bán lẻ cho các tập đoàn nước ngoài có tính hết được điều này? Chưa kể các thương hiệu nước ngoài thay thế đã được người tiêu dùng đón nhận bởi sự chuyên nghiệp, còn những tên tuổi cũ dần bị lu mờ.

Các cuộc hoán đổi trong ngành khách sạn

Lượng khách du lịch đang tăng cùng với việc Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế, nhu cầu về khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp tăng mạnh. Vài năm gần đây, nguồn cung khách sạn luôn trong tình trạng không đủ đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Từ năm 2007 đến nay, tại Hà Nội có 5 dự án xây dựng khách sạn 5 sao, TP.HCM là 11 dự án khách sạn 5 sao với khoảng 3.611 phòng, nhưng không dự án nào hoàn thành vào năm 2008. Trong khi để đáp ứng nguồn cầu ngày càng cao, theo dự báo của Công ty CBRE, trong 4 năm tới Việt Nam cần có 10.000 phòng.

Hầu hết các khách sạn 5 sao, resort đang xây dựng hiện nay đều có sự góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Họ đang tìm mọi cách nhanh nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó việc bắt tay với các nhà đầu tư trong nước, mua lại, đổi tên các khách sạn 5 sao, các điểm du lịch là một điển hình. Cụ thể, khách sạn 5 sao Omni Saigon và khách sạn Guoman ở Hà Nội trong năm nay sẽ được đổi tên thành khách sạn Movenpick Hotel Saigon và Movenpick Hotel Hà Nội do Tập đoàn Movenpich Hotel & Resort Hotel (Thụy Sĩ) chính thức quản lý thay chủ cũ. Tương tự, khách sạn Novotel Garden Plaza (TP.HCM) cũng được Tập đoàn Parkroyal mua lại.

Cuối năm 2007, Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl đã chấm dứt hợp đồng nhượng quyền quản lý khách sạn Sofitel Vinpearl Resort and Spa với Tập đoàn Accor. Song song với việc chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Accor, Vinpearl cũng quyết định chính thức đổi tên khách sạn Sofitel Vinpearl Resort and Spa thành Vinpearl Resort and Spa, từ ngày 20/12/2007... Các quỹ đầu tư đang có mặt tại Việt Nam như VinaCapital, IndochinaCapital cũng có nhiều kế hoạch về lĩnh vực bất động sản, khách sạn, hứa hẹn sẽ có nhiều tên tuổi mới xuất hiện.

Đổi tên, mua bán, sáp nhập thương hiệu là chuyện thường xảy ra trong phát triển kinh doanh trên thế giới, trong đó Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần tính toán kỹ, nắm bắt thời cơ để đưa ra quyết định đúng, đưa hoạt động kinh doanh lên tầm cao mới, kẻo không lại mất "cả chì lẫn chài".

Theo TN

No comments:

Post a Comment