9.6.08

Goldman Sachs: Ba lý do để tin vào kinh tế Việt Nam

 

n      Mai Phương

Ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ Goldman Sachs vừa công bố một báo cáo mới về kinh tế Việt Nam.

Đề ngày 3/6 và mang tên "Vietnam: Rising cyclical risks" (tạm dịch: "Việt Nam: Rủi ro chu kỳ tăng cao") , báo cáo đưa ra một số nhận định lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam ở thời điểm này.

Những lý do để lo lắng

Các số liệu mới công bố về kinh tế Việt Nam, bao gồm chỉ số lạm phát và thâm hụt thương mại cùng tăng cao, cộng những biến động thời gian qua của tỷ giá VND/USD đang khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Goldman Sachs cũng cho rằng, trong ngắn hạn, những rủi ro lạm phát tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 14,4 tỷ USD, tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức thâm hụt của cả năm 2007 tới 2 tỷ USD. Con số này dẫn đến sự lo ngại về khả năng có đủ USD cho nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn USD chảy vào giảm xuống.

Về tình trạng này, theo Goldman Sachs, Việt Nam đã áp dụng một loạt biện pháp để kiềm chế lạm phát, bao gồm cắt giảm chi tiêu công, kiểm soát giá cả, tăng lãi suất, kiểm soát tín dụng…, nhưng những biện pháp này có phát huy tác dụng hay không là điều còn chưa rõ. Rất có thể, thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ còn phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp thắt chặt này, và áp lực đối với thị trường chứng khoán là điều không thể tránh khỏi.

Về đồng tiền Việt Nam (VND), các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn hiện là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ tăng tỷ giá này để tránh việc VND bị định giá quá cao so với giá trị thực.

Những lý do để lạc quan

Tuy nhiên, báo cáo của Goldman Sachs cũng chỉ ra những cơ sở để có thể tin rằng, một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán sẽ không xảy ra đối với Việt Nam như xảy ra ở Thái Lan năm 1997.

Những yếu tố này bao gồm:

Thứ nhất, các dòng vốn FDI, ODA, vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán và kiều hối vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam, do đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể được bù đắp bằng những nguồn tiền này.

Trong 5 tháng đầu năm nay, FDI vào Việt Nam tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 14,7 tỷ USD. Cùng với đó, hoạt động giải ngân cũng diễn ra mạnh mẽ. Báo cáo bày tỏ sự tin tưởng, luồng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian còn lại của năm, nhờ các dự án đầu tư lớn đã được khởi động trong thời gian qua và dòng vốn ổn định chảy vào lĩnh vực dầu khí và công nghệ thông tin. Thêm vào đó, dòng kiều hối đổ về Việt Nam vẫn đang chảy với tốc độ mạnh mẽ.

Ngoài ra, bất chấp sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng các loại cổ phiếu ở đây.

Thứ hai, các khoản vay ngắn hạn nước ngoài của Việt Nam chỉ ở mức giới hạn, khác với tình hình của Thái Lan trước khi nước này lâm vào cuộc khủng hoảng 1997. Thống kê cho thấy, nợ ngắn hạn của Việt Nam chỉ chiếm có 8,6% GDP, so với con số 26,3% ở Thái Lan vào thời điểm năm 1996. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa bao giờ phụ thuộc vào những khoản vay kiểu này để bù đắp cho thâm hụt thương mại.

Do các quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước về vay nợ nước ngoài, các khoản vay ngắn hạn của Việt Nam thường là nhỏ và chủ yếu liên quan đến tín dụng xuất khẩu. Trong khoảng thời gian từ 12 – 18 tháng trở lại đây, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy xu thế này thay đổi. Ngoài ra, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam tuy lớn hơn chút ít so với dự trữ ngoại hối, nhưng phần lớn lại là những khoản nợ trung và dài hạn với các điều khoản cho vay ưu đãi.

Thứ ba, cho tới thời điểm này, nhu cầu USD gia tăng ở Việt Nam chủ yếu là do lĩnh vực xuất khẩu. Goldman Sachs cho rằng, sự gia tăng đột biến của kim ngạch nhập khẩu trong thời gian gần đây sẽ trở lại trạng thái bình thường khi chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua kiểm soát tín dụng phát huy tác dụng. Mặt khác, các cảng cho hàng nhập khẩu ở Việt Nam hiện cũng đã hết công suất để thêm hàng.

Theo quan điểm của bản báo cáo, khả năng xảy ra tấn công tiền tệ trực diện của các nhà đầu cơ tiền tệ nước ngoài vào Việt Nam chỉ ở mức giới hạn. Tuy nhiên, nếu tình trạng lạm phát cao còn kéo dài, vốn trong nước sẽ đổ vào vàng và USD, gây áp lực đối với hệ thống tiền tệ của Việt Nam.

 

No comments:

Post a Comment