15.7.09

Ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam từ báo cáo của Fitch Rating


Việc Fitch Ratings ngày 30/6/2009 đã giảm mức đánh giá uy tín tín dụng nội tệ dài hạn của Việt Nam dường như không tác động nhiều tới thị trường.

Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch Ratings ngày 30/6/2009 đã giảm mức đánh giá uy tín tín dụng nội tệ dài hạn của Việt Nam từ mức BB xuống BB-. Dưới đây là bài viết phân tích tác động của việc hạ xếp hạng này tới thị trường tài chính trong nước của ba tác giả Lê Anh Tuấn, Dan Svensson, Scott Robertson thuộc bộ phận nghiên cứu Dragon Capital viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn..
Trong báo cáo của Fitch, nguyên nhân chính cho quyết định hạ mức tín dụng này là tình hình tài khóa của Việt Nam. Fitch cho rằng cơ cấu nguồn thu của ngân sách chưa mạnh do nền tảng nguồn thu còn nhỏ hẹp và sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí vốn nhiều biến động về giá.

Cơ sở những đánh giá của Fitch Ratings

Bất cứ một quốc gia nào đều có khả năng phát hành tiền. Điều này đồng nghĩa với việc họ có quyền phát hành thêm tiền để trả những khoản nợ bằng đồng nội tệ, vậy tại sao định mức tín nhiệm của đồng nội tệ không phải tất cả đều là AAA.

Việc phát hành thêm tiền có khả năng khiến nền kinh tế bị tổn thương hơn là trì hoãn việc trả nợ vay trái phiếu bằng đồng nội tệ. Điều này có nghĩa phần lớn các nhân tố ảnh hưởng lên việc đánh giá định mức tín nhiệm của đồng nội tệ đều liên quan tới vấn đề lạm phát kỳ vọng cao và tình hình tài khóa chỉ là một trong những nguyên nhân.


Diễn biến huy động trái phiếu trong 8 năm trở lại đây (Nguồn: TBKTSG)

Theo Fitch Ratings, lạm phát kỳ vọng cuối năm 2009 sẽ vào khoảng 7,3%, đây là mức thấp hơn mức lạm phát bình quân trong tám năm qua. Thêm vào đó, lạm phát tính theo tháng gần đây có cao hơn so với các tháng trong quí 1 và đầu quí 2, tuy nhiên mức lạm phát này vẫn thấp hơn hoặc bằng với mức lạm phát bình quân tính theo từng tháng trong quá khứ.

Điều quan trọng khác là gần đây các cơ quan chính phủ đã thận trọng và cảnh giác với vấn đề lạm phát nên khó có khả năng lạm phát quá cao quay trở lại.

Cơ cấu trái chủ của trái phiếu bằng đồng nội tệ là một yếu tố rất quan trọng trong việc đánh giá tín nhiệm. Nếu các tổ chức nước ngoài nắm giữ phần lớn trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ sẽ làm tăng thêm độ rủi ro về cán cân thanh toán và ảnh hưởng trực tiếp lên tỷ giá hối đoái.

Điều này được giải thích như sau: khi các nhà đầu tư nước ngoài hoảng loạn, họ sẽ tranh bán trái phiếu đồng nội tệ để chuyển qua đồng đô la Mỹ; và để tránh vỡ nợ trên đồng ngoại tệ, một quốc gia có thể phải tuyên bố không trả được nợ trên đồng nội tệ để hạn chế việc chuyển đổi qua đồng đô la. Thêm vào đó áp lực bán trái phiếu sẽ đẩy lãi suất lên cao làm cho khả năng huy động vốn của chính phủ khó khăn hơn.

Một ví dụ điển hình của trường hợp này là Cộng hòa Liên bang Nga vào năm 1998. Ở Việt Nam vào đầu năm 2008, nước ngoài nắm giữ khoảng 4,2 tỉ đô la Mỹ trong tổng số 12 tỉ đô la trái phiếu nội tệ đã phát hành. Bắt đầu từ quí 2-2008 tới hết quí 1-2009 nước ngoài bán ròng trái phiếu nội tệ, giảm giá trị nắm giữ về còn khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên trong báo cáo của Fitch không đề cập tới vấn đề này.

Theo Fitch Ratings, tỷ lệ nợ của Chính phủ so với GDP đã tăng nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên điều này có lẽ hơi thiếu chính xác. Chúng ta có thể thấy tỷ lệ nợ của Chính phủ so với GDP tăng nhanh từ năm 2001 đến 2007, tuy nhiên đã bắt đầu giảm xuống từ năm 2008.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong sáu tháng đầu năm so với dự kiến GDP vào khoảng 1,6%. Nếu tính cả các khoản chi ngoài ngân sách, con số 9,3% thâm hụt ngân sách do Fitch đưa ra là khá cao. Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, giá dầu thô dùng để dự toán cho ngân sách nhà nước vào khoảng 70 đô la Mỹ/thùng. Tuy nhiên, có lẽ họ đã không tính toán tới việc một số mỏ dầu mới đã đi vào hoạt động trong năm nay sẽ làm tăng sản lượng dầu thô lên khoảng 20%. Một khía cạnh nào đó, rủi ro của Việt Nam có thể bị đánh giá cao hơn thực tế do sự thiếu minh bạch trong vấn đề thông tin.

Chúng tôi khá ngạc nhiên về thời điểm Fitch đưa ra quyết định hạ mức tín nhiệm đồng nội tệ của Việt Nam.

Thị trường tài chính chưa bị ảnh hưởng bởi báo cáo của Fitch Ratings

Lãi suất trái phiếu bắt đầu tăng nhẹ trở lại từ giữa tháng 4-2009. Việc gia tăng này một phần là do trước đó lãi suất đã giảm quá mạnh. Và từ cuối tháng 4-2009 thị trường cũng bắt đầu cảm nhận được áp lực của tình hình tài khóa.

Điều đáng chú ý là khối nước ngoài sau một thời gian dài bán ròng trái phiếu đã bắt đầu mua ròng trở lại trong hai tháng gần đây. Sau báo cáo của Fitch lãi suất trái phiếu hầu như chẳng thay đổi gì. Có lẽ những vấn đề mà Fitch Ratings nêu lên đã được thị trường trái phiếu phản ánh vào lãi suất từ ba tháng trước đó.


Nguồn: TBKTSG

Một điểm quan trọng khác khi đánh giá mức độ tín nhiệm đồng nội tệ là độ chênh lệnh giữa lãi suất dài hạn và ngắn hạn. Độ chênh lệnh này phản ánh rủi ro lãi suất cũng như khả năng vay vốn dài hạn của Chính phủ ở một chi phí hợp lý.

Độ chênh lệch lãi suất trái phiếu 15 năm hiện nay so với trái phiếu một năm vẫn còn thấp hơn độ chênh lệch bình quân trước tháng 4-2008. Lượng trái phiếu nội tệ đã phát hành ở các kỳ hạn dài còn rất thấp, chứng tỏ Việt Nam vẫn còn khả năng huy động nguồn vốn ở các kỳ hạn dài.

Trái phiếu quốc tế của Việt Nam phát hành năm 2005 (Vietnam Sovereign Bond) sau một thời gian giao dịch ở mức gần 9% đã liên tục giảm mạnh và hiện tại đang dao động ở mức 6,9%/năm. Sau báo cáo của Fitch Ratings, mức giá chào bán và mua của loại trái phiếu này hoàn toàn không thay đổi.


Nguồn: TBKTSG

Về thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng và kịp thời cung cấp thông tin để ổn định tỷ giá sau những tin đồn không chính xác về việc mở rộng biên độ giao dịch hay việc điều chỉnh thị giá liên ngân hàng trong thời gian gần đây.

Thị trường ngoại hối liên ngân hàng gần như không có phản ứng đối với báo cáo của Fitch Ratings. Tỷ giá giao dịch vẫn ở mức ổn định và các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam vẫn tiếp tục chào bán và chào mua đồng Việt Nam/đô la Mỹ một cách bình thường sau báo cáo của Fitch.

Về thị trường CDS - “hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi” - (Credit Default Swap). Các hợp đồng này do các tổ chức tài chính và các công ty bảo hiểm quốc tế bán ra, theo đó bên mua CDS được bên bán bảo đảm sẽ hoàn trả đầy đủ số nợ cho vay nếu bên vay không trả được nợ. CDS là một công cụ tài chính dựa trên nguyên tắc của việc hoán đổi, tuy nhiên có nguyên tắc giống như một hợp đồng bảo hiểm và được khối nước ngoài quan tâm khi đánh giá tín nhiệm nợ ngoại tệ của một quốc gia.

Đối với CDS trên trái phiếu chính phủ, đối tượng được bảo hiểm là trái phiếu chính phủ. Điều này có nghĩa CDS cho một nước càng lớn thì trái phiếu do chính phủ nước đó phát hành càng có rủi ro cao, ít nhất theo quan điểm của thị trường CDS.

Thực chất thị trường CDS có mối tương quan cao đối với định mức tín nhiệm nợ bằng ngoại tệ hơn là nội tệ. Tuy nhiên, hai định mức tín nhiệm này có mối tương quan rất gần nhau, do đó các nhà kinh doanh CDS chắc chắn sẽ phản ánh các biến động mang tính chất quan trọng vào giá trị hợp đồng của họ.


Diễn biến CDS- Nguồn: TBKTSG

CDS của Việt Nam đã giảm mạnh từ mức trên 500 trước tháng 3-2009 về mức 300 gần đây. Chúng ta không thể phủ nhận CDS của Việt Nam giảm xuống một phần được giải thích bởi mức ngại rủi ro (risk aversion) đối với các nước đang phát triển đã giảm xuống. Sau báo cáo của Fitch Ratings, CDS của Việt Nam gần như không đổi.

Nếu không tính đến những biến động nhỏ vào những kỳ đầu tháng hay cuối tháng khi các ngân hàng phải quan tâm tới tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất qua đêm rất ổn định từ tháng 2-2009 đến nay.

Trong thời gian gần đây các ngân hàng bắt đầu cho vay liên ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơn, kể cả kỳ hạn 9-12 tháng. Lãi suất ở các kỳ hạn này lên nhẹ vào cuối tháng 5 và tháng 6 nhưng sau đó đã giảm trở lại. Các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam vẫn năng động trên thị trường này. Dường như không có một sự chú ý nào tới báo cáo của Fitch.


Áp lực vốn qua các thời kỳ - Nguồn: TBKTSG

Như vậy, chúng tôi có thể cho rằng báo cáo của Fitch Ratings đã được thị trường phản ánh vài tháng trước, do đó thị trường gần như không bị một tác động đáng chú ý nào từ báo cáo này.

Lê Anh Tuấn, Dan Svensson, Scott Robertson
Bộ phận nghiên cứu Dragon Capital
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

13.7.09

Kích cầu, được và mất đến đâu?

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia - Ảnh: Anh Quân.

Kích cầu, được và mất đến đâu? Những rủi ro nào có thể vượt tầm kiểm soát của Chính phủ? Có nên điều chỉnh ưu tiên chính sách? Đó là những vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế nêu lên trong các diễn đàn, hội thảo thời gian gần đây.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, mới đây đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới về vấn đề này.

Kích cầu, được và mất

Thưa ông, có ý kiến cho rằng gói kích cầu của Việt Nam “không giống ai cả”…

Với gói kích cầu của Việt Nam, chúng ta nên lưu ý là chỉ hỗ trợ lãi suất cho vay nhưng không hạ lãi suất tiền gửi. Đấy là vì để tránh bẫy thanh khoản.

Các chuyên gia phân tích là nếu Mỹ, Nhật Bản hạ lãi suất xuống "zero" thì dân chúng vẫn gửi tiền vào ngân hàng như thường, không có gì thay đổi. Bởi vì tài khoản của người ta trong ngân hàng là tài khoản dùng để thanh toán, để trả mua sắm hàng ngày, tiền điện, tiền nước. Chuyện lãi suất là lặt vặt, họ không quan tâm.

Nhưng ở Việt Nam, chúng tôi tính rồi, nếu hạ lãi suất cho vay xuống 5-6% thì buộc phải hạ lãi suất tiền gửi xuống 3%. Thế thì chẳng còn ai gửi tiền. Người ta sẽ vác tiền đi mua vàng, vác tiền đi mua ngoại tệ, vác tiền đi mua chứng khoán, hoặc bất động sản, hoặc vác tiền cho nhau vay để hưởng lãi suất cao hơn.

Bẫy thanh khoản của Việt Nam là ở cái 3% ấy! Nếu người ta không gửi tiền vào ngân hàng thì cả hệ thống ngân hàng sụp đổ rất nhanh chóng.

Thứ hai, việc hỗ trợ lãi suất cho vay cũng có giá trị kích thích về mặt tâm lý. Tức là một anh doanh nghiệp đi vay được ưu đãi 4% lãi suất thì các anh khác không vay cũng tức, cảm giác mình bị thua thiệt. Thế là kích thích họ nghĩ đến chuyện cần phải vay ngân hàng. Mà đã vay là phải nghĩ cách làm ăn, chứ không lấy tiền đâu ra trả. Như vậy là duy trì được sản xuất, phục hồi ản xuất cho các doanh nghiệp.

Về phía các ngân hàng, họ cũng thấy rằng chỉ có cho vay thì họ mới được hưởng 4% đó, chứ không thì không được hưởng. Đồng thời, ngân hàng thương mại cũng nhìn thấy một điều rằng nếu cho vay, doanh nghiệp được phục hồi thì con nợ của họ còn sống, và vẫn có khả năng thu hồi được nợ…

Như vậy là có hai động lực từ phía người vay và phía người cho vay dẫn đến chuyện đẩy tín dụng ra. Mà kích cầu, mục tiêu chủ chốt là phải đẩy được tín dụng ra, làm cho tín dụng tăng trưởng, phá được băng của tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã giảm liên tục trong 3 tháng liền cuối năm 2008, đến khi có gói kích cầu thì mới bùng trở lại được. Trong khi đó, ở Mỹ, chính phủ rót tiền vào ngân hàng với hy vọng các ngân hàng sẽ mở rộng cho vay. Nhưng các ngân hàng không cho vay mà gửi tiền vào ngân hàng trung ương, vì sợ cho vay thì mất, gửi vào ngân hàng trung ương cho chắc ăn. Cho nên tín dụng vẫn đóng băng như thường.

Biện pháp của Chính phủ mình thì có vẻ không giống ai, nhưng hiệu ứng kích cầu là rất mạnh, nó đẩy được tín dụng ra, tránh được cái bẫy thanh khoản.

Cũng có ý kiến cho rằng việc triển khai gói kích cầu như thời gian qua là khá dàn trải…

Thực ra là khó mà tránh được dàn trải. Dàn trải là nói thế thôi, so với các nước ta còn tập trung hơn nhiều! Chúng ta chỉ bù lãi suất cho một số lĩnh vực. Các nước họ còn dàn trải hơn ta nhiều, nới lỏng tiền tệ tất.

Họ hạ hẳn toàn bộ mặt bằng lãi suất xuống, thì bất động sản được hưởng lãi suất thấp, tiêu dùng rồi thậm chí vay mua chứng khoán cũng được hưởng lãi suất thấp. Vì họ hạ mặt bằng lãi suất xuống zero, hoặc 1-2% cơ mà.

Các chính sách vĩ mô thời gian gần đây đều đưa đến hiệu ứng phụ. Với gói kích cầu thì thế nào, theo ông?

Đương nhiên là một chính sách như vậy bao giờ cũng có hiệu ứng phụ. Chính sách mạnh thì hiệu ứng phụ cũng mạnh.

Ví dụ, doanh nghiệp đổ xô vào vay VND, chứ không vay ngoại tệ. Mà vay VND để mua ngoại tệ. Cho nên cầu ngoại tệ thì tăng lên, cung ngoại tệ thì giảm xuống, thế mới làm cho tình hình ngoại tệ căng thẳng.

Ngân hàng thương mại thừa ngoại tệ, “túi” tiền gửi thì thừa, “túi” để bán thì không có. Đó cũng là một hiệu ứng phụ mà ngân hàng trung ương phải tìm cách khắc phục. Bằng cách là anh có thể sử dụng nghiệp vụ SWAP để biến ngoại tệ tiền gửi thành ngoại tệ có thể bán được.

Hiệu ứng phụ thứ hai là nó làm cho cầu VND tăng lên, cũng có nghĩa là lãi suất tiền gửi tăng lên, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ, tài khoản thanh toán có ít.

Hiệu ứng thứ ba là nó có thể làm cho hệ thống lãi suất méo mó. Nhưng cái đó thì không quan trọng lắm, bởi vì trong thời gian ngắn, 6-7 tháng thì méo mó không thành vấn đề.

Tôi cũng không đồng tình với một số chuyên gia, họ cho rằng chính sách kích cầu của Việt Nam là không cần thiết, hoặc chuyện bù lãi suất 4% là không giống ai…

Tại sao Chính phủ phải nhảy ra để kích cầu? Tại vì dân chúng không còn lòng tin để chi tiêu, doanh nghiệp không còn lòng tin để đầu tư. Nếu không dám chi tiêu, không dám đầu tư thì đưa tiền để Chính phủ chi tiêu, để đầu tư. Thế thì mới kích thích được chứ. Để cho cầu tăng trưởng trở lại, lúc đó mới tạo lòng tin cho chi tiêu, cho đầu tư. Khi ấy thì Chính phủ có thể rút lui.

Không thể tránh hoàn toàn được lạm phát

Lạm phát hiện có phải nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô và nó có khả năng vượt kiểm soát không?

Tôi cho rằng nguy cơ đáng kể nhất đối với kinh tế vĩ mô là lạm phát. Rất có thể, trong thời gian tới đây, chúng ta vừa gặp cả lạm phát cầu kéo do nới lỏng tiền tệ, lại vừa lạm phát chi phí đẩy do kinh tế thế giới phục hồi, khiến giá dầu và giá các loại nguyên vật liệu tăng lên.

Tuy nhiên, theo dự đoán của tôi, lạm phát chi phí đẩy còn yếu. Tại vì nói thế thôi chứ kinh tế thế giới phục hồi cũng còn lâu và rất là chậm chạp.

Lạm phát cầu kéo thì rất là rõ. Nhưng lạm phát cầu kéo không thôi thì nó dễ khống chế. Bởi vì cầu kéo làm giá cả tăng lên thì sản lượng cũng tăng theo. Và đến vòng sau thì sản lượng tăng cũng làm giá cả dịu đi một chút.

Rồi cầu thì do cung ứng tiền mà ra. Cho nên ngân hàng trung ương chỉ cần cắt giảm cung ứng tiền, tức là thắt chặt tiền tệ lại một chút để hạn chế cầu kéo.

Còn chi phí đẩy thì giá cả tăng lên nhưng mà sản lượng lại giảm. Ví dụ như ngày xưa, xăng 5.000 đồng/lít thì người ta chạy một ngày 5 chuyến xe bus vào Vinh chẳng hạn. Còn bây giờ, xăng lên tới 15.000 đồng/lít thì người ta chỉ chạy có 3 chuyến. Tức là sản lượng giảm đi, vì vậy làm cho giá cả tăng lên. Hơn nữa, còn có yếu tố quốc tế, cho nên Việt Nam khó khống chế được.

Vậy nên, đề kích cầu phục hồi tăng trưởng vững chắc thì ngay bây giờ phải có tính toán, dự báo những chuyện xu hướng lạm phát có thể xảy ra và có những biện pháp phòng ngừa nó ngay từ bây giờ. Chính phủ đã giao chương trình nghiên cứu chống lạm phát cho một số ngành, trong đó Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là một kênh. Chúng tôi cũng đang tập hợp thông tin, xây dựng những mô hình phân tích để dự báo về kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng để sớm đưa ra giải pháp.

Chúng ta không thể tránh hoàn toàn được lạm phát, nhưng phải kiểm soát nó trong mức tốt nhất có thể. Tôi nghĩ chỉ nên dưới 10% là tốt nhất.

Kích cầu phải đủ đô!

Nhiều tổ chức gần đây khuyến nghị Việt Nam cần xem xét lại quy mô gói kích cầu cho phù hợp với khả năng kinh tế của mình. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đó là điều mà nhiều chuyên gia quốc tế người ta lo lắng, đặc biệt là ông Tổng giám đốc IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) tại Việt Nam. Ông ấy rất nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, chất vấn các chuyên gia trong nước về chuyện này.

Thực ra, người ta hàm ý rằng Việt Nam không vay từ bên ngoài thì làm sao có đủ nguồn lực để kích cầu. Có nghĩa là một gợi ý rằng IMF có thể cho vay, nếu Việt Nam muốn.

Mình thì có mấy nguồn chủ chốt. Nguồn thứ nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ. Một nguồn khác là tạm ứng trước các khoản chi của ngân sách cho năm 2010 đưa vào năm 2009. Thứ ba là nguồn chi không hết của năm 2008, thay vì trước đây cắt, thì nay cho vào chi tiêu trong năm 2009.

Và nguồn cuối cùng là có một khoản vay từ nước ngoài, tôi không nhớ chính xác, trị giá vào khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và một phần từ nguồn “Sáng kiến Chiang Mai” (nguồn hỗ trợ tăng trưởng, kích thích kinh tế của châu Á).

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một lãnh đạo Bộ Tài chính có nói Việt Nam sẽ không vay nước ngoài để chi tiêu. Sao bây giờ lại tính đến chuyện này?

Lúc đầu, Chính phủ định không vay từ bên ngoài, dù vay từ bên ngoài lúc này dễ chứ không khó, sau đó thì thấy rằng đã làm thì phải “đủ đô”, có một tác dụng kích cầu thực sự. Nếu làm nửa vời, kích cầu nội địa lên không đủ đô, trong khi cầu thế giới đang yếu thì có thể tạo ra sốc.

Cho nên cuối cùng cũng có vay từ nguồn bên ngoài. Mà vay nước ngoài thì dễ, vay 40 năm, ân hạn 10 năm, dạng ODA. Có vẻ như nguồn lực tài chính của các định chế tài chính đang rồi rào, và họ rất thích cho những quốc gia như Việt Nam vay.

Người ta nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng là tương đối mạnh. Người ta nhìn thấy rõ là trong suy thoái, Việt Nam có những cơ hội…

Vừa rồi WB công bố dự kiến cho Việt Nam vay 4 tỷ USD trong hai năm 2009-2010. Đây có phải nguồn tài chính huy động cho gói kích cầu?

Đúng! Tất nhiên những chương trình như vậy phải chuẩn bị từ trước. Nhưng rất hay là tiến độ giải ngân lại đúng vào dịp này.

Trong khi Việt Nam đi vay nước ngoài để tài trợ cho gói kích cầu, có ý kiến cho rằng vì sao không dùng dự trữ ngoại hối?

Tôi nghĩ là Chính phủ cũng có dùng một phần để tài trợ cho ngân sách trong quá trình kích cầu. Nhưng cụ thể nó như thế nào thì nó là bí mật quốc gia.

Dùng dự trữ để can thiệp vào thị trường hối đoái thì không vấn đề gì. Chính phủ và ngân hàng trung ương cam kết rằng sẽ thực hiện một chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó có cả biện pháp sử dụng dự trữ ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại hối.

Trong gói kích cầu, một phần lớn tài chính đến từ phát hành trái phiếu. Vừa rồi, một số đợt đã bán không hết trái phiếu Chính phủ, theo ông là vì sao? Sắp tới nếu bán tiếp thì phải tính toán thế nào?

Có một cái lý do nhiều người dễ nhận thấy đó là lãi suất. Lãi suất vừa qua có vẻ chưa phù hợp với mong muốn của thị trường.

Nhưng còn một lý do khác, đó là lý do kỹ thuật. Đó là Bộ Tài chính thấy rằng chỉ có thể giải ngân được chừng đó, thì chỉ huy động ngần đó thôi. Chứ huy động nhiều quá thì để trong kho rồi cứ phải trả lãi thì chết.

Mà muốn huy động được tương thích với khả năng giải ngân của Bộ Tài chính thì phải có một mức lãi suất nào đó để chỉ cần huy động chừng đó. Chứ chưa chắc đã phải Bộ Tài chính không thể bán hết và phát hành thất bại như báo chí đưa.

Kinh nghiệm đã cho thấy, chúng ta huy động 4.000 tỷ đồng cho giáo dục mà 3 năm mới giải ngân được 30-40%. Mà phải trả lãi cho 4.000 tỷ trong suốt 3 năm trời liền.

Vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu!

Với những rủi ro có thể xảy đến, theo ông, đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách chưa?

Tôi nghĩ là Chính phủ chắc sẽ chưa có điều chỉnh gói kích cầu mà vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách kích cầu thôi.

Thứ nhất, Chính phủ phải đảm bảo uy tín của mình trước những tuyên bố với cộng đồng doanh nghiệp, với Quốc hội, với dân chúng.

Thứ hai, Chính phủ cũng phải đề phòng xu hướng có thể có những cú sốc nhỏ, giống như động đất, cũng phải có dư chấn.

Ví dụ như nếu kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, trong khi một số nguồn lực tài chính còn bất ổn. Ngay trong quá trình phục hồi vẫn có thể có khủng hoảng. Vì vậy cho nên Chính phủ vẫn phải đề phòng.

12.7.09

Dùng “Sóng Elliott và số Fibonacci” để dự đoán xu hướng giá chứng khoán

Dùng “Sóng Elliott và số Fibonacci” để dự đoán xu hướng giá chứng khoán

Bài này thuộc sự kiện/chuyên đề: Kiến thức chứng khoán

Lý Thuyết sóng Elliott:


Nguyên tắc sóng Elliott là một trong những công cụ 
phân tích kỹ thuậtmà một số nhà kinh doanh chứng khoán dùng để phân tích những xu hướng giá trong các thị trường tài chánh. “Cha đẻ” của nguyên tắc này là Ông Ralph Nelson Elliott (1871-1948). Nghề chính của ông là kế tóan và ông đã nghiên cứu và phát triển ra nguyên tắc này vào những năm 30 của thế kỷ trước.

Theo ông Elliott, sự thay đổi của giá cả sẽ tạo ra những cơn sóng, như hình vẽ. Trong đó một cơn sóng cơ bản sẽ có 5 cơn sóng “chủ” và 3 cơn sóng điều chỉnh. Trong 5 con sóng chủ thì sóng số 1, 3 và số 5 gọi là sóng “chủ và động”, và sóng 2, 4 gọi là sóng “chủ và điều chỉnh”. 2 con sóng điểu chỉnh được gọi là sóng A,B, C.

Trong mỗi một con sóng như vậy lại có những con sóng nhỏ và cũng tuân theo quy luật của lý thuyết Elliot. Một đợt sóng chủ hòan chỉnh sẽ có 89 sóng và đợt sóng điều chỉnh hòan chỉnh sẽ có 55 sóng.

Tùy theo thời gian độ lớn của sóng sẽ được phân theo thứ tự sau
  • Grant Supercycle: sóng kéo dài nhiều thập kỹ, đôi khi cả thế kỹ
  • Supercycle: kéo dài từ vài năm đến vài thập kỹ
  • Cycle: kéo dài từ 1 đến vài năm
  • Primary: kéo dài từ vài tháng đến vài năm
  • Intermediate: kéo dài từ vài từ tuần đến vài tháng
  • Minor: kéo dài trong vài tuần
  • Minute: Kéo dài trong vài ngày
  • Minuette: Kéo dài trong vài giờ.
  • Subminutte: Kéo dài trong vài phút.
Elliott_wave.png
 

Dãy số Fibonacci

Dãy số do nhà tóan học người Ý Leonardo Fibonacci (1175-1250) phát minh ra. Bắt đầu là số 0 và số 1, sau đó là những số kế tiếp được tạo ra bằng cách công 2 số đứng trước. Ví dụ 1 = 1+0, 5 = 3+2, 34=21+13. Điều kỳ diệu hơn là cứ lấy số lớn chia cho số nhỏ hơn một bậc , ví dụ 89/55 ta sẽ được 1.618; lấy số nhỏ chia cho số lớn hơn 1 bậc, ví dụ 21/34 ta sẻ được 0.6180, lấy số nhỏ chia cho số lớn hơn 2 bậc, ví dụ 13/34 ta sẽ được 0.382.

Tất cả các con số thuộc dãy số Fibonacci 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8 …và các con số 0.618 và 0.382, trong đó đặc biệt nhất là con số được mệnh danh là “tỷ lệ vàng” 1.618  - xuất hiện rất nhiều trong tự nhiên, trong cơ thề con người, trong vũ trụ, trong kiến trúc, xây dựng.

Quan trọng hơn đối với chúng ta những nhà 
đầu tư, kinh doanh chứng khoán, những con số “đầy ma lực trên” bên trên xuất hiên ngay trong thị truờng tài chánh, nhất là những biến động về giá cả.

Ralph Nelson Elliott khẳng định rằng ông nghiên cứu và phát mình ra lý thuyết sóng truớc khi biết Fibonacci nhưng những con số trùng hợp đến kỳ lại: 5 sóng chủ, 3 sóng điều chỉnh, 89  sóng chủ, 55 sóng điều chỉnh cũng như tỷ lệ giá của các con sóng luôn ở chung quanh các tỷ lệ vàng 0.618, 1.618, 0.328. Do đó có một giá thuyết khác cho rằng Ông Elliott đã ứng dụng những con số Fibonacci vào lý thuyết của mình. 

Dãy số Fibonacci

Số lớn/chia cho số nhỏ hơn 1 bậc

Số nhỏ/chia cho số lớn hơn 1 bậc

Số nhỏ/chia cho số lớn hơn 2 bậc

0

 

 

 

1

 

 

 

1

 

 

 

2

 

 

 

3

 

 

 

5

 

 

 

8

 

 

 

13

1.6250

    0.6154

0.3810

21

1.6154

    0.6190

0.3824

34

1.6190

    0.6176

0.3818

55

1.6176

    0.6182

0.3820

89

1.6182

    0.6180

0.3819

144

1.6180

    0.6181

0.3820

233

1.6181

    0.6180

0.3820

377

1.6180

    0.6180

0.3820

610

1.6180

    0.6180

0.3820

987

1.6180

    0.6180

 



Một dãy sóng 5-3 điển hình trong thị truờng tăng trường “bò húc”

Dưới đây là phân tích một con sóng 5-3 điển hình của thị trường trong giai đọan tăng trưởng - “bò húc”. Cũng con sóng 5-3 này trong Thị trường suy thóai – “gấu ngủ” sẽ được vẽ hòan tòan ngược lại.

Sóng chủ số 1. Đợt sóng đầu tiên này là có điểm xuất phát từ thị truờng con gấu (suy thóai), do đó sóng 1 ít khi được nhận biết ngay từ đầu. Lúc này  thông tin cơ bản về các công ty niêm uớc vẫn đang là thông tin tiêu cực. Chiều hướng của thị trường trước khi sóng 1 xảy ra chủ yếu vẫn là thị truờng suy thoái. Những nhà phân tích cơ bản vẫn đang tiếp tục điều chỉnh thu nhập kỳ vọng thấp xuống so với dự kiến. Khối lương giao dịch có tăng chút ít theo chiều hướng giá tăng. Tuy vậy việc tăng này là không đáng kể. Do đó nhiều nhà phân tích kỹ thuật không nhận ra sự có mặt của đợt sóng số 1 này.

Sóng chủ  số 2. Sóng chủ 2 sẽ điều chỉnh sóng 1, nhưng điểm thấp nhất của sóng 2 không bao giờ vượt qua điểm xuất phát đầu tiên của sóng 1. Tin tức dành cho thị trường vẫn chưa khả quan. Thị trường đi xuống ở cuối sóng 2 để thực hiện việc “kiểm tra” độ thấp của thị trường. Những người theo phái con gấu vẫn đang tin rằng thị trường con gấu vẫn đang ngự trị. Khối lượng giao dịch sẽ ít hơn đợt sóng 1. Giá sẽ được điều chỉnh giảm và thuờng nằm trong khoảng 0.382 đến 0.618 của mức cao nhất của sóng 1.

Sóng chủ số 3. Thông thường đây là sóng lớn nhất và mạnh mẽ nhất của xu hướng lên giá. Ngay đầu sóng 3, thị trường vẫn còn nhận những thông tin tiêu cực vì vậy có nhiều nhà kinh doanh không kịp chuẩn bị để mua vào. Khi sóng 3 đang ở lưng chừng, thị trường bắt đầu nhận những thông tin cơ bản tích cực và những nhà phân tích cơ bản bắt đầu điều chỉnh thu nhập kỳ vọng. Mặc dù có những đợt điều chỉnh nho nhỏ trong lòng của sóng 3, giá của sóng 3 tăng lên với tốc độ khá nhanh. Điểm cao nhất của sóng 3 thường cao hơn điểm cao nhất của sóng 1 với tỷ lệ 1,618:1

Sóng chủ số 4. Đây thật sự là một con sóng điều chỉnh. Giá có khuynh hướng đi xuống và đôi khi có thể răng cưa kéo dài. Sóng 4 thường sẽ điều chỉnh sóng 3 với mức 0.382 – 0.618 của sóng 3. Khối lượng giao dịch của sóng 4 thấp hơn của sóng 3. Đây là thời điểm để mua vào nếu như nhà kinh doanh nhận biết được tiềm năng tiếp diễn liền sau đó của con sóng 5. Tuy vậy việc nhận biết điểm dừng của sóng 4 là một trong những khó khăn của các nhà phân tích kỹ thuật trường phái sóng Elliot.

Sóng chủ số  5. Đây là đợt sóng cuối cùng của 5 con sóng “chủ”. Thông tin tích cực tràn lan khắp thị trường và ai cũng tin rằng thị trường đang ở trong thế bò húc. Khối lượng giao dịch của sóng 5 khá lớn , tuy vậy thông thường vẫn nhỏ hơn sóng 3. Điều đáng nói là những nhà kinh doanh “không chuyên nghiệp” thường mua vào ở những điểm gần cuối sóng 5. Vào cuối con sóng 5, thị trường nhanh chóng chuyển hướng. 

Sóng điều chỉnh A. Sóng này bắt đầu cho đợt sóng điều chỉnh A,B,C. Trong thời gian diễn ra sóng A, thông tin cơ bản vẫn đang rất lạc quan. Mặc dù giá xuống, nhưng phần đông các nhà kinh doanh vẫn cho rằng thị trường đang trong thế bò húc. Khối lượng giao dịch tăng trưởng khá đều đặn theo con sóng A.

Sóng điều chỉnh B. Giá tăng trở lại và với mức cao hơn so với điểm cuối sóng A. Sóng B được xem là điểm kéo dài của thị trường bò húc. Đối với những người theo trường phái phân tích kỹ thuật cổ điển, điểm B chính là vai phải của đồ thị Đầu và Vai ngược. Khối lượng giao dịch của sóng B thường thấp hơn của sóng A. Vào lúc này, những thông tin cơ bản của các công ty không có những điểm tích cực mới, thế nhưng cũng chưa chuyển hẳn qua tiêu cực.

Sóng điều chỉnh C. Giá có khuynh hương giảm nhanh hơn các đợt sóng trước. Khối luợng giao dịch tăng. Hầu như tất cả mọi nhà kinh doanh, đầu tư đều nhận thấy rõ sự ngự trị của “gấu ngủ”  trên thị trường, chậm nhất là trong đợt sóng nhỏ thứ 3 của sóng C.  Sóng C thường lớn như sóng A. Điểm thấp nhất của sóng C ít nhất bằng điểm thấp nhất của sóng A nhân với 1.618.

Elliott_wave.jpg
Thay cho lời kết:

Tuy Lý thuyết sóng Elliott kết hợp với dãy số Fibonacci bị một số chỉ trích phê bình, nó vẫn được rất nhiều nhà nghiên cứu và kinh doanh các sản phẩm tài chánh cổ vũ và sử dụng trong việc phân tích giá. Và ngày nó càng trở nên phổ biến vì sự chính xác đôi khi đến bất ngờ của nó. Trong hội thảo đầu tư tài chánh châu Á, ngày 26/7/2007 tại Thành Phố Hồ Chí Minh, ông Joe DiNapoli, một chuyên gia về kỹ thuật Fibonacci đã chứng minh rằng trong năm v ừa rồi, có hai con sóng của VNIndex đã theo đúng các con số Fibonacci. Dĩ nhiên chúng ta có thể tìm ra thêm nhiều chứng cớ xác thực của VNIndex cho “lý thuyết sóng Elliott kết hợp với Fibonacci”.  Điều đó cũng giống như nhiều dụng cụ phân tích kỹ thuật khác: khá chính xác khi chứng minh quá khứ, nhưng chính xác “vừa phải” khi dự đoán tương lai. Do đó khi xử dụng lý thuyết trên cũng như bất cứ phương pháp/dụng cụ phân tích kỹ  thuật nào khác, chúng ta phải hết sức thận trọng, sáng suốt và quan trọng hơn hết là chuẩn bị chấp nhận một mức độ  rủi ro nhất định.

========
Bài viết www.saga.vn hợp tác với ĐTCK online