27.9.08

Doanh nghiệp VN cần đối phó với khủng hoảng tài chính Mỹ

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với những ảnh hưởng xấu mà cuộc khủng khoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ đem lại.

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế có uy tín trong một buổi làm việc ngày thứ năm tuần này với câu lạc bộ các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).

Sẽ hết sức ngây thơ và chủ quan nếu cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ không ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Thế giới vẫn đang hồi hộp lo lắng trước những diễn biến sắp tới của thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu, không ai có thể đoán chắc chuyện gì sẽ xảy ra.

Nguồn vốn sẽ suy giảm

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS cho rằng: Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra và với mức độ không nhỏ. Về mặt tâm lý, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần trước đã ngay lập tức phản ứng với các diễn biến của tình hình Mỹ và thị trường thế giới.

Chỉ số VN-Index giảm ào ạt và chỉ lên khi các thị trường chứng khoán thế giới lên sau tin chính phủ Mỹ lập kế hoạch chi 700 tỉ USD để giải cứu thị trường tài chính. Thị trường vàng cũng lên xuống kịch tính theo những bước thay đổi của tình hình tài chính Mỹ.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra và với mức độ không nhỏ.


Hệ thống tài chính Việt Nam còn sơ khai, chưa tiên tiến như thị trường Mỹ và chưa có nhiều sản phẩm tài chính phái sinh nên chưa bị kéo vào sự sụp đổ hàng loạt, hậu quả của đòn bẩy tài chính quá đà bắt nguồn từ cho vay bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ.

Ông Quang A gọi đây là “một cái may” cho Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như nhiều nước khác, Việt Nam cũng cho Mỹ vay tiền bằng việc mua trái phiếu chính phủ (Treasury bonds) với lãi suất hiện nay thấp khoảng 1 – 2%.

Trong trường hợp nguồn vốn tín dụng từ Mỹ bị thắt chặt, điều mà nước Mỹ hiện nay đang lo sợ, thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng ở chỗ ngân hàng cũng bị thiếu luồng vốn và vốn vay tín dụng thương mại sẽ khó khăn hơn. Các luồng vốn vay hỗ trợ phát triển ODA cũng có khả năng bị cắt bớt, và kể cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều khả năng cũng bị cắt giảm một khi các doanh nghiệp không tiếp cận được với vốn. Lượng kiều hối, một trong những nguồn tiền quan trọng giúp cân bằng cán cân thanh toán, cũng có khả năng bị giảm.

Xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp

Nếu kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình trệ, tiêu thụ của Mỹ giảm thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ bị tác động trực tiếp. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang theo dõi sát sao tình hình và tìm kế hoạch đối phó. Ngay lập tức, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ hải sản đã chuẩn bị nhóm họp để tìm giải pháp. Các thị trường bị tác động mạnh của khủng hoảng tài chính như Mỹ, châu Âu, Nhật đều là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Ông Quang A cho rằng các doanh nghiệp phải tìm cách tự cứu mình và khai thác thị trường nội địa hơn 80 triệu dân, trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu, tìm các thị trường mới.

Các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại buổi nói chuyện cũng bày tỏ lo lắng về việc phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ nên có khả năng sẽ đẩy hàng hoá sang những thị trường như Việt Nam, một khi họ cũng bị giảm bớt ở thị trường truyền thống.

“Trong khi tình hình tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, mọi nhận định đều là ban đầu và cần được theo dõi sát sao một cách tỉnh táo”, ông Quang A nói. Doanh nghiệp lúc này phải chuẩn bị trong khi Nhà nước phải tăng cường quản lý thị trường tài chính, chứng khoán, nhà đất và ngân hàng. Tuy nhiên, “quản lý không có nghĩa là siết lại”, ông Quang A nói.

Ông Trương Văn Phước- Tổng giám đốc Eximbank cho biết “Tổng giá trị trái phiếu Việt Nam mua của Mỹ cũng xấp xỉ 30 – 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam cũng có mua cổ phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty cho vay địa ốc do chính phủ Mỹ bảo trợ vừa rồi đứng trên bờ vực phá sản”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

1 comment: