Vinashin được vay toàn bộ 750 triệu TPQT
5 giờ chiều qua (3/11), Bộ Tài chính và Vinashin đã ký kết hợp đồng chuyển giao toàn bộ 750 triệu USD từ việc bán Trái phiếu quốc tế của Chính phủ để Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư sản xuất.
Ngày 2/11/2005, trong cuộc họp báo thông báo kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm cho biết: Sau hơn 10 năm chuẩn bị, được sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày 27/10/2005, lần đầu tiên, trên thị trường chứng khoán Singapore, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu Chính phủ Việt Nam ra thị trường quốc tế với tổng số tiền 750 triệu USD thời hạn 10 năm với lãi suất 7,125% năm tính theo lãi suất cố định.
Việc phát hành trái phiếu lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là một trong những mục tiêu của Việt Nam tham gia hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế nhằm đa dạng hoá các hình thức huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế đất nước.
Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu quốc tế còn là một phương thức vay thương mại trong chiến lược huy động vốn của Việt Nam, đảm bảo quyền tự chủ trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được không bị lệ thuộc vào điều kiện của các nhà thầu như vay tín dụng xuất khẩu.
Đồng thời việc phát hành trái phiếu lần này đã mở đường cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trực tiếp huy động nguồn vốn trung và dài hạn bằng ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế.
Các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu của Chính phủ Việt Nam đều là những nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thị trường tài chính quốc tế trong đó các quỹ đầu tư tài chính nắm 51% tổng số trái phiếu phát hành, các ngân hàng nắm 25%, các công ty bảo hiểm nắm 17% và 7% là các tổ chức đầu tư khác. Điều đặc biệt là số trái phiếu này được phát hành rộng khắp trên thế giới (châu á nắm 38%, Châu Âu 32% và Mỹ 30%).
Số tiền 750 triệu USD được Chính phủ giao cho Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm cho biết đây là khoản vay nằm trong chỉ số nợ an toàn quốc gia và đã được Chính phủ thẩm định kỹ trước khi chọn Vinashin là doanh nghiệp được vay vốn.
Trả lời báo chí về phương án trả nợ, ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Vinashin cho biết: Số tiền này sẽ được đầu tư mở rộng cho các nhà máy đóng tàu như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng...đồng thời đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất động cơ diezel, thép...).
Với kế hoạch này, Vinashin hy vọng sẽ đạt doanh thu xấp xỉ 3 tỷ USD vào năm 2010. Năm nay, dự kiến Tổng Công ty sẽ đạt doanh thu gần 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tính đến nay Vinashin đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2009 với số hợp đồng ký chính thức khoảng 1 tỷ USD, hợp đồng thoả thuận ước 0,5 tỷ USD và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho đến năm 2012.
Do vậy Vinashin hoàn toàn có khả năng trả nợ. Đề án phát triển cũng như chiến lược của Tổng Công ty từ nay đến năm 2010 cũng đã được Chính phủ xem xét và đánh giá kỹ lưỡng.
Ông Bình cũng khẳng định, theo Đề án hoạt động đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt, Vinashin sẽ cần khoảng 3 tỷ USD để đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đóng mới tàu xuất khẩu, vì vậy 750 triệu USD chỉ chiếm 1/4 tổng số vốn Tổng Công ty đang cần. Và năm 2006, Vinashin sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn.
No comments:
Post a Comment