4.6.09

Thông tin về hoạt động NH tháng 05/2009

Thông tin về hoạt động NH tháng 05/2009

I. Hoạt động của NHNN

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng:

Trong tháng 5/2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Thông tư số 08/2009/TT-NHNN ngày 28/4/2009 Hướng dẫn về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

- Thông tư số 09/2009/TT-NHNN ngày 05/5/2009 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

- Thông tư số 10/2009/TT-NHNN ngày 08/5/2009 sửa đổi bổ sung Quyết định số 45/2007/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Thống đốc NHNN về độ mật của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong ngành Ngân hàng.

- Thông tư số 11/2009/TT-NHNN ngày 27/5/2009 sửa đổi khoản 1 điều 7 Thông tư số 03/2009/TT-NHNN ngày 02/3/2009 quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá của NHNN đối với các ngân hàng.

- Thông tư số 12/2009/TT-NHNN ngày 28/5/2009 hướng dẫn một số nội dung trong cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại ban hành theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 5/2009, NHNN tiếp tục tập trung chỉ đạo trong toàn Ngành triển khai có hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất;

- Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình cho vay hỗ trợ lãi suất và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ các cơ chế, thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất;

- Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, trong tháng 5/2009, NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt nam (7%), lãi suất tái cấp vốn (7%), lãi suất tái chiết khấu (5%) như tháng 4/2008; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và giữ ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động ngoại hối, ổn định thị trường tiền tệ:

+ NHNN đã đề nghị các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ; phối hợp với NHNN đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để dân chúng hiểu và tránh tâm lý kỳ vọng vào việc phá giá mạnh VND; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động ngoại hối.

+ Triển khai đồng bộ các giải pháp can thiệp để ổn định thị trường ngoại tệ như: (i) Hoán đổi ngoại tệ trên quy mô lớn với các ngân hàng thương mại nhằm tạo thêm nguồn vốn VND để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho nền kinh tế theo các chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; (ii) Điều hoà ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại; (iii) Tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các hành vi cố tình mua bán ngoại tệ vượt trần qui định; (iv) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, chống đầu cơ; (v) Sử dụng các biện pháp chống găm giữ ngoại tệ và hút nguồn ngoại tệ vào ngân hàng; (vi) Đề nghị một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn chuyển từ mua ngoại tệ sang vay bằng ngoại tệ để góp phần làm giảm căng thẳng về cầu ngoại tệ trên thị trường.

- Ban hành Chỉ thị yêu cầu: (i) Các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp kinh doanh phù hợp, chủ động ngăn ngừa rủi ro kinh doanh; điều hành và quản trị vốn kinh doanh có hiệu quả, an toàn, đúng qui định; ấn định lãi suất huy động vốn phù hợp với cung - cầu vốn, qui định của NHNN và có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất cho vay; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đi đôi với mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung cho vay hỗ trợ lãi suất và tập trung vốn cho các nhu cầu sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông thôn và các dự án lớn, trọng điểm của Nhà nước; (ii) Các đơn vị thuộc NHNN triển khai linh hoạt, có hiệu quả các biện pháp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, với trọng tâm là việc thực hiện các qui định về cho vay hỗ trợ lãi suất, quản lý ngoại hối.

- Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng, NHNN đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị, NHNN đã thông báo về tình hình cải cách thủ tục hành chính của NHNN nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ tín dụng và dịch vụ giữa doanh nghiệp và ngân hàng; tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất và giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Các kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào một số vấn đề như: hỗ trợ lãi suất, xử lý nợ, bảo lãnh vay vốn, quản lý ngoại hối và cải cách thủ tục hành chính trong ngành Ngân hàng.

- Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người nghèo về nhà ở, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở.

3. Củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng:

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình hoạt động và cấp phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

- Hiện nay, hoạt động của một số công ty Tài chính, công ty Cho thuê Tài chính còn một số tồn tại. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng này; đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng này.

4. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước:

NHNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN.

NHNN đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới hoạt động báo cáo thống kê trong ngành Ngân hàng theo hướng chuyển đổi mô hình tổ chức hệ thống báo cáo thống kê từ phân tán sang tập trung và xây dựng lại các chỉ tiêu báo cáo theo hướng khoa học, tinh gọn, không trùng lắp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, thống kê tiền tệ.

Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của NHNN Việt Nam theo hướng một Ngân hàng Trung ương hiện đại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ký với Ngân hàng Thế giới (WB) Hiệp định tài trợ dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng trị giá 60 triệu USD.

5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng:

Trong tháng 5/2009, Thống đốc NHNN đã tham dự Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lần thứ 42 tại Bali, Indonesia. Hội nghị tập trung thảo luận về triển vọng kinh tế khu vực trong bối cảnh tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phản ứng chính sách của các nước và các sáng kiến, chương trình của ADB hỗ trợ các nước thành viên đang phát triển vượt qua những thách thức hiện tại. Sau Hội nghị, Thống đốc NHNN đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: (i) Giao NHNN làm việc với ADB về khả năng Việt Nam tiếp cận thể thức vay mới để hỗ trợ cho các giải pháp kích cầu của Chính phủ; (ii) Cho phép NHNN tiếp cận Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để xem xét các thể thức cho vay đối với các ngân hàng thương mại hỗ trợ đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu; (iii) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN và các Bộ, Ngành hữu quan khẩn trương rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án/chương trình vay vốn theo danh mục tài trợ dự kiến của ADB giai đoạn 2009-2010 và đánh giá khả năng triển khai sớm trong 2009 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đề nghị ADB cấp trước vốn; làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), JBIC về các thể thức vay hỗ trợ các gói kích cầu của Chính phủ; (iv) Giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục đàm phán về các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại của chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, góp ý cho dự thảo Hiệp định về CMIM.

II. Một số hoạt động khác

1. Trong tháng 05/2009, Thống đốc NHNN đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long và tiếp xã giao Chủ tịch Taiwan Cooperative Bank. Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm việc với Đoàn giám sát Dự án Tài chính nông thôn của WB

2. Ngày 29/5/2009 tại Hà Nội, NHNN tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2009 dưới sự chủ trì của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.

III. Một số tình hình tiền tệ, tín dụng trong tháng 05/2009

1- Lãi suất:

Đối với lãi suất VND: So với cuối tháng trước, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng từ 0,15-0,65%/năm, hiện lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 7,3-8,88%/năm. Lãi suất cho vay giữ ổn định ở mức 8,5-10,5%/năm. Mức lãi suất cho vay sau khi được hỗ trợ lãi suất phổ biến ở mức 4,5-6%/năm.

Đối với lãi suất USD: So với cuối tháng trước mặt bằng lãi suất USD có xu hướng giảm, mức giảm từ 0,2-0,5%/năm đối với lãi suất huy động, từ 0,3-0,6%/năm đối với lãi suất cho vay. Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 1,24-2,65%/năm và lãi suất cho vay phổ biến ở mức 3-7%/năm.

2- Tỷ giá:

Trong tháng 5/2009, tình hình ngoại tệ trên thị trường có xu hướng ổn định. Ngày 01/6, tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 16.938, tăng 0,018% so với cuối tháng trước, tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn kịch trần cho phép.

3- Tổng phương tiện thanh toán:

Tổng phương tiện thanh toán tháng 05/2009 ước tăng 3,19% so với tháng trước và tăng 14,55% so với cuối năm trước; trong đó, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước giảm 0,11% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cuối năm trước.

4- Huy động vốn:

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tháng 05/2009 ước tăng 3,87% so với cuối tháng trước và tăng 13,64% so với cuối năm trước; trong đó, số dư tiền gửi VND tăng 4,6% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 1,33% so với cuối tháng trước.

5- Cho vay nền kinh tế:

Đầu tư cho nền kinh tế tháng 05/2009 ước tăng 4,2% so với cuối tháng trước và tăng 14,91% so với cuối năm trước; trong đó, đầu tư bằng VND ước tăng 4,96% và đầu tư bằng ngoại tệ ước tăng 0,68% so với cuối tháng trước.

SBV

Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường tiềm lực phát triển của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khi xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 bên cạnh mục tiêu trên phải nhằm các mục tiêu khác bao gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an ninh xã hội.

Phấn đấu GDP bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 7-8%/ năm.

Đây là định hướng phát triển đồng thời cũng là nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch Phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 đi đôi với yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 2-3%/ năm. Trong các định hướng phát triển và nhiệm vụ chủ yếu thì các định hướng và nhiệm vụ sau đây được nêu ở hàng đầu: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định... tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đi đôi với tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2010-2015 phải xây dựng bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển KT-XH, bảo đảm điều kiện để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011 - 2020.

Trong quá trình xây dựng Kế hoạch, các Bộ, ngành và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi Chính phủ, các chuyên gia trong và ngoài nước....

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng "Đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015", báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình xin ý kiến Bộ Chính trị ngay trong tháng 6/2009