Vĩ mô bất ổn, nhà đầu tư đua nhau mua bảo hiểm tránh “thiên nga đen”
Tự bảo hiểm (hedge) “rủi ro đuôi” (tail-risk, tức các rủi ro có xác suất cực nhỏ) là câu chuyện nóng trên phố Wall vào năm 2008 sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu nhấn chìm nhiều nhà đầu tư không biết nên tự bảo vệ mình thế nào trước các sự kiện cực đoan hay “thiên nga đen”.
Những sự kiện vốn nằm ngoài miền phân phối xác suất ấy có thể gây thua lỗ khổng lồ cho giới đầu tư quốc tế.
Hiện lãi suất đang tăng lại khi cách mạng bùng nổ ở Trung Đông và động đất làm rung chuyển Nhật Bản khiến các thị trường đều bất ổn và mức độ biến động gia tăng. Giới đầu tư lại hoảng hốt đi tìm các cách phòng vệ mới.
Những tổ chức cung cấp các sản phẩm phòng ngừa “tail-risk” thích so sánh chúng với bảo hiểm: nhà đầu tư trả phí hàng năm để tránh thảm họa tài chính sau này.
Một số thậm chí còn nâng chúng lên tầm triết học. Vineer Bhansali từ quỹ PIMCO đã liên tưởng “tail-risk” với “Canh bạc của Pascal”, tức là thà bạn tin vào Chúa còn hơn chịu đựng hậu quả khi mình sai lầm. Những đợt sụt giá thê thảm của thị trường cũng tương tự như vậy.
Về mặt kỹ thuật thì “tail risk” được định nghĩa là xác suất (cao hơn kỳ vọng) của một khoản đầu tư khi nó biến động quá ba lần độ lệch chuẩn tính từ giá trị trung bình. Với người không chuyên thì có thể hiểu đơn giản đó là khi giá trị danh mục đầu tư của mình mất giá trầm trọng.
Có nhiều cách khác nhau để tự bảo hiểm “tail risk”, nhưng một cách phổ biến là tạo ra một rổ các chứng khoán phái sinh sẽ cho lợi nhuận kém cỏi lúc thị trường ổn định nhưng tăng mạnh nếu thị trường giảm sâu. Rổ phái sinh này bao gồm các quyền chọn của nhiều loại tài sản, ví dụ như chỉ số cổ phiếu và chỉ số hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng.
Một số ngân hàng đã bắt đầu bán các sản phẩm bảo hiểm cho “tail risk”.
Deutsche Bank đã đưa ra chỉ số ELVIS, sản phẩm cho lợi nhuận khi mức độ biến động trên thị trường cổ phiếu tăng. Các công ty quản lý quỹ lớn như BlackRock và PIMCO đã bổ sung thêm nghiệp vụ tư vấn cho khách hàng quản lý tài sản thế nào trong trường hợp xấu nhất.
Các quỹ đầu cơ cũng đã nhảy vào cuộc. Vài “quỹ đuôi” (tail funds, tức quỹ đầu tư vào các tài sản sẽ tăng giá khi tình hình kinh tế xấu đi) đã ra đời trong vài năm gần đây.
Các quỹ này trong những năm sóng yên biển lặng thường mất khoảng 15% giá trị nhưng có thể thu lời 50-100% khi thị trường giảm sâu. Mà có thể còn hơn, ví dụ như “quỹ đuôi” của quỹ đầu cơ 36 South cho lợi nhuận tới 234% trong năm 2008.
Theo Gaurav Tejwani từ Pine River (công ty quản lý quỹ đã khai trương “quỹ đuôi” của mình năm ngoái và hiện đang quản lý trên 200 triệu đôla): “Trong phần lớn những năm tốt đẹp hoặc trung bình thì nó chỉ có mất tiền, nhưng khi tất cả các tài sản khác của bạn đều mất giá mạnh thì nó lại cho lợi nhuận tương đối lớn.”
Người bán nói “nó đáng tiền đấy” cũng là điều đương nhiên.
Ông Bhansali từ PIMCO ước tính tự bảo hiểm trước “tail risk” hàng năm chỉ mất của nhà đầu tư 0,5 - 1% tài sản nhưng cứ 3 đến 5 năm là nhà đầu tư này sẽ lại hòa vốn. Phần nào là vì không cần thị trường sụp đổ như hồi năm 2008 tự bảo hiểm mới phát huy tác dụng. Hiện PIMCO đang quản lý khoảng 300 triệu đôla các sản phẩm bảo hiểm “tail risk”.
Các quỹ khác cũng nhận được khá nhiều vốn với chung mục đích này. Ví dụ như Universa Investments, một “quỹ đuôi” có sự tư vấn của Nassim Taleb, tác giả cuốn “Thiên nga đen”. Giá trị tài sản của quỹ này từ 300 triệu đôla năm 2007 tới nay đã tăng lên 6 tỷ đôla.
Dù vậy Chủ tịch Universa, ông Mark Spitznagel, vẫn than phiền về sự tự mãn của giới đầu tư.
Nhu cầu rất thất thường. Chi phí tự bảo hiểm biến động mạnh, thường tăng khi thị trường nhiều bất ổn và giới đầu tư cần nó nhất, và giảm khi thị trường vào đợt tăng giá. Rút cục thì cũng khó mà nuốt trôi được thua lỗ khi tự bảo hiểm nếu thị trường có tăng.
“Bọn trẻ nghịch tuyết ngoài trời mà chẳng cần cả áo len lẫn khăn quàng trông vẫn vui hơn chúng ta ngồi trong này với cả mớ áo dầy bịch chứ,” Steven Englander từ Citigroup nói.
Minh TuấnTheo Economist
No comments:
Post a Comment