30.1.09

Suy nghĩ toàn cầu,hành động địa phương!

(minh họa: Khều)
(TBKTSG) - Việc nhìn lại năm vừa qua để xác định mục tiêu cho năm mới rất quan trọng. Đối với hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam, đã đến lúc đặt ra những mục tiêu mới, không chỉ cho năm 2009 mà còn để thiết lập những chiến lược lâu dài cho ít nhất là ba năm tới.

Doanh nghiệp của bạn sẽ ở đâu vào năm 2012? Xác lập giá trị, năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn là gì?

Nhiều DNNVV Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2008 mặc dù vẫn có sự tăng trưởng chung đầy ấn tượng. Lạm phát cao và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có tác động không nhỏ đến kế hoạch làm ăn của họ.

Bước vào năm 2009, các DNNVV Việt Nam phải chuẩn bị đối đầu với những bất ổn mới - hậu quả của sự suy giảm kinh tế tại hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đối phó với sự suy giảm này mà vẫn duy trì những mục tiêu chiến lược lâu dài?

Câu trả lời của tôi đối với vấn đề này là: Sự suy giảm về kinh tế cũng có thể là cơ hội cho các DNNVV Việt Nam tái cấu trúc và thay đổi suy nghĩ về cách làm thế nào để thành công. Khi bạn đang thành đạt và phát triển, rất khó thuyết phục các đối tác kinh doanh, nhân viên và quản lý cấp trung thay đổi. Vì vậy, đây là lúc để thay đổi.

Việt Nam cũng là một thị trường

Có quá nhiều DNNVV Việt Nam không xem thị trường nội địa là một thị trường giá trị. Với dân số hơn 86 triệu người, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Các công ty Việt Nam có một lợi thế so với các công ty nước ngoài: nắm rõ hơn ai hết thói quen tiêu dùng của các doanh nghiệp và con người Việt Nam.


Tập trung vào thị trường trong nước là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược của bất kì doanh nghiệp nào. Rất nhiều DNNVV đã có kinh nghiệm làm nhà cung cấp cho các công ty nước ngoài. Đã đến lúc sử dụng kinh nghiệm này để phát triển một thị trường trong nước cho các sản phẩm hiện nay hoặc sản phẩm mới của các bạn.

Phát triển sản phẩm

Rất nhiều doanh nhân ở Việt Nam cho rằng thiết lập một thị trường trong nước là một việc làm tốn kém. Vấn đề này rất rõ ràng. Có hai loại chi phí. Thứ nhất là chi phí sản xuất, thứ hai là chi phí đầu tư. Loại chi phí thứ nhất rõ ràng là thứ mà bạn phải luôn tìm cách giảm bớt, còn loại sau là chi phí nghiên cứu phát triển, và có một nguyên tắc hàng đầu là: nếu chi phí đó nhỏ hơn 10% doanh thu của bạn, tức là chi phí đó không cao.

Sự đầu tư vào các sản phẩm và vật liệu mới là cần thiết để công ty bạn có thể đạt được thành công lâu dài. Chiến lược của các DNNVV Việt Nam, dù cho hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, cũng nên bao gồm kế hoạch thiết lập thương hiệu và sản phẩm tại thị trường trong nước.

Việt Nam là một thị trường mới, nơi các hành vi tiêu dùng được xem là chưa trưởng thành. Có rất nhiều cơ hội để tạo ra sự phát triển dựa vào thị trường trong nước. Vấn đề là làm cách nào để nắm bắt cơ hội. Là một DNNVV, bạn không thể làm được mọi chuyện do nguồn lực và vốn có hạn, vì thế bạn nên tập trung vào năng lực cốt lõi.

Năng lực cốt lõi

Rất ít doanh nghiệp có thể làm được mọi thứ. Ngay cả những doanh nghiệp thành công nhất cũng quyết định tập trung vào năng lực cốt lõi và trông cậy vào các mối quan hệ hợp tác kinh doanh vững chắc để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhiều DNNVV Việt Nam có thể giải phóng vốn và cải thiện danh mục sản phẩm bằng cách tập trung vào các hoạt động cốt lõi. Đã từ lâu, nhiều doanh nghiệp thành công thuê gia công bên ngoài cho các hoạt động không cốt lõi trong chuỗi giá trị của họ. Họ bán và thuê lại đất đai, nhà xưởng để dành vốn cho hoạt động cốt lõi. Trong chuỗi giá trị của mình, họ giới thiệu với người bán giải pháp tồn kho nhằm giảm tồn kho, và thiết lập hệ thống cung ứng kịp thời để giảm thời gian chờ.

Bằng cách giải phóng thời gian và vốn, ban quản trị công ty có thể tập trung vào việc tạo ra tầm nhìn và chiến lược bền vững cho doanh nghiệp mình và ra các quyết định đầu tư thỏa mãn được các khách hàng tương lai của công ty.

Câu hỏi thích hợp được đặt ra bây giờ là ai sẽ đảm nhận tất cả các nhiệm vụ không thiết yếu? Hãy tạo ra một chuỗi cung ứng bao gồm chủ yếu là các nhà cung ứng Việt Nam.

Chuỗi cung ứng

Quá nhiều DNNVV ở Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Điều này dẫn đến việc chỉ có nguồn lao động rẻ ở Việt Nam là hoạt động gia tăng giá trị, trong bối cảnh mà khách hàng chủ yếu là ở nước ngoài. Đây là một chiến lược ngắn hạn và sẽ không dẫn đến tăng trưởng bền vững.

Nhiều DNNVV Việt Nam có mạng lưới địa phương vững chắc dựa vào các hiệp hội ngành nghề. Ưu tiên số 1 của các hiệp hội này là nên tạo dựng những chuỗi cung ứng có sức cạnh tranh dựa trên những nhà cung ứng Việt Nam. Nếu một doanh nghiệp quá nhỏ để đạt được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, thì doanh nghiệp đó sẽ hợp lực với những doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực hoạt động. Đây là kinh nghiệm thành công ở Đan Mạch.

Có được một chuỗi cung ứng địa phương vững chắc là một lợi thế cạnh tranh đối với bất cứ DNNVV của Việt Nam. Thứ nhất, giá thành rẻ hơn đáng kể so với nguyên liệu nhập; và quan trọng hơn, thời gian sản xuất được rút ngắn và giải phóng được vốn.

* * *

Sự suy giảm kinh tế không bao giờ là điều dễ chịu. Nhưng tất cả mọi thứ đều có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, và việc bàn luận để thay đổi trong thời điểm khó khăn thường dễ hơn nhiều so với lúc thành công.

Đối với ban giám đốc các DNNVV Việt Nam, nên tận dụng giai đoạn khó khăn trước mắt để suy nghĩ lại chiến lược kinh doanh và thay đổi trọng tâm. Nếu lợi thế cạnh tranh là nguồn lao động rẻ thì cần phải thay đổi. Và những điều cần thay đổi bao gồm: ưu tiên tập trung vào thị trường trong nước, tập trung vào năng lực cốt lõi của doanh nghiệp và thiết lập một chuỗi cung ứng địa phương với những đối tác có cùng mục tiêu lâu dài. Hãy suy nghĩ theo hướng toàn cầu, nhưng hành động tại chỗ!

BO EKLUND (*)

(*) Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư FMS Vietnam

No comments:

Post a Comment